Cả Pfizer và Moderna dường như có tác dụng chống Covid-19 như nhau khi mới được công bố với cùng công nghệ mRNA và tỷ lệ hiệu quả cao trên 90%. Nhiều tháng trôi qua, hai loại vắc xin đã cho thấy sự khác biệt phần nào trong sử dụng thực tế.
Ảnh minh họa: Statnews
Vào tháng 8, các nhà nghiên cứu của Trung tâm chăm sóc sức khỏe Mayo Clinic phát hiện, vắc xin Moderna có thể chống lại nguy cơ nhiễm bệnh sau tiêm cao hơn.
Sau đó vào tháng 9, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ghi nhận khả năng bảo vệ của Moderna vẫn ổn định, trong khi hiệu quả của Pfizer giảm 4 tháng sau khi tiêm chủng. Hiện tại, nghiên cứu mới dường như cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin Pfizer thậm chí còn giảm sớm hơn.
Hai nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học New England vào ngày 6/10 đánh giá, đáp ứng miễn dịch từ vắc xin Pfizer bắt đầu giảm 2 tháng kể từ liều thứ hai.
Một nghiên cứu ở Israel đã phân tích thông tin của hơn 4.800 nhân viên y tế trong suốt nửa năm. Họ được kiểm tra kháng thể hằng tháng từ ngày 19/12 đến ngày 9/7. Theo đó, hiệu giá kháng thể cao nhất được ghi nhận trong tháng đầu tiên sau tiêm liều thứ 2, nhưng cả kháng thể IgG và kháng thể trung hòa đều bắt đầu giảm sau đó.
Kháng thể IgG của người được tiêm giảm với tốc độ ổn định từ 2 đến 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2. Còn kháng thể trung hòa giảm mạnh trong tháng thứ 2 và thứ 3 trước khi giảm dần đến mức giảm ổn định.
Một nghiên cứu khác ở Qatar đã xem xét các ca Covid-19 trong hơn 900.000 người được tiêm 2 mũi Pfizer từ ngày 21/12 đến ngày 5/9. Hiệu quả chống lại nhiễm bệnh của vắc xin đạt đỉnh 77,5% trong tháng đầu tiên sau liều thứ 2. Nhưng đến tháng thứ hai, chỉ số này bắt đầu giảm dần. Các nhà nghiên cứu lưu ý trong công bố của mình: “Hiệu quả có thể tụt xuống còn 20% trong khoảng thời gian từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 7 sau liều thứ 2".
Pfizer cũng từng trích dẫn các thống kê khả năng bảo vệ của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian. Đó là lý do hãng dược này khuyến nghị mũi tiêm tăng cường. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và CDC gần đây đã cho phép tiêm mũi nhắc lại vắc xin Pfizer, nhưng chỉ dành cho một số nhóm đối tượng. Trong đó có những người từ 65 tuổi trở lên hoặc có điều kiện làm việc nguy cơ cao và đều đã tiêm liều thứ 2 ít nhất 6 tháng trước.
Nhưng các nhà khoa học tham gia 2 nghiên cứu trên lại cho rằng không nên hạn chế các mũi vắc xin tăng cường. Nhóm tác giả ở Qatar đánh giá: "Phần lớn những người được tiêm chủng có thể mất khả năng bảo vệ chống lại Covid-19 trong những tháng tới, dễ làm tăng khả năng xảy ra các đợt dịch mới".
Dù vậy, một tín hiệu vui là Pfizer vẫn có tác dụng nhất quán đối với việc ngăn ngừa nhập viện (96%) và tử vong liên quan đến Covid-19. Chỉ số hiệu quả này không giảm theo thời gian.
>>> Thông tin về Vắc xin Covid-19 mới nhất
An Yên (Theo Bestlife)
Kháng thể Covid-19 ở người đã khỏi bệnh tồn tại bao lâu?
Nhiều người từng mắc Covid-19 vẫn còn kháng thể sau 12 tháng, nhưng mức độ suy giảm dần so với 6 tháng trước đó.
Có an toàn khi hai người đã tiêm vắc xin Covid-19 ôm hôn?
Các nhà khoa học cho rằng ít có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi tiếp xúc gần nếu đeo khẩu trang đầy đủ, biết chắc về đối phương.