- Nằm gọn trên bãi ngang ven biển, xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có số dân tới hơn 11.000 người, sống chen chúc trên diện tích 1,27 km2. Đất dành cho người sống đã khó, người chết cũng không có nơi chôn.

Sống chật như nêm

Thạch Kim vốn “nổi tiếng” trong tỉnh về nhiều cái nhất: diện tích nhỏ nhất, mật độ dân số đông nhất, không có quỹ đất nông nghiệp... và đương nhiên sự nổi tiếng này chả ai mong muốn.

Đặt chân tới nơi đây chúng tôi quá choáng ngợp bởi là vùng nông thôn nhưng nhà to, nhà nhỏ nằm san sát nhau không còn chổ “để thở”. Trên các tuyến đường, xe buýt, xe máy, xe đạp, người đi bộ, tấp nập không khác gì ở một thành phố lớn đông đúc.

{keywords}

Tình trạng ùn ứ phương tiện, tắc đường luôn xảy ra trên con đường xương sống vào xã.

Mặc dù là làng quê ven biển nhưng số lượng cây xanh dường như có thể đếm trên đầu ngón tay. Những con đường bê tông chạy quanh xã, thôn nhỏ hẹp, chỉ rộng từ 1,2-2m, lúc nào cũng chật người qua lại.

Ông Từ Đức Bé, Phó chủ tịch UBND chia sẻ, Thạch Kim là xã vùng biển cạnh Cửa Sót, nơi giao thương buôn bán sầm uất.

Trừ diện tích đất công cộng như nhà công vụ, bệnh xá, trường học, nhà văn hóa thôn và hệ thống đường sá, kè biển, bến cá và chợ, thì quỹ đất ở còn lại dành cho 2.000 hộ dân rất ít.

Đáng ngại nhất là xã không còn diện tích phục vụ dân sinh, không có đất cấp nhà ở, kinh doanh, mở rộng hệ thống giao thông… và không còn đất để làm nghĩa trang.

“Ở đây đa phần bà con theo đạo Thiên Chúa nên tỉ lệ sinh con thứ 3 vẫn nhiều, cộng với tâm lý muốn sinh nhiều con trai để bám biển mưu sinh”, ông Bé lý giải.

Trong điều kiện như vậy, rất nhiều gia đình phải sống chung 3-4 thế hệ.

Như gia đình chị Trần Thị Linh, thôn Long Hải, có tới 12 người con, tất cả 16 thành viên sống chung trong căn nhà rộng 150m2. Gia đình phải xây thêm gác xép mới đủ chỗ ngủ. Ở thôn Giang Hà, gia đình bà Trần Thị Thành có 10 người sống cùng trong ngôi nhà rộng 100m2.

Trẻ lo nhà, già lo nghĩa địa

Người dân Thạch Kim bảo họ không khổ về kinh tế mà điều kiện nhà ở, môi trường sinh hoạt vô cùng bức bối khiến họ khổ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đất chật người đông, không còn không gian để “thở”, nay người dân ở đây còn đối mặt với môi trường ô nhiễm. Không có kênh mương để xử lý nước thải, người dân phải chôn hầm vệ sinh ngay trong nhà.

{keywords}

Các hộ dân sống trong môi trường chật chội. Thậm chí không đủ không gian để làm nhà vệ sinh riêng.

Chị Nguyễn Thị Yến một người dân sống ở đây cho biết: “Gia đình thì nhiều người, đất ở thì chật hẹp, có chỗ để ngủ là sướng lằm rồi, mấy ai nghĩ làm nhà vệ sinh, có “nỗi buồn” đều cho ra biển.

Trong tiềm thức của người Thạch Kim đều mong muốn lập nghiệp trên chính đất quê hương mình nhưng dù có nhiều tiền đến mấy cũng không thể mua được vài chục m2 đất ở quê.

Nhiều gia đình đành phải cho con cái an cư nơi khác, nhưng không phải lúc nào chuyện nhập hộ khẩu cũng dễ dàng. Một số khác đành đi làm ăn xa, lấy vợ hoặc lấy chồng sống ở vùng miền khác.

Đất ở chật đã vậy, đất chôn cất người chết cũng là vấn đề nan giải. Cả xã có một nghĩa trang đang trong tình trạng quá tải, chưa kể hàng năm còn có những người con của quê hương mất nơi khác đưa về đây an táng.

Hiện nghĩa trang của xã đã đóng cửa, nghĩa trang mới được quy hoạch trên phần đất xã Thịnh Lộc (Lộc Hà), vừa không thuận tiện đi lại mà để có chỗ yên nghỉ cho người đã khuất cũng phải bỏ số tiền không nhỏ.

{keywords}

Đường quê luôn chật chội, đông đúc.

“Ở đây ngày bình thường vào giờ cao điểm đã tắc đường vài tiếng, đừng nói chi ngày lễ, hội”, ông Bé cho biết.

Chính vì thế, nhiều gia đình có điều kiện muốn mua ô tô để đi cũng phải gác lại.

Cũng vì đất đai eo hẹp nên chuyện tình cảm bà con lối xóm ít nhiều sứt mẻ. “Việc tranh giành phần đất trống để phơi hải sản, quần áo, đến việc đi lại khiến người dân rất bức bách”, chị Yến buồn bã nói.

Nỗi lo của người lớn là không có đất ở, nỗi buồn của trẻ là không có chỗ chơi. Toàn xã có 6 thôn mà không có nổi một sân cỏ bóng. Trẻ em ở đây những ngày hè, ngày nghỉ học đành ra bờ biển chơi với những mối nguy hiểm luôn rình rập.

Đậu Tình