- "Dân ở đây cứ bảo nhau,  trước kia hình như ai cũng khỏe mạnh, còn mấy năm nay ai cũng thấy mình cứ yếu đi, không khí ô nhiễm, nước có màu và  mùi lạ, bệnh ngoài da, hô hấp nhiều. Ngày càng có thêm nhiều người chết trẻ vì ung thư", chị Lê Thị Nhàn (đội 6, xã Cát Quế, Hoài Đức - Hà  Nội) hồn nhiên kể với một thành viên trong đoàn giám sát tối cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong chuyến khảo sát sáng 3/3.

"Chúng em cứ xả xuống cống thôi"

Nhà chị Nhàn làm nghề chế biến bột sắn, thâm niên ngót nghét trên chục năm,  trung bình mỗi ngày chế biến khoảng 5 tấn sắn.

Do các điểm tập kết rác thải quá xa khu dân cư nên mọi loại rác, bã đều được người dân Dương Liễu xả thẳng xuống cống, rãnh. Ảnh: Lê Nhung
"Mỗi tạ sắn được 45kg bột, còn lại bã. Bã sắn dùng làm thức ăn cho gia súc. Còn bao nhiêu nước, rác thải chúng em cứ xả hết xuống cống, trôi ra các ao, hồ, rồi đi đâu không biết... Dân cũng ca thán, người bị ung thư ngày càng nhiều, ai cũng muốn đổi nghề nhưng chúng em cũng không biết làm nghề gì", chị Nhàn nói.

Gia đình chị Hà (xóm Chùa Đồng) ngay bên cạnh cũng sống bằng nghề chế biến bột sắn, bột dong.

Bã sắn còn dùng lại được, còn lại vỏ, các mẩu đầu thừa đuôi thẹo và bã bột dong thì "vô tư" xả thẳng xuống cống rãnh, như các gia đình khác. "Mùa hè thì không khí cũng bốc mùi khó chịu lắm nhưng cứ làm một vụ, đủ ăn cả năm", chị Hà vừa nói vừa xăng xái giới thiệu các bể đang ngâm bột.

Con đường liên thôn ở Dương Liễu, Cát Quế những ngày mưa dầm càng trở nên lầy lội bởi rác thải từ vỏ sắn, bã dong. Nguồn chất thải lâu ngày kết thành khối đặc sền sệt, ứ đọng trong cống rãnh. Hàng dài bao tải bã sắn chờ thu gom nằm la liệt dọc đường đi. Mùi chua của bã các loại bột lẫn vị lưu cữu từ các cống rãnh khiến không khí nơi đây đặc quánh.

Theo thống kê, đến nay toàn xã Dương Liễu có 30 công ty sản xuất, chế biến nông sản và 200 hộ gia đình sản xuất quy mô vừa, với đủ ngành nghề như mỳ miến, bánh kẹo, chế biến sắn, dong, tinh bột...

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Danh Bảo phàn nàn, lúc cao điểm, mỗi ngày có tới 530 tấn rác, bã thải, chủ yếu từ sản xuất rong, sắn thô. Bã và nước thải của tinh bột dong cũng như của hầu hết các sản phẩm khác như miến dong, bún phở, bánh kẹo đều được xả thẳng xuống cống, rãnh, gây ách tắc và gây nên tình trạng ô nhiễm kéo dài.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho hay, toàn bộ lượng nước thải từ các cụm công nghiệp và làng nghề (chủ yếu là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, La Phù)... đều chưa qua xử lý và được xả thẳng xuống các kênh tiêu chảy vào sông Nhuệ, sông Đáy. Chất thải của các làng nghề nông sản có nồng độ chất ô nhiễm hữu cơ cao hơn tiêu chuẩn nước thải công nghiệp gấp trăm lần.

Khảo sát năm 2004 cho thấy Hoài Đức có nồng độ asen trong nước ngầm rất cao.

"Tập kết" ra bờ sông

Không riêng Hoài Đức, mà ở tỉnh Bắc Ninh, nơi tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa đang lên hàng ngày, người dân cũng đang đối diện hàng ngày với ô nhiễm môi trường đe dọa nghiêm trọng sức khỏe.

