Mới đây, đường dây nóng của VietNamNet nhận được cuộc gọi từ chị L.T.H. (Đồng Nai). Giọng nói ngập ngừng, có phần e dè, chị H. kể về sự bất lực của mình thời điểm hiện tại.
Năm nay, chị H. 33 tuổi, gia đình chị không dư dả nhưng vợ chồng hòa thuận, yên ấm. Vợ chồng chị đã có 2 con. Bé lớn năm nay 6 tuổi, bé nhỏ mới lên 2. Hiện tại, chị đang mang bầu bé thứ 3, dự kiến tháng 7 tới sẽ sinh.
Những năm trước, vừa đi làm nuôi con nhỏ, hai vợ chồng chị H. chịu khó chi tiêu chắt bóp cất một căn nhà nhỏ để con cái có chỗ chui ra chui vào. Dù vậy, hai vợ chồng cũng phải mượn khắp anh em, họ hàng mới đủ tiền xây nhà. Nghĩ rằng cứ khỏe mạnh, đi làm ổn định như trước thì chẳng mấy chốc sẽ trả hết số nợ.
Không may, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, dịch Covid-19 khiến chồng chị H. mất việc, bản thân chị cũng bị giảm thời gian làm, thu nhập giảm sút, tiền dành dụm cạn dần. Đỉnh điểm của dịch covid cũng là lúc chỉ không còn tiền mua nổi hộp sữa cho con. Đúng lúc này chị biết đến vay tiền qua ứng dụng trên điện thoại (app).
Hơn 50 app vay tiền online được chị H. cài về điện thoại (Ảnh chụp màn hình điện thoại của chị H.). |
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ là thử đăng ký xem có được không, nhưng không ngờ vay tiền lại dễ dàng như vậy. Từ ban đầu, tôi chỉ vay 2 app, về sau, tôi cứ vay app mới trả cho app cũ, trả được rồi họ lại cho tôi vay tiếp. Vậy là đến nay, chỉ sau hơn 1 tháng, tôi mang nợ của hơn 50 app. Số tiền mắc nợ đến hiện tại khoảng 100 triệu đồng. Chưa kể tiền đã vay để trả cho các app trước đó”, chị H. cho biết.
Ban đầu số tiền chị H. vay qua app chỉ ở 1,5 – 2 triệu đồng. Tuy nhiên, do phí dịch vụ quá cao, nếu vay 1,5 triệu, có khi chị chỉ nhận được tiền mặt là 800 – 900 nghìn đồng. Và chỉ sau 7 ngày, chị vẫn phải trả đủ 1,5 triệu đồng. Vì vậy, số tiền app sau luôn cao hơn các app trước.
Mặc dù chị H. vay số tiền 2 triệu đồng, nhưng thực tế chị chỉ được nhận 1,2 triệu đồng (Ảnh chụp màn hình điện thoại). |
Trước đó, chị H cứ vay app chồng app, thậm chí phải vay thêm tiền lãi ngoài để trả nợ. Nhưng số app vay qua nhiều, đến nay, khi không còn cách xoay sở, chị mới bắt đầu cảm nhận được sự sợ hãi vì bị đe dọa, khủng bố suốt ngày đêm.
Chị H. tâm sự: “Trước đây tôi tốt nghiệp Trung cấp ngành Kế toán. Nhưng tôi vẫn biết là tôi ngu ngốc, nông cạn, mới dính phải chuyện này. Cũng bởi do dịch bệnh, cuộc sống của gia đình lâm vào bế tắc quá”.
Lúc vay tiền, chị H. không nói với gia đình, vì cho rằng số tiền ấy khá nhỏ, một mình chị có thể xoay sở được. Tuy nhiên, chị không ngờ rằng, số nợ hiện tại đã lên tới tiền trăm triệu. Chị không biết làm sao kiếm ra tiền để trả. Lại cũng không dám nói chuyện với chồng.
“Tôi đã trễ hẹn 3 hôm rồi. Các app nhắn tin, gọi điện cho tôi bất kể ngày đêm, đe dọa sẽ gọi cho tất cả danh bạ, và đăng hình của tôi lên mạng. Tôi cảm thấy vô cùng khổ sở, luôn phải sống trong sợ hãi”.
Bạn đầu chỉ là những tin nhắn dọa nạt. Về sau, kẻ đòi nợ còn gắn thêm những hình ảnh đồi trụy để đe dọa, khủng bố tinh thần chị H. (ảnh chụp màn hình điện thoại). |
Khi được khuyên nhủ nên nói chuyện thẳng thắn với chồng, chị H. ngậm ngùi. Chị không thể hình dung chồng mình sẽ xử sự như thế nào đối với sai lầm lớn lần này?
Hiện tại bà mẹ 3 con vẫn đang loay hoay tìm cách xoay sở, giải quyết sai lầm của mình. Tuy nhiên, trong lúc nguy khốn, chị H. đã liên hệ tới đường dây nóng của VietNamNet để trải lòng, đồng thời, chị cũng muốn cảnh báo những người nhẹ dạ, cả tin, không nên để rơi vào hoàn cảnh giống chị.
Khánh Hòa
Trích khấu hao tài sản cố định cho doanh nghiệp
Công ty tôi là công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, được nhà nước giao rừng và đã định giá rừng giao vốn cho đơn vị.