Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã hoàn thành đợt thử nghiệm trên người đầu tiên đối với một loại vaccine ngừa HIV mới với tỷ lệ thành công cao chưa từng có.

TIN LIÊN QUAN

Các nhà khoa học đã hoàn thành đợt thử nghiệm loại vaccine mới với mức thành công lên tới 90%. Ảnh: Gizmag.

Với mức độ thành công lên tới trên 90% ở những người tình nguyện (không mắc HIV), loại vaccine này đang mang lại niềm hy vọng tràn trề về khả năng phòng ngừa căn bệnh thế kỷ.

Một nhóm các nhà khoa học mà đứng đầu là tiến sĩ Mariano Esteban của Trung tâm Công nghệ Sinh học Quốc gia - Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha, đã bắt tay vào nghiên cứu vaccines mới từ năm 1999. Họ sử dụng một loại virus đã được làm suy yếu là MVA - B (tức một biến thể của Vaccine Ankara biến đổi - loại trước đây được dùng để ngăn ngừa bệnh đậu mùa). Vaccine Ankara biến đổi cũng là nền móng gốc của nhiều loại vaccine phòng bệnh khác, trong khi hậu tố "B" ám chỉ HIV - B, chủng HIV thường gặp nhất ở châu Âu.

Nhóm của tiến sĩ Esteban đã cấy các gene HIV như Gag, Pol, NeF và Env lên chuỗi gene của MVA. Đến năm 2008, họ đã thử vaccnine HIV trên chuột và khỉ và đạt được thành công trọn vẹn.

Kết quả thử nghiệm trên người đầu tiên vừa được công bố trên Tạp chí Virus và Vaccine (Tây Ban Nha). Trong cuộc thử nghiệm này, các nhà khoa học đã tiêm vaccine cho 24 trên tổng số 30 tình nguyện viên không mắc HIV. 6 người còn lại được tiêm vaccine trấn yên và họ không cảm nhận thấy bất cứ tác dụng nào. Tuy nhiên 90% những người được tiêm vaccine HIV đã phát triển một cơ chế miễn dịch cực mạnh để chống lại virus HIV. Trong đó, 85% duy trì phản ứng miễn dịch này trong ít nhất một năm.

Ngoài ra, một tin tốt khác là không có phản ứng phụ đáng kể nào ở tất cả các bệnh nhân. Đây cũng là một trong những mục tiêu rất quan trọng ở đợt thử nghiệm trên người này.

Tiến sĩ Estaban, người đứng đầu chương trình nghiên cứu. Ảnh: Gizmag.

Mặc dù vậy, tiến sĩ Esteban vẫn tỏ ra hết sức thận trọng: "Phương pháp điều trị mới chỉ được thử nghiệm trên 30 người, một con số rất nhỏ bé. Và dù cho thử nghiệm rất thành công nhưng vẫn còn là quá sớm để kết luận cơ chế tự bảo vệ này đủ hiệu quả với người nhiễm HIV thực sự".

Sau đây, nhóm nghiên cứu sẽ bắt tay vào giai đoạn thử nghiệm thứ hai: tiêm vaccine cho những người đã nhiễm virus HIV. Mục tiêu của đợt thử nghiệm là kiểm tra tác dụng điều trị của vaccine ở những bệnh nhân này.

Chia sẻ trên CSIC, tiến sĩ Esteban cho biết: "Về nguyên tắc, đặc trưng miễn dịch của MVA-B thỏa mãn các yêu cầu của một vaccine HIV tiềm năng, vì nó tạo ra các kháng thể và kích hoạt các tế bào chủ chốt trong cơ thể phòng thủ trước virus”.

Tuy nhiên, rất tiếc là phát hiện này còn lâu nữa mới có thể thương mại hóa đuợc. Nhanh nhất thì các nhà khoa học cũng phải tiến hành thêm 2 giai đoạn thử nghiệm nữa ở những người mắc HIV trên quy mô lớn.

Trọng Cầm