Vàng trên thị trường tự do giá cao ngất, dễ bán, khó mua
Giá vàng miếng SJC trên thị trường tự do đang ở mức cao, dễ bán mà khó mua. Khảo sát của PV VTC News vào chiều 28/6, tại phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hoạt động mua - bán vàng miếng vẫn âm thầm diễn ra.
Ông chủ một tiệm vàng trên phố Hà Trung đồng ý mua vàng miếng SJC với giá 79,5 triệu đồng/lượng. Trong khi giá mua vàng miếng SJC đang được các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá mua vàng ở thị trường tự do đang cao hơn thị trường chính thống tới 4,52 triệu đồng/lượng.
Nếu tìm hỏi mua 1 hoặc 2 lượng vàng miếng SJC trên thị trường tự do, khách hàng đều nhận được câu trả lời là “không có vàng để bán". Nếu phát hiện khách có nhu cầu mua nhiều (trên 10 lượng), không ít chủ cửa hàng vẫn nhẹ nhàng chèo kéo một cách kín đáo, đồng thời tiết lộ muốn mua bao nhiêu cũng có.
Giá bán vàng miếng SJC được người này báo là 80,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, cùng thời điểm, giá bán trên thị trường là 76,98 triệu đồng/lượng, thấp hơn 3,5 triệu đồng/lượng.
Một số chủ tiệm vàng xác nhận, nguồn gốc của vàng miếng SJC giao dịch trên thị trường tự do là được nhiều người sau khi đã xếp hàng mua vàng miếng ở ngân hàng thành công thì đem ra các cửa hàng này bán lại để hưởng chênh lệch về giá. Tuy nhiên, nguồn cung không nhiều.
Camera quay trộm, điều khiển từ xa giá rẻ giật mình
Dư luận xôn xao với việc người mẫu Châu Bùi bị quay lén trong một studio có tiếng bằng một chiếc camera ngụy trang kiểu đồng hồ. Sửng sốt hơn, các thiết bị dạng này đang được rao bán công khai.
Khảo sát của PV ngày 25/6, các cửa hàng bán thiết bị camera quay lén chào bán rất nhiều mẫu mã, như camera ngụy trang ổ cắm điện, máy tính cầm tay, cúc áo, đồng hồ, mắt kính, bật lửa,... Giá các loại camera quay lén dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng.
Việc mua những thiết bị camera quay lén rất đơn giản, dễ dàng. Trong khi đó, không phải ai cũng có thể được phép kinh doanh những mặt hàng này. (Xem chi tiết)
Củ kiệu ở miền Tây trúng giá
Củ kiệu là loại nông sản trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây như Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng… mỗi năm có hai vụ chính thu hoạch khoảng từ tháng 7-8 và tháng 1-2.
Nông dân trồng kiệu xã Phú Hiệp cho biết trên báo Tuổi Trẻ rằng đang thu hoạch củ kiệu đầu vụ nên được giá cao. Thương lái đến tận ruộng thu mua kiệu tươi từ 12.000-15.000 đồng/kg, kiệu giống phơi 3 nắng giá từ 30.000-35.000 đồng/kg.
So với cùng kỳ, giá kiệu tươi tăng 3.000 đồng/kg và kiệu khô tăng 5.000 đồng/kg, nông dân đạt lợi nhuận trung bình 15 triệu đồng/công (1.000m2).
Giá vải thiều Bắc Giang cao nhất lịch sử
Báo Điện tử Chính phủ dẫn thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, mùa vải năm 2024, do thời tiết bất lợi nên sản lượng vải thiều của Bắc Giang đạt khoảng gần 100 nghìn tấn, bằng 50% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, giá vải thiều ngay từ những ngày đầu vụ tăng cao, gấp đôi thậm chí gấp 3 lần so với năm 2023. Giá vải thiều dao động từ 55-85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Vải thiều của tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Do giá vải tăng nên sản lượng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu đến các thị trường năm nay giảm mạnh.
Giá bơ 034 có trở lại thời hoàng kim nếu được xuất khẩu sang Trung Quốc?
Theo Báo Người Lao Động, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chiều 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Trung Quốc sớm ký nghị định thư, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường đối với sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các nông sản, thủy sản khác như: hoa quả có múi, bơ, na, roi, chanh leo, gia súc, gia cầm.
Trước thông tin này, nông dân nhiều vùng trồng bơ hi vọng giá bơ sẽ tăng trở lại sau 3 năm liền ở mức rất thấp.
Ông Lê Huy Quang (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết giá bơ tại địa phương hiện phổ biến ở mức 7.000-8.000 đồng/kg, một vài vườn có mối tốt giá cũng chỉ 10.000 đồng/kg. Kỳ vọng của người nông dân là giá phải hơn 20.000 đồng/kg mới yên tâm với cây bơ.
Năm 2009, khi bơ 034 lần đầu tiên đoạt giải bơ ngon tại một cuộc thi ở địa phương thì giá lên cơn sốt, có lúc đến 100.000-120.000 đồng/kg, sau đó giảm dần. Cách đây 4 năm, bơ này vẫn còn ở mức 30.000-40.000 đồng/kg và liên tục giảm 3 mùa gần đây.
Lo cá, thịt, rau... tăng giá trước khi lương tăng
Từ ngày 1/7, lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bắt đầu tăng, nhiều ý kiến lo ngại giá hàng hóa thiết yếu sẽ tăng theo. Theo ghi nhận của PV Báo Pháp Luật TP.HCM, trên thị trường, giá thực phẩm một số mặt hàng đã tăng. Đồ gia vị, bánh, mứt, kẹo, cà phê, ca cao... tăng do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng.
Do giá tăng quá cao, tiểu thương bán khó khăn, thị trường không tiêu thụ được. Điều này khiến người bán chới với, phải bán giá vốn thậm chí lỗ vốn.
Đánh giá về tình hình giá cả trong tháng 5 vừa qua, Sở Tài chính TP.HCM phân tích, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng giá 0,76% tập trung chủ yếu nhóm thịt chế biến.
Nhóm thực phẩm tăng giá so với tháng trước, chủ yếu ở một số mặt hàng như thịt chế biến, trứng các loại, thủy sản chế biến, thịt heo tăng do nhu cầu tiêu dùng và chi phí tăng.