Sáng 15/4, Bộ VHTTDL đã tổ chức Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đây là một trong hoạt động chính chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết vào những ngày tháng 4 lịch sử này, cả dân tộc Việt Nam đang sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để hướng về nguồn cội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Trong các chuỗi hoạt động này, những người làm văn hóa trong cả nước lại đặt lên vai trách nhiệm của mình, cùng với nhân dân nhìn lại sức mạnh của văn hóa Việt Nam theo quan điểm, đường lối của Đảng.

Trong quá trình đó, tùy theo góc độ tiếp cận của giới nghiên cứu, của những người thực hành văn hóa và sâu xa hơn là nhân dân Việt Nam, với tư cách là chủ thể sáng tạo trong dựng xây và bảo vệ, trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chúng ta đều thấy được sức mạnh nội sinh của văn hóa, động lực của sự phát triển bền vững.

Vì vậy, chúng ta luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Gần đây nhất, chúng ta lại tiếp tục phát triển sâu sắc phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 21-11-2021. Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định “Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Văn hóa- sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL nói riêng, ngành Văn hóa nước nhà nói chung đã nhận được rất nhiều sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân để nỗ lực xây dựng và chấn hưng  phát triển văn hóa Việt Nam. Chỉ cách đây 2 tháng, toàn ngành Văn hóa đã tham mưu đúng và trúng cho Đảng để tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam- văn kiện đầu tiên của Đảng văn hóa.

Trong đó Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam- khơi nguồn và động lực phát triển”. Từ hội thảo này, toàn ngành đã có nhận thức đầy đủ hơn khi chúng ta thấm nhuần những quan điểm của Đảng, chủ trương, đường lối đúng đắn, tư tưởng của Bác Hồ về lĩnh vực văn hóa và gắn với thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay, để chúng ta tổ chức thực hiện có trọng tâm trọng điểm 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh: Đất nước Việt Nam hết sức tươi đẹp, có nền văn hóa lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển. 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất hình chữ S, đã đồng lòng tạo nên lịch sử dựng nước, giữ nước qua hàng nghìn năm và có sự gắn kết cộng đồng, đồng hành rất chặt chẽ. Trong đó, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Đó là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển của văn hóa nước nhà; đó là yếu tố để làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và sức hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Di sản văn hóa vừa được hiểu là các thành tố, vừa là phương tiện để biểu đạt các giá trị văn hóa, nó thể hiện sâu sắc bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn con người Việt Nam. Chính vì lẽ đó, các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc để tạo nên sức mạnh của văn hóa dân tộc giàu bản sắc. Những thành quả của văn hóa và nghệ thuật, của sáng tạo luôn luôn được giữ gìn, trao truyền để trở thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú và đồ sộ.

Bộ trưởng cho biết, theo thống kê của ngành Văn hóa, Việt Nam đã có trên 3.600 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể và 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, chúng ta còn có 468 di sản phi vật thể quốc gia, 238 bảo vật quốc gia và gần 9.000 lễ hội dân gian. Dẫn lại các con số này để thấy, tài nguyên văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và đồ sộ.

Cùng với đó, các dân tộc Việt Nam vốn có tinh thần khoan dung, sáng tạo để thúc đẩy hòa bình và chia sẻ tình đoàn kết nhân ái, vì cuộc sống tốt đẹp của đồng bào và nhân loại. Con người Việt Nam lại có khả năng thích ứng, bản lĩnh vững vàng khi đối mặt với những thử thách, khó khăn. Những phẩm chất đáng quý ấy là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng giúp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chủ quyền quốc gia, dân tộc và giải quyết tốt những thách thức của thời đại.

