Sau khi bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ đã bí mật dùng
máy bay làm công cụ tiến hành những vụ bắt bớ và thẩm vấn nghi phạm khủng bố
cũng như thiết lập hệ thống nhà tù ma trên toàn cầu.
Hầu hết các chuyến bay được thực hiện một cách bí mật, mọi thông tin về điểm dừng cũng như nơi cất cánh được giữ kín. Mới đây, những bí ẩn về các chuyến bay ma này mới được tiết lộ.
Một mạng lưới ngầm các công ty Mỹ, do một nhà thầu quốc phòng nổi tiếng điều phối, đã đóng vai trò chủ chốt trong việc vận chuyển bí mật các nghi phạm khủng bố và quản tù người Mỹ, theo tài liệu mới tiết lộ trong một tranh chấp thương mại ở New York giữa hai công ty hàng không.
Tập tài liệu của tòa án dày hơn 1.700 trang đã hé mở sự thật rằng chính phủ Mỹ dựa dẫm vào các nhà thầu tư để chuyển người qua lại giữa Washington, thủ đô các nước với căn cứ quân sự Mỹ tại vịnh Guantanamo, Cuba và trong một số thời điểm đã hạ cánh gần những nhà tù từng có thời rất bí mật, do CIA vận hành ở nước ngoài.
Trong số các công ty có DynCorp, một nhà thầu hàng đầu của chính phủ Mỹ, bí mật trông nom một đội máy bay sang trọng. Tranh chấp thương mại xuất phát từ một cuộc chiến không rõ ràng kéo dài 4 năm giữa một công ty đóng tại New York là Richmor Aviation Inc - chịu trách nhiệm cung cấp máy bay và tổ lái cho chính phủ, với một công ty tư nhân môi giới đường không là SportsFlight Air - chuyên trách tổ chức các chuyến bay cho DynCorp. Cả hai phía đều trích dẫn chương trình bắt buộc phải vận chuyển tù nhân của chính phủ trong các chứng cớ, bằng chứng và tranh cãi pháp lý. Các công ty trên tranh chấp về khoản 874.000 USD - để trang trải các chi phí phát sinh từ những chuyến bay bí mật, vốn được trao cho Richmor theo phán quyết của một tòa án ở New York.
Các tài liệu ở tòa án, gồm hợp đồng, hóa đơn chuyến bay, nhật ký điện thoại và thư từ, đã vẽ nên một bức tranh rõ nét về sự cấu kết giữa chính phủ và các nhà thầu tư nhân vốn tham gia đấu thầu một cách háo hức lẫn ngại ngần. Một số công ty khác nhắm mắt coi như không biết gì.
Các bản chứng thực tại phiên tòa đều tránh đề cập tới Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA). Khi các luật sư ép một nhân chứng nói về việc vận chuyển quân khủng bố từ Washington hoặc châu Âu tới vịnh Guantanamo, thẩm phán tòa án tối cao New York Paul Czajka đã ngắt lời: "Nó có liên quan gì tới hợp đồng không. Ý tôi là, mọi thứ đều thú vị và tôi rất muốn nghe về nó, nhưng liệu nó liên quan tới số tiền nợ là bao nhiêu không?". Trong một thời điểm khác, tên một quan chức cấp cao của CIA cũng được đề cập nhưng mối quan hệ tình báo của quan chức này không được tiết lộ.
Theo các hóa đơn trong khoảng thời gian từ 2002 tới 2005, rất nhiều chuyến bay chở quan chức Mỹ đi lại giữa sân bay quốc tế Dulles ở bắc Virginia với trại giam ở vịnh Guantanamo, nơi Mỹ đang giam giữ các kẻ khủng bố. Các chuyến bay khác hạ cánh ở một loạt sân bay quốc tế. Máy bay được phái đi Islamabad; Rome; Djibouti; Frankfurt, Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất; Shannon, Ireland; Glasgow, Scotland; Tenerife, Tây Ban Nha, Sharm el Sheik, và thậm chí cả Tripoli.
Một số chuyến bay đã hạ cánh tại các sân bay gần các điểm đen của CIA như Kabul, Bangkok và Bucharest. Một số chuyến bay khác dừng ở các tiền đồn tại nước ngoài, nơi lực lượng an ninh tiếp nhận tù nhân khủng bố của Mỹ. Các hóa đơn giao dịch cho thấy những người bốc dỡ hành lý tại sân bay, những người cung cấp ô tô và xe tải, các hãng điện thoại vệ tinh, khách sạn và những công ty cung cấp dịch vụ bay và phi hành đoàn kiếm được hàng chục nghìn đôla.
Tài liệu của tòa án không nêu chi tiết ai lên máy bay trừ thông tin về số thành viên tổ bay và hành khách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thông tin về chuyến bay có đề cập tới việc bắt giữ và chuyên chở một số nghi phạm khủng bố nối tiếng, vài tháng sau khi sự kiện 11/9 diễn ra. Đó là Mohammed, nghi phạm chủ mưu vụ 11/9, Ramzi bin Alshib phụ trách hậu cần chính cho Al Qaeda, Abd al-Nashiri - kẻ bị cho là hoạch định vụ đánh bom tàu USS Cole năm 2000 và Hambali, thủ lĩnh khủng bố người Indonesia - liên quan tới vụ đánh bom Bali năm 2002. Tất cả những nhân vật trên hiện bị giam tại nhà tù Guantanamo và đang chờ bị xét xử.
- Hoài Linh (Theo ST, AP)