VPF quyết tâm...

Tình huống dẫn đến bàn thắng của Bình Dương trước Viettel gây nhiều tranh cãi ở vòng đấu thứ 4 kết thúc cách đây chưa lâu đã khiến câu chuyện có nên áp dụng công nghệ VAR cho Wake up 247 V-League được nhắc lại.

Và ngay chiều 11/4, chủ tịch HĐQT VPF là ông Trần Anh Tú tái khẳng định quyết tâm của công ty đang điều hành giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam khi cho biết đang xúc tiến để đưa VAR về V-League từ tháng 6. 

{keywords}
Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú đang rất quyết tâm đưa V-League đi lên bằng việc đưa công nghệ VAR về

Chia sẻ cụ thể hơn, bầu Tú cho hay sẽ cố gắng làm một cách tiết kiệm, tối ưu nhất trong khả năng tài chính trước khi có những biến chuyển ở mùa giải kế tiếp, hay sau này.

Theo như chủ tịch HĐQT VPF, hầu hết các CLB đều tán thành với phương án sử dụng VAR vào V-League, bởi đây là lợi ích của tất cả cũng như hạn chế được những sai số, hay tình huống diễn ra quá nhanh mà các trọng tài không thể theo kịp như tình huống ở vòng đấu thứ 4 giữa Bình Dương và Viettel.

Với quyết tâm này VPF đang kỳ vọng mọi chuyện sẽ ổn thoả để V-League 2019 đi tới thành công hơn so với các mùa giải trước đó vốn rất ồn ào chuyện trọng tài...

Nhưng khả thi đến đâu?

Đương nhiên, V-League trong bối cảnh tranh tối – tranh sáng của giới cầm còi, cho tới việc các đội bóng, cầu thủ ngày càng... tinh quái hơn thì việc áp dụng VAR vào là hợp lý.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra liệu rằng có khả thi hay không khi thực tế vào lúc này V-League vẫn đang chỉ là một giải đấu mới tiệm cận sự chuyên nghiệp, cũng như chưa là miếng bánh ngon để hút được nhà tài trợ lâu dài.

Bầu Tú cho hay thêm, V-League không thể áp dụng theo chuẩn của FIFA với điều kiện cần tới 48 camera, hay đi theo cách mà Thai-League vừa làm khi chỉ đủ điều kiện cho 4 trận/vòng đấu vì... ít tiền đã nói được khó khăn ban đầu nếu muốn có công nghệ VAR vào giải đấu. 

{keywords}
nhưng công nghệ VAR âu cũng chỉ là một giải pháp tức thời mà thôi

Không chỉ khó khăn về chuyện tiền bạc, ngay cả vấn đề con người để sử dụng công nghệ VAR lúc này theo như VPF tính toán là sử dụng các trọng tài đã nghỉ hưu cho công việc ngồi phòng xem và đưa ra quyết định.

Nhưng đây rõ ràng cũng không phải phương án khả thi, bởi nhiều trọng tài khi làm nghề còn đầy điều tiếng, huống gì đã nghỉ để chẳng ai có thể đảm bảo “sạch” ở phòng VAR vốn dĩ quyết định cao nhất vẫn là con người.

Đưa công nghệ VAR vào V-League cũng không đơn giản chỉ cần tiền, nhân lực như nhiều người nghĩ, bởi thực tế muốn được áp dụng phải được đồng ý của FIFA. Ngay cả khi mô hình VAR ở Thai-League mà bầu Tú muốn áp dụng cho giải đấu của VPF đang đứng ra tổ chức mới đây đã bị FIFA “tuýt còi” là thấy.

Công nghệ VAR đương nhiên V-League cần, nhưng cấp bách thì chưa. Vấn đề quan trọng hơn cả vẫn nằm ở VPF hay các trọng tài phải có những thay đổi về công tác điều hành, cũng như ý thức hơn về công việc mình đang làm.

Nói nôm na rằng, những “lình xình” của V-League nhiều năm qua đều bắt nguồn từ công tác trọng tài chưa được tốt chứ chẳng phải điều gì khác. Bởi vậy, ít nhất VPF hay ban trọng tài cần phải thay đổi điều này trước nhất với chất lượng, sự công tâm, và phải sạch đi đã.

Còn nếu vẫn sử dụng những con người từng sai lầm rất nhiều trong quá khứ mà cụ thể hơn là trọng tài Nguyễn Trọng Thư (dù tình huống công nhận bàn thắng cho Bình Dương khó có thể nói là sai, thậm chí đã bắt ổn ở cả trận đấu) thì kiểu gì cũng bị đổ lỗi.

VAR chỉ giải pháp tức thời, cũng như chỉ được phần nào vấn đề của trọng tài mà thôi, còn cội gốc vẫn nằm ở con người đấy chứ...

Mai Anh