Văn hóa- một trong 4 trụ cột quan trọng của phát triển

“Trong thời gian qua, với việc phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân, đội ngũ văn nghệ sĩ là những người làm công tác văn hóa nghệ thuật,  giữ vai trò quan trọng, sáng tạo hàng triệu công trình văn học - nghệ thuật, đã trở thành phương tiện truyền tải, phổ biến những thông điệp, tư tưởng, giá trị mới; phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào về dân tộc, với tấm lòng nhân ái, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo, dũng cảm của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Văn hóa của các dân tộc Việt Nam đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước, là một trong 4 trụ cột quan trọng của phát triển cùng với kinh tế, xã hội và môi trường. Thực tiễn cho thấy, văn hóa là yếu tố quyết định đến sự phát triển con người, tạo nên tinh thần xã hội tiến bộ, lành mạnh, đậm đà bản sắc; chống lại sự đồng hóa về văn hóa. Văn hóa giúp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Hơn ai hết, chúng ta đều ý thức đầy đủ rằng một quốc gia không chỉ cần quân đội hùng mạnh, nền kinh tế vững mà cần mạnh cả về văn hóa. Bởi lẽ, chính văn hóa đã tạo ra môi trường cho sự dân chủ phát triển, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc. Một xã hội văn minh là một xã hội xây dựng được nền tảng văn hóa tinh thần xã hội tiên tiến, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đẩy mạnh, phát triển văn hóa trong chính trị, kinh tế để nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lớn mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức; phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa và đạo đức; hướng đến vì con người, vì cộng đồng và vì dân tộc.

Trên bình diện đối ngoại quốc tế, Việt Nam đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra với thế giới; từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa để thể hiện sức mạnh và khả năng chuyển hóa các nguồn lực, tài nguyên văn hóa dồi dào của cộng đồng các dân tộc; phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, việc khai thác, phát huy các nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc là việc cần phải làm theo hướng bền vững, thực hiện theo từng bước, nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm.

Tích cực quảng bá các giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra với thế giới

Để khai thác các nguồn lực văn hóa, phát triển con người, Bộ trưởng nhấn mạnh, toàn ngành Văn hóa phải quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng, làm tốt công tác quản lý của nhà nước, trong đó nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng và huy động sự tham gia của tất các bên liên quan, đóng góp vào sự phát triển nguồn lực văn hóa các dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước.

Cũng theo cách tiếp cận này, ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng mong muốn các Ban, Bộ, ngành, chính quyền địa phương phải nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hóa; bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt đầu tư, khai thác nguồn lực văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, phát triển du lịch gắn với tăng cường quảng bá văn hóa, đào tạo nhân lực văn hóa cũng phải được chú trọng.

Đồng thời, các Ban, Bộ, ngành, địa phương cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Bộ VHTTDL để đánh giá tổng thể về tiềm năng, trữ lượng nguồn tài nguyên văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong số hoá những di sản đang có nguy cơ mai một và thất truyền; triển khai thực hiện chiến lược đề án quy hoạch, chương trình phát triển các loại hình du lịch văn hóa, dịch vụ văn hóa ở cộng đồng các dân tộc; biến những giá trị văn hoá trở thành tài sản về văn hóa, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Về phía cộng đồng các dân tộc, với tư cách là chủ thể sáng tạo, Bộ trưởng yêu cầu đồng bào phải đề cao trách nhiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; tham gia tích cực vào các hoạt động sáng tạo, truyền dạy, thực hành văn hóa; kế thừa, phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; tiếp thu và bổ sung những giá trị mới để xây dựng con người Việt Nam với những giá trị phù hợp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ VHTTDL mong muốn các doanh nghiệp thông qua diễn đàn sẽ phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, chủ động xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng để nuôi dưỡng và tạo ra nguồn lực phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa công tác đầu tư cho văn hóa; khai thác các yếu tố văn hóa để nâng cao tính sáng tạo, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách và nhân dân; các doanh nghiệp cần thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mang bản sắc văn hóa Việt  Nam để phục vụ công chúng và đưa ra bạn bè quốc tế. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân hãy phấn đấu để trở thành đại sứ quảng bá các giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra với thế giới.

Hải Vân