- Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật khẳng định, chi phí vận tải đường ven biển thấp hơn rất nhiều so với phương thức vận tải đường bộ, trong khi thời gian vận chuyển chỉ lâu hơn gần 2 – 2,5 lần...
Vận tải ven biển “lợi đơn, lợi kép”!
Ông Trần Đức Lanh - Giám đốc Công ty TMCP vận tải Thái Hà khẳng định: hiện nay các nhà máy sản xuất vật liệu, khu công nghiệp thường nằm sâu trong nội địa nên việc sử dụng tàu nhỏ vào sâu các cảng, bến thủy nội địa để chở hàng rất thuận lợi.
Do vậy, việc phát triển tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh – Quảng Bình vừa giúp giảm thiểu hư hỏng cơ sở hạ tầng đường bộ vừa giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
![]() |
Cần phải tăng cường tính kết nối để vận tải ven biển phát triển mạnh. |
Là đơn vị có 2 tàu trọn tải 3.000 tấn tham gia tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh – Quảng Bình, ông Trần Văn Ly - giám đốc DN Đông Bắc cũng cho biết, với việc tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh – Quảng Bình chính thức đi vào hoạt động, sẽ là cơ hội tốt để DN đưa tàu vào hoạt động công khai, bài bản và đảm bảo an toàn.
“Tuyến vận tải ven biển đi vào hoạt động tàu chúng tôi không chỉ chạy đúng tuyến mà còn thuận lợi trong việc bố trí nguồn hàng do đã có sẵn..”, ông Ly nói thêm.
Trong khi đó, về phía chủ hàng, đại diện Công ty Thái Hà cho biết, Công ty thường xuyên có nhu cầu chuyển than, xi măng, cọc bê tông, sắt xây dựng vào Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Bình quân mỗi tháng công ty có nhu cầu vận chuyển khoảng 20.000 tấn hàng các loại trên tuyến này bằng đường bộ với mức phí vận cao. Với việc tuyến vận tải ven biển đi vào hoạt động, nếu lịch tàu ổn định công ty sẽ chuyển hết hàng đi bằng đường ven biển..
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật, hiện nay mỗi tháng có khoảng 500.000 - 600.000 tấn hàng hoá (xi măng, bột đá, than cám...) có nhu cầu vận tải trên tuyến Hải Phòng – Quảng Bình. Nếu vận tải bằng đường bộ phải cần khoảng 20.000 lượt phương tiện thì vận tải bằng đường ven biển chỉ cần 600 lượt tàu trọng tải 1.000 tấn.
Không những thế, theo ông Nhật, giá cước đi đường thủy chi phí chỉ bằng 1/5 - 1/6 so với phương thức vận tải đường bộ, trong khi thời gian vận chuyển chỉ lâu chừng gần 2 lần.
Trên thực tế, cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20 fit vào khoảng 10-12 triệu đồng; đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 18-20 triệu đồng, trong khi đó cước vận tải bằng đường thủy từ Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 3 - 3,2 triệu đồng.
Thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi Thanh Hóa bằng đường bộ khoảng 6h, trong khi bằng đường thủy khoảng 10h.
Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, ông Lê Văn Thành - Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng còn cho rằng, việc phát triển tuyến vận tải ven biển sẽ thúc đẩy ngành đóng tàu phát triển trong điều kiện khó khăn hiện nay, nhất là khi cả nước đang có hàng vạn công nhân đóng tàu không có việc làm do không có đầu ra cho thị trường đóng tàu.
![]() |
Nguồn hàng háo tại các cảng biển luôn có sẵn để thúc đẩy vận tải ven biển phát triển. |
Tăng cường kết nối để phát triển bền vững!
Ông Thành cho biết, muốn phát triển tuyển vận tải ven biển có hiệu quả cao cần phải có sự kết nối giữa các địa phương, do vậy đề nghị Bộ GTVT quan tâm tăng cường kết nối giữa các địa phương và các công trình.
“Tại sao vận tải đường thủy giá thành thấp nhưng vẫn không phát triển? Nguyên nhân chính là do thời gian luân chuyển hàng hóa, kết nối giữa các bến cảng và các công trình chưa tốt. Do vậy khi mở tuyến vận tải ven biển cần phải rà soát các tuyến đường bộ để làm sao đưa hàng về các cảng, các địa phương các địa phương vào các công trình các khu trung tâm kinh tế phải nhanh thì vận tải ven biển mới phát triển bền vững được”, ông Thành nói.
Ngoài ra, theo ông Thành cũng cần phải phát triển hạ tầng các đầu bến để xuất hàng gom hàng, đồng thời các nhà vận tải, các công ty vận tải phải có dịch vụ tổng hợp để kết nối phát triển hệ thống vận tải đường thủy với đường bộ.
“Chủ hàng chỉ quan tâm anh có đưa hàng được đến tận nơi cho họ nên các DN, các đơn vị vận tải phải đáp ứng được yêu cầu của khách hàng..”, ông Thành nói.
Vũ Điệp