Quảng Ngãi là vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Các dân tộc Cor, Hrê, Ca Dong… lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo từ trang phục, ẩm thực, phong tục, đến những làn điệu dân ca và nghi lễ truyền thống. Một số loại hình văn hóa dân gian đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời thúc đẩy bảo tồn văn hóa, để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh, góp phần vào phát triển kinh tế du lịch, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều giải pháp đồng bộ gồm:
Thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp, phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, công trình tôn giáo phục vụ phát triển du lịch.
Thực hiện nền tảng số du lịch, thống kê du lịch; duy trì, vận hành, nâng cấp hoạt động của website và App Du lịch Quảng Ngãi; xây dựng sản phẩm truyền thông tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Ngãi; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, gắn mã QR code tại các khu, điểm du lịch.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan nước ngoài ở Việt Nam, các cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá xúc tiến du lịch vào tỉnh, trong đó tập trung quảng bá và giới thiệu về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và du lịch tỉnh, nhất là di sản văn hóa Sa Huỳnh và huyện đảo Lý Sơn.
Tổ chức bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch với các nghiệp vụ: Lễ tân, buồng, hướng dẫn viên du lịch tại điểm; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng giao tiếp cho các hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới. Tổ chức bồi dưỡng về công tác quản lý nhà nước về du lịch và xúc tiến du lịch cho cán bộ công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở.
Các địa phương vận động người dân chung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Họ không chỉ là đối tượng thụ hưởng các chương trình, chính sách mà còn là chủ thể tham gia vào quá trình bảo tồn, phát triển du lịch. Điển hình là nghề dệt thổ cẩm của người H’rê, đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đang được chính người H’rê bảo tồn, phục hồi, phát huy ở một số buôn làng, trong đó, tiêu biểu tại làng Teng (huyện Ba Tơ).
Tại thị xã Đức Phổ, địa phương đang phát triển, xây dựng làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ. Gò Cỏ là một ngôi làng cổ Champa nằm gọn trong thung lũng ven biển Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh). Cách đây hơn 5 năm, dân làng Gò Cỏ tham quan học tập và thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng. Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận là sản phẩm du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.
Cuối năm 2022, Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Di tích này bao gồm di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), di tích Thạnh Đức, di tích Phú Khương, quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê và lạch An Khê - sông Cửa Lỗ. Ngoài biển đảo, kho tàng văn hóa Sa Huỳnh là một trong những lợi thế hiếm có để tỉnh Quảng Ngãi thu hút du khách.
Hay tại huyện Ba Tơ, cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án 6, Phòng VH - TT huyện tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch cụ thể từng năm để thực hiện. Trong đó, phòng tham mưu UBND huyện tổ chức trưng bày chuyên đề “Nghề đan mây tre, dệt thổ cẩm và làm rượu cần của đồng bào dân tộc Hrê huyện Ba Tơ” tại huyện Ba Tơ và tại tỉnh.
Huyện Ba Tơ đặc biệt chú trọng việc mở các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc Hrê. Từ năm 2019 đến nay, Phòng VH - TT huyện tổ chức 12 lớp truyền dạy văn hóa vật thể đánh chiêng 3 và nghệ thuật trình diễn chiêng 3; văn hóa phi vật thể hát Ta lêu và Ca choi truyền thống của dân tộc Hrê huyện Ba Tơ.
Mỗi lớp từ 30 - 40 học viên, nhằm truyền dạy cho học sinh và đoàn viên, thanh niên ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Huyện cũng thành lập đội dệt thổ cẩm, đội múa cồng chiêng và đội hát Ta lêu, Ca choi để phục vụ mô hình du lịch cộng đồng; đồng thời, quảng bá, duy trì các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Hrê tại Làng Teng, xã Ba Thành, thảo nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang và Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ... Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và tỉnh, huyện Ba Tơ đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho 23 nhà văn hóa trên địa bàn huyện.
Với những nỗ lực nêu trên, đã góp phần thúc đẩy mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung.
Diệu Bình