Quy hoạch ở Hà Nội mới chỉ dừng lại ở quy hoạch chung và quy hoạch phân khu mà thiếu quy hoạch chi tiết cho từng tuyến phố, khu đô thị. Chính vì thế, chủ đầu tư tha hồ xây cao ốc và không có quy hoạch chi tiết nên mặc sức số tầng cao một cách dễ dàng

Trao đổi với PV Infonet, KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, mật độ xây dựng tập trung vào khu trung tâm không chỉ gây nhiều bức xúc mà còn thể hiện việc không thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt. Mà theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050. Như vậy, mục tiêu là phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư.

{keywords}

heo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Bản thân quy hoạch làm tốt nhưng yếu kém trong quản lý quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch âm thầm.... Ảnh: Minh Thư

“Đã có quy hoạch rồi thì phải tuân theo, không được tự động điều chỉnh. Điều chỉnh phải là điều chỉnh thông minh, phải được các cơ quan xem xét việc điều chỉnh như thế có tốt không hay làm hỏng quy hoạch? Tôi đã từng góp ý với lãnh đạo thành phố là cố gắng bám sát lấy quy hoạch Thủ đô đã được duyệt, bởi bây giờ xây dựng tập trung phần lõi quá nhiều rồi”, ông Lân nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Hà Nội thì việc xây dựng của ta hiện nay còn phải dựa quá nhiều vào các nhà đầu tư nên không thể tránh được việc nhà đầu tư đưa ý kiến của họ vào. Với các nước, đây là chuyện bình thường, nhưng người chỉ huy của họ là những người kiên quyết giữ vững ý kiến kiên định của mình từ đầu đến cuối, điểm này lại khác với nước ta.

Cho rằng bản thân quy hoạch làm tốt nhưng yếu kém trong quản lý quy hoạch, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn: “Điều chỉnh quy hoạch âm thầm, rồi đến khi ai hỏi đến thì trả lời mọi thứ đều theo quy hoạch. Yếu kém đó không chỉ là ở vấn đề năng lực mà có thể còn có cả vấn đề lợi ích nhóm ở đấy nữa. Việc chấn chỉnh lại quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch thì cũng có nghĩa phải tiến hành đấu tranh chống lại lợi ích nhóm”.

Ông Liêm cho hay, vấn đề quy hoạch đô thị hiện có khác với quy hoạch ở khu đô thị mới, do đó vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở khu đô thị hiện có là rất khó, đòi hỏi năng lực quản lý cao, nhưng lâu nay cả Bộ Xây dựng cũng như ở địa phương chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này mà chỉ quan tâm nhiều đến vấn đề xây các khu đô thị mới. Trong khi các nhà kinh doanh bất động sản thường nhìn vào những miếng đất nào màu mỡ để phát triển xây dựng vì lợi nhuận lớn.

Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ở các nước khác vẫn xây nhiều nhà cao tầng nhưng họ xây dựng bài bản chứ không phải bạ đâu xây đấy như Hà Nội. Theo ông, sở dĩ các nước dù xây dựng tầng tầng, lớp lớp nhưng chẳng có vấn đề gì vì nước họ có tới 50% người đi làm việc bằng phương tiện giao thông công cộng, 45% người đi làm bằng đi bộ vì nhà ở không xa nơi làm việc, chỉ còn khoảng 5% là đi bằng phương tiện cá nhân.

Mặt khác, ông Liêm cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch không đơn giản, luật pháp đã quy định rõ phải thuê thẩm định, phải có người duyệt… nhưng đấy là luật pháp, còn thi hành luật pháp lại là việc khác. Ông Liêm ví von: “Nó giống như luật giao thông rất đầy đủ nhưng vẫn có hiện tượng “đi ngang đi ngửa” rất nhiều”.

Đặc biệt, theo ông Liêm, quy hoạch ở Hà Nội mới chỉ dừng lại ở quy hoạch chung và quy hoạch phân khu và Hà Nội hiện đang thiếu quy hoạch chi tiết cho từng tuyến phố, khu đô thị. Chính vì thế, chủ đầu tư tha hồ xây cao ốc và không có quy hoạch chi tiết nên họ mặc sức “xin – cho” số tầng cao một cách dễ dàng.

“Tôi cho rằng, thành phố nên lập hội đồng kiến trúc quy hoạch gồm các chuyên gia, các tổ chức xã hội… để muốn điều chỉnh nơi nào, điều chỉnh cái gì buộc phải tham khảo ý kiến của tổ chức đó, chứ không phải chỉ đăng một câu trên mạng bảo lấy ý kiến là xong”, ông Liêm nói.

Theo Infonet