Sông Ngũ Huyện Khê trên địa phận xã Phong Khê là điểm tập kết rác thải tự phát của dân. Ảnh: Lê Nhung
Ai đến làng nghề giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) lần đầu đều tức ngực, khó thở, ngột ngạt và ù tai vì tình trạng khói bụi do đốt than và củi suốt ngày đêm ở các công xưởng giấy.

Dọc bờ đê sông Ngũ Huyện Khê đoạn chảy qua Phong Khê nghi ngút khói từ các đám rác thải cháy âm ỉ, đây vẫn là nơi tập kết rác lý tưởng. 

Con sông đang từng giờ bị "bức tử" bởi rác thải độc hại của năm làng nghề ven sông (sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, tái chế sắt Đa Hội, sản xuất thép Châu Khê, tái chế giấy Phú Lâm và tái chế giấy Phong Khê). Nước sông đen đặc và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Những đường ống từ các cống rãnh của các cơ sở sản xuất giấy xuyên qua bờ con đê xối thẳng nước thải chưa qua xử lí xuống dòng sông, mang theo các loại hóa chất độc hại như phèn, sút, chất tẩy trắng, nhựa thông, phẩm mầu... Chưa kể nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn.

Cả làng luôn thường trực một mùi khói khét lẹt và mùi hóa chất nồng lên từ các cống nước thải. Tất cả các dây chuyền đều là tái sản xuất giấy phế liệu. Dọc khắp đầu làng cuối xóm đều ngổn ngang giấy bẩn, củi, than từ khắp nơi tập kết về.

Nước thải đục ngầu tại  một cơ sở làm giấy ở Phong Khê. Ảnh: Lê Nhung
Phong Khê có gần 200 cơ sở sản xuất giấy, mỗi năm cung cấp cho thị trường 210 nghìn tấn. Mỗi ngày nơi đây thải ra khoảng 5.000m3 nước thải chứa lượng độc tố cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn.

Phân tích các mẫu nước thải, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho hay, nguồn nước thải bị ô nhiễm chảy qua khu dân cư đã ảnh hưởng sức khỏe người dân, gây bức xúc trong cộng đồng và ảnh hưởng đến nguồn nước mặt của sông Ngũ Huyện.  Đây là một trong năm cơ sở của Bắc Ninh thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần giải quyết theo quyết định 64 của Thủ tướng.

Sau đợt kiểm tra mới nhất (cách đây một năm), Tổng cục Môi trường đã có văn bản kết luận đề nghị Bắc Ninh xem xét xử lý theo đúng pháp luật. Chẳng hạn, tích cực triển khai quy hoạch các cụm làng nghề, thu gom, xử lý nguồn chất thải và xử phạt vi phạm hành chính một doanh nghiệp trên địa bàn...

Nhưng trong cuộc làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH chiều 1/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Bùi Vinh Kiên cho hay, tỉnh vẫn đang trăn trở tìm cách giải quyết hợp lý nhất, vì làng nghề đã tồn tại lâu đời, không thể di dời hay đóng cửa một sớm một chiều.

Từ 1/3 - 4/3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Đặng Vũ Minh làm trưởng đoàn đã làm việc tại Bắc Ninh và Hà Nội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các làng nghề". Đây là 2 trong số 16 tỉnh thành mà đoàn giám sát sẽ làm việc trong đợt này. Kết quả giám sát sẽ được báo cáo với QH tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII vào cuối năm nay.


  • Lê Nhung

Nên hay không đóng cửa các làng nghề thủ công, khi mà Phong Khê hàng năm giải quyết công ăn việc làm cho hơn 5000 lao động và tạo công ăn việc làm cho người dân Hoài Đức (Hà Nội) trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa đang thu hẹp dần diện tích đất nông nghiệp. Nếu đóng cửa, sẽ bố trí ngành nghề nào thay thế? Nếu vẫn duy trì các làng nghề thì đầu tư bao nhiêu cho đủ? Tại sao các địa phương vẫn loay hoay với bài toán tìm giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong khi nhiều lãnh đạo đã nhận thức rõ xung đột giữa phát triển kinh tế và hủy hoại môi trường?

Bài 2: Đừng xử lý ô nhiễm môi trường kiểu "bắt cóc bỏ đĩa"