- Người dân Thanh Xuân (Thanh Chương, Nghệ An) từ già đến trẻ đều thổn thức, nghẹn ngào. Các cụ già thi thoảng vẫn lần giở những tấm hình đã cũ, nhớ lại khoảnh khắc được gặp gỡ, trò chuyện với Đại tướng.

Con rể vĩ đại của làng

Về Thanh Xuân (Thanh Chương, Nghệ An) trong những ngày này, đầu làng cuối ngõ đều nghe nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tin Đại tướng ra đi khiến ai nấy đều thoảng thốt, tiếc thương không nói nên lời.

{keywords}
Người dân, học sinh quê vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp thắp hương kính nhớ người con rể của cả làng.

Hai ngày nay, khu nhà thờ và lưu niệm của dòng họ Đặng ở xóm Xuân Liên không ngớt người vào ra. Bà con lối xóm và cả những người ở xa chẳng ai bảo ai, họ lũ lượt đổ về đây thắp hương trong tâm trạng buồn bã, nghẹn ngào.

Dẫn chúng tôi đến trước khu lưu niệm họ tộc, ông Đặng Bá Hương (71 tuổi) nói nghẹn từng chữ: “Thưa tổ tiên, hôm nay con dẫn các đoàn thể đến đây để thắp hương cho anh Văn, người con rể vĩ đại của họ tộc chúng ta.

Anh vừa ra đi trong sự tiếc nhớ vô hạn của anh em, của cả ngôi làng này”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn với bà Đặng Bích Hà năm 1946. Bà Bích Hà là con gái của cố giáo sư Đặng Thai Mai, là con cháu của một dòng họ nổi tiếng ở vùng đất học Thanh Chương.

{keywords}
Ông Đặng Bá Hương, người trông coi nhà lưu niệm và khu nhà thờ họ Đặng nhòe nước mắt nghẹn ngào khi nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, con rể vĩ đại của dòng họ.

Từ khi Đại tướng làm rể nhà họ Đặng, người dân Thanh Xuân đều tự hào và trìu mến coi như là con rể của cả làng.

Đại tướng từng về thăm quê vợ, đã từng đến thắp hương và trò chuyện với xóm làng ở khu lưu niệm và nhà thờ họ Đặng. Nghe tin Đại tướng mất, dân làng lại đổ về đây kính cẩn thắp hương, tưởng vọng.

Tôi già yếu rồi không đi được, đành nhờ con cháu dìu đến đây thắp một nén hương thôi. Đại tướng là con rể của cả làng này!” – bà Đặng Thị Tư (91 tuổi) xúc động nói.

Đại tướng dặn dò trồng mít, nuôi dê

Các cụ già ở Thanh Xuân hôm nay vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không ai quên được lúc Đại tướng về thăm quê vợ, cùng trò chuyện thân mật với bà con chân tay lấm bùn.

Đó là vào năm 1986. Lúc đó xã Thanh Xuân vừa trải qua trận lụt lớn, xe của Đại tướng vào làng rất khó khăn.

{keywords}
Ông Nguyễn Cảnh Cân, một trong những người vinh dự từng được gặp và trò chuyện với Đại tướng. Ông Cân đang lần giở những bức ảnh cũ để hồi tưởng về Đại tướng.

Hàng nghìn người dân chúng tôi đứng kín từ đường cái đến tận trong ngõ làng để chờ đón Đại tướng, những con đường lúc đó đều ngập đầy bùn đất sau lũ”  - ông Nguyễn Cảnh Cân (78 tuổi, xã Thanh Xuân) nhớ lại.

Nhấp ngụm chè xanh chát đắng, ông Cân cho biết thêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc về làng đã vào thắp hương ở nhà lưu niệm họ Đặng. Sau đó, Đại tướng trò chuyện thân mật với bà con nông dân.

Lúc đó nuôi dê nuôi hươu còn được giá, Đại tướng bảo Thanh Xuân ở mép núi, bà con có thể tận dụng để nuôi dê.

{keywords}
Các em nhỏ ở Thanh Xuân thắp hương kính nhớ Đại tướng.

Đại tướng lưu ý muốn nuôi dê thì nên trồng nhiều mít. Mít là cây đa dụng, quả ăn thơm ngon lại có thể muối làm nhút, gỗ mít lâu năm có thể làm nhà, làm trường học. Quan trọng là lá mít có thể làm thức ăn để nuôi dê cho bà con” - ông Cân bồi hồi nhớ lại.

Là người đã từng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông về thăm làng, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư xã Thanh Xuân cũng không dấu được xúc động.

"Năm Đại tướng về thăm cũng là lúc tôi vừa đi bộ đội về. Thấm thoát mà đã gần 30 năm rồi. Đến lúc này, hình dáng và lời nói của Đại tướng vẫn in sâu trong tâm trí tôi.

Tôi chỉ ước một ngày được ra tận Hà Nội để thăm, gặp gỡ Đại tướng một lần nữa. Nhưng giờ thì đã không kịp nữa rồi!" - ông Thắng nghẹn ngào.

Cao Thái