“Bản thân chúng tôi cũng nhắc nhở Uyên Linh rằng, bạn đừng làm gì khiến chúng tôi phải đi tìm một thần tượng khác”, MC Diễm Quỳnh.
Với công nghệ tổ chức trò chơi
truyền hình phát triển vượt bậc, cuộc thi hát Việt Nam Idol 2010 đã khép lại
thành công khi đưa được cô gái 22 tuổi Trần Nguyễn Uyên Linh từ vô danh bỗng trở
thành người nổi tiếng.
Xung quanh cách ứng xử và kế hoạch của ban tổ chức đối với các thí sinh sau cuộc
thi, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với MC Diễm Quỳnh, Phó Ban thanh thiếu niên
VTV6, đại diện Ban tổ chức.
- Uyên Linh giờ đã là cái tên
được hàng triệu người biết tới. Tại sao Ban tổ chức chỉ đặt vấn đề hỗ trợ cô ấy
ra đĩa, truyền thông quảng bá mà không là khai thác cái tên của cô ấy trong một
thời gian nhất định?
Điều này nằm trong quan điểm về truyền thông của Ban tổ chức. Là đơn vị đứng ra thực hiện chương trình nhằm tạo dấu ấn trong năm 2010, VTV6 đã đồng hành với bạn trẻ trong một cuộc thi tìm tài năng. Và chúng ta đã tìm được một tài năng được nhiều người yêu thích. Việc tiếp theo của chúng tôi là theo dõi chặng đường sắp tới của cô ấy sẽ ra sao. Với cô ấy, chúng tôi chỉ gọi là hỗ trợ, không nghĩ là khai thác. Khai thác một nhân vật, một vấn đề nóng là mục tiêu của báo chí. VTV6 có rất nhiều vấn đề nóng, nhân vật nóng để khai thác, đưa tin. Cách chúng tôi làm với Uyên Linh là đồng hành cùng cô ấy trong và sau cuộc thi. Bởi những thuận lợi cho cô ấy có thể dễ thấy ở bề ngoài, nhưng những khó khăn thường ẩn bên trong, ít khi cô ấy có thể chia sẻ được.
- Với việc lấy bình chọn
của khán giả làm thước đo kết quả, hiệu ứng tâm lý đám đông là không thể tránh
khỏi. Ban tổ chức Việt Nam Idol có hành động nào làm giảm bớt hay ngăn cản hiệu
ứng này không?
Việt Nam Idol 2010
đã đưa cô gái 22 tuổi Trần Nguyễn Uyên Linh (ảnh) từ chỗ vô danh nay trở thành
người nổi tiếng
Nửa đầu chương trình, mọi người quan tâm nhiều đến những chuyện bên lề nhưng sau đêm gala thứ 5, báo chí đã có sự xoay chiều, không còn khai thác chuyện bên lề nữa mà xoáy sâu vào nội dung âm nhạc, khai thác thẳng vào giọng hát. Chúng tôi rất biết ơn các cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết về cuộc thi này dưới góc độ âm nhạc. Nó thúc đẩy mọi người quan tâm đến cuộc thi nhiều hơn. Chúng tôi không làm gì cả để cản trở hay làm giảm hiệu ứng đám đông này, bởi chính chúng tôi cũng mong chờ chương trình nhận được sự ủng hộ của số đông khán giả.
- Khán giả đã đưa Uyên Linh lên làm thần tượng nhưng cũng có thể sẽ bỏ rơi cô ấy. Chị chia sẻ thế nào với Uyên Linh về điều này?
Quy luật cạnh tranh là như thế.
Uyên Linh lúc này được mọi người yêu thích và quan tâm, nhưng nếu cô không có kế
hoạch tốt cho những bước tiếp theo của mình thì khán giả bỏ rơi là hoàn toàn có
thể xảy ra. Khán giả là những người nồng nhiệt nhất, nhưng cũng là những người
hay quên nhất. Khi bước qua ngưỡng nồng nhiệt, họ sẽ chờ đợi, nhưng sự chờ đợi
không quá lâu. Thời gian dành cho cô không thực sự gấp gáp nhưng cũng không hề
trì trệ, thong dong. Cô ấy phải nắm được cơ hội và tận dụng nó một cách tốt
nhất. Cô hiện đang có thêm sự hỗ trợ của giám đốc âm nhạc của chương trình là
nhạc sĩ Huy Tuấn. Bản thân chúng tôi cũng nhắc nhở thường xuyên Uyên Linh rằng
bạn đừng làm gì khiến chúng tôi phải đi tìm một thần tượng khác cho riêng mình.
Thực ra tôi không phải nhà sản xuất âm nhạc, dù quá trình làm truyền hình giúp tôi có dịp gắn bó với nhiều chương trình âm nhạc như Bài hát Việt. Tôi cho rằng, một giọng hát hay ra đời từ cuộc thi nhưng để đứng được trong lòng công chúng, có sản phẩm âm nhạc hay thì đó phải là công việc của nhà sản xuất, truyền thông PR. Cũng như thế với trường hợp của Việt Nam Idol 2010, khi cuộc thi khép lại, các thí sinh mới từ sông bước ra biển lớn, sẽ gặp rất nhiều sóng gió chứ không chỉ dừng ở điểm cảng đầu tiên là VTV. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh hẳn đã nhìn thấy trách nhiệm của các nhà sản xuất âm nhạc. Tôi nghĩ họ luôn là người quan tâm đến thị trường, họ sẽ tìm ra cách và chắc chắn không bỏ phí những nhân tài. Bản thân nhiều nhạc sĩ cũng đã nói không phải năm nào họ cũng tìm được tài năng.
- Chị đánh giá thế nào về mức độ thành công của Việt Nam Idol mùa thứ ba?
Việt Nam Idol 2010 trước hết là
một chương trình truyền hình giải trí, mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một
chương trình hay, cho tất cả mọi người cùng xem. Về mặt này, chúng tôi đã làm
được khi có được một chương trình có cái để xem, thậm chí khán giả còn chăm chú
cùng xem. Chỉ trong mấy chục tuần mà tạo ra được nhiều tài năng cho âm nhạc là
điều không thể. Tôi chưa bao giờ gọi Việt Nam Idol có vai trò trong việc chấn
hưng âm nhạc nước nhà. Chấn hưng âm nhạc nước nhà phải là trách nhiệm của những
cơ quan hữu trách như Bộ văn hóa, Bộ giáo dục, những đơn vị đào tạo, nhà hát,
đoàn ca múa, những nhà sản xuất âm nhạc. Còn chúng tôi là những người làm sản
phẩm truyền hình, chỉ có điều đề tài của chúng tôi là về âm nhạc.
- Rất nhiều bạn trẻ đang nhìn thấy khả năng và cơ hội cho chính họ ở những cuộc thi như Việt Nam Idol. Chị có lời khuyên nào cho họ?
Đúng vậy. Nhiều người thấy thi
Idol thật thích vì thi xong sẽ được nổi tiếng như Uyên Linh hay được nhiều “fan”
như Văn Mai Hương. Tôi nghĩ đây là tâm lý của bạn trẻ, họ muốn đạt điều gì đấy
mà họ nghĩ sẽ tốt hơn cho mình. Các bạn hoàn toàn có thể nuôi ước mơ. Nhưng ước
mơ là một chuyện, còn thực hiện được nó hay không lại là chuyện khác. Nên nếu
sau khi cuộc thi này, các bạn sẽ siêng học hát hơn, bớt thời gian chơi game, la
cà quán internet thì tôi nghĩ đây cũng là điều tốt.
- Minh Chánh (thực hiện)