Nhiều du khách du lịch thành phố Đà Lạt Tết Nguyên đán 2016 đều cảm thấy kỳ nghỉ lễ vừa qua là trải nghiệm kinh khủng nhất. Đối với họ, đây là chuyến du xuân hành xác chưa từng có.
Phòng trọ giá 1,6 triệu đồng vẫn giành giật nhau
Gia đình anh Lâm cảm thấy kinh hoàng vì chuyến du lịch Tết vất vưởng, đói khát.
Nhà anh Lâm cùng vợ chồng người bạn rủ nhau lên Đà Lạt từ mùng 3 Tết. Vợ chồng bạn đã thuê được khách sạn từ nhiều tháng trước đó, riêng nhà anh Lâm mãi ngày cuối mới nổi hứng nên định bụng lên tới nơi mới tìm phòng.
|
Để có bữa cơm trưa
thế này du khách phải ngồi chờ tới 3 h chiều |
Khởi hành từ TP.HCM lúc 4 h sáng, 11 h trưa tới Đà Lạt. Gia đình bạn đã yên ổn nơi chốn, nghỉ ngơi tắm rửa, nhưng vợ chồng con cái anh Lâm vẫn lái xe khắp thành phố tìm phòng.
Đuối sức sau 7 tiếng lái xe đường dài, anh Lâm chấp nhận gọi điện cho cò, hy vọng tìm được chốn ngả lưng cho vợ con.
“Người môi giới khách sạn bảo chỉ còn 1 phòng duy nhất, nhưng dạng nhà nghỉ, giá 1,6 triệu đồng/ngày, không kèm trẻ con. Nghĩa là nhà tôi có 2 em bé thì phải đóng phụ thu mỗi bé thêm 300 ngàn đồng. Chúng tôi sẽ phải trả giá 2,2 triệu đồng/ ngày cho căn phòng đó (không có ăn sáng)”, anh Lâm kể.
|
Đà Lạt quá tải, một
số du khách vất vưởng, đói khát. |
Xót ruột vì phải trả khoản tiền vô lý, vợ chồng ăn Lâm cân lên đặt xuống, đắn đo mãi. Khi đồng ý chốt, gọi lại cho cò thì hỡi ôi, phòng đã có người thuê mất rồi.
Quá mệt mỏi, anh Lâm đành đánh xe quay ngược lại Đức Trọng (cách Đà Lạt 30 km) thuê nhà nghỉ, ngủ tạm một đêm rồi sáng về Sài Gòn sớm.
Không chỉ vợ chồng anh Lâm, nhóm bạn trẻ Quỳnh – Thắng, ngụ tại quận 8, TP.HCM lên Đà Lạt du xuân đã phải đánh xe hơi ra Hồ Xuân Hương ngủ tạm.
Anh Thắng kể: “Chúng tôi không thuê nổi khách sạn, đã lỡ chạy cả mấy trăm km lên đây, không lẽ về luôn. Thôi đành cố gắng, ngủ trong xe hơi vậy”.
Vợ chồng chị Kim, ngụ tại quận 2, TP.HCM thuê được phòng ở Đà Lạt với giá 2,3 triệu đồng/ngày lại cảm thấy quá đỗi may mắn. Quá trình tìm kiếm khách sạn nửa ngày trời vất vưởng, khi chộp được chốn ngả lưng làm họ quên mất giá cả, mắc cỡ nào cũng chịu.
Chơi Tết bị… “chết” đói
Du khách tới thành phố tình yêu lần này đâu chỉ khốn khổ vì phải ngủ bờ ngủ bụi, mà còn…đói khát.
Vợ chồng anh Chiến, ngụ tại quận 6, TP.HCM cũng vì thế mà năm mới đã cãi nhau.
“Tôi và bà xã tìm mãi mới được quán cơm còn chỗ ngồi. Lúc đó đã 1 h trưa. Ngồi chờ tới 2 h chưa thấy cơm đâu. Bà xã tôi bực quá gọi phục vụ ra hỏi liền bị mắng. Nhân viên phục vụ bảo bây giờ chỉ kêu trứng rán thì được ăn ngay, nếu không cứ đợi đấy, Tết nhất có chỗ ăn là may rồi”, anh Chiến thở dài thườn thượt.
|
Tuyền đường TP.HCM – Đà Lạt ùn tắc ngay cả trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây. |
Tức điên nhưng vợ chồng anh Chiến đành bấm bụng với món trứng rán. Bởi nếu giờ bỏ đi thì chỉ còn nước chết đói. Hai đứa con đói lả, mặt mày tái mét.
Các hàng quán ở Đà Lạt biết được điểm khó của du khách, được dịp bắt chẹt. Nhiều thực khách đi ăn phở buổi sáng gần khu vực hồ Hoàng Văn Thụ phải ôm cục tức, ngậm bồ hòn làm ngọt.
Vợ chồng anh Minh, ngụ tại quận 7, TP.HCM là một trong số đó. Tại quán phở này, anh Minh kể khách hàng không có quyền lựa chọn. Quán chỉ bán một loại duy nhất là phở tái, không trà đá, không bán thêm, mỗi người chỉ được một tô.
Không chỉ đói khát khi du xuân tại Đà Lạt, nhiều du khách phải chịu cảnh để bụng trống khi quay lại Sài Gòn.
Gia đình anh Hòa, ngụ tại quận 7, TP.HCM, rời Đà Lạt sáng mùng 7 Tết. Suốt từ Đức Trọng về tới Đồng Nai, vợ chồng anh chị không tìm nổi một quán cơm nào.
Anh Hòa kể, tất cả hàng quán đều đông nghẹt, quá tải. Chặng đầu tiên gia đình anh Hòa định nghỉ chân ở Tâm Châu (Bảo Lộc) nhưng chỗ đậu xe còn không có.
Ngán ngẩm, anh động viên vợ con cố nhịn, chờ tới Madagui sẽ ăn trưa. Tới Madagui, ngồi vào bàn rồi, nhưng lượng khách quá đông, ngồi mãi chẳng có ai cho đặt món. Vợ chồng con cái nhà anh Hòa lại lếch thếch leo lên xe với cái bụng trống rỗng.
Mãi tới gần 4 h chiều, thấy tiệm cơm có vẻ bớt đông, anh Hòa vội vàng tắp vào ngay. Món ăn trám bụng của gia đình anh lúc đó là… trứng rán và canh rau cải.
Cứ tưởng Tết được du xuân, nghỉ ngơi cùng gia đình, vậy mà kỳ nghỉ tại thành phố mộng mơ lại trở thành…ác mộng.
Trao đổi với phóng viên báo VietNamNet qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Tỉnh Lâm Đồng cho biết, tới nay chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của du khách vào đường dây nóng vì bị "chặt chém", quá tải tại Đà Lạt dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Ngoài ra, theo bà Nguyên, cần phải xem xét, xác minh lại độ chính xác của các phản ánh từ du khách. Sở đang triển khai nắm bắt lại tình hình để đưa ra các phương án xử lý tốt nhất.
Bảo Ngọc