Điều này là một vấn đề thực sự, bởi tương lai những loại thuốc chữa trị của bác sĩ có thể trở nên vô hại đối với vi khuẩn gây bệnh.

Vấn đề các vi khuẩn gây bệnh "nhờn" thuốc kháng sinh là một nỗi lo lớn đối với việc chữa bệnh của các y bác sĩ hiện nay. Nó làm cho các liệu pháp chữa trị dần mất đi hiệu quả, và bệnh nhân thì gặp phải nhiều nguy hiểm hơn trước đây. Một nghiên cứu mới đây cho thấy có vẻ như vi khuẩn còn có thể... chia sẻ cho nhau khả năng này.

{keywords}

Người ta đã phát hiện loại gen mới cho phép vi khuẩn chống lại kháng sinh polymyxin - phương án cuối cùng để chống lại nhiễm trùng. Nguy hiểm hơn chúng còn có khả năng chia sẻ đặc tính này với các loại vi khuẩn khác. Phát hiện này dấy lên một lời cảnh tỉnh thực sự rằng những loại gen này sẽ len lỏi vào các loại vi khuẩn vốn dĩ đã có khả năng kháng thuốc cao, tạo ra một chủng loại vi khuẩn miễn nhiễm với tất cả các loại thuốc mà y học đang có.

Phát hiện mới chỉ ra rằng loại gen có tên mcr-1 tồn tại trên một mảnh nhỏ của ADN vi khuẩn gọi là plasmid. Loại gen thường thấy trên vi khuẩn này có thể tự nhân đôi bản thân và chia sẻ chúng với bất kỳ vi khuẩn nào ở gần. Mặc dù các nhà khoa học đã từng khám phá ra những loại gen chống lại polymyxin, nhưng tất cả trong số chúng đều gắn chặt với cấu trúc gen của vi khuẩn vì thế không có khả năng chia sẻ ra xung quanh.

Một báo cáo vào hôm nay ở Trung Quốc đã cho thấy mcr-1 có bên trong plasmid của vi khuẩn E.coli của một con lợn tại nước này. Plasmid đã khiến vi khuẩn trở nên "nhờn" với colistin, một loại polymyxin thường được sử dụng ở động vật tại Trung Quốc và ít phổ cập hơn ở Mỹ và châu Âu. Điều đáng nói là khi nghiên cứu sâu hơn, người ta cũng phát hiện ra rằng mcr-1 còn xuất hiện trong plasmid của vi khuẩn E.coli và Klebsiella pneumoniae (phế trực khuẩn) gây bệnh cho người trong các bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông và Chiết Giang.

Các xét nghiệm cho thấy các plasmid chứa mcr-1 có thể di chuyển giữa các vi khuẩn E.coli với nhau để "truyền" khả năng miễn nhiễm kháng sinh. May mắn thay trong thí nghiệm họ đã phải tạo một môi trường đặc biệt với kỹ thuật electroporation (kỹ thuật dùng xung điện) để cho các plasmid có thể dễ dàng di chuyển giữa các vi khuẩn với nhau. Điều đó có nghĩa là ở tự nhiên thì hiện tượng này không hề dễ dàng để diễn ra như vậy.

Tuy nhiên nó chỉ khó diễn ra chứ không phải là không thể diễn ra!

Theo giáo sư bệnh lý Judith Johnson, người đang làm việc tại Đại học Florida thì "Đây thực sự là một bước phát triển quan trọng trong việc nghiên cứu vì có nhiều loại vi khuẩn kháng đa thuốc nhưng chỉ nhạy cảm với một loại kháng sinh này".

Một số chuyên gia khác ví dụ như Guy Loneragan, giáo sư an toàn thực phẩm và sức khỏe công cộng ở Texas cho biết vẫn chưa rõ ràng việc plasmid có khả năng lây lan hay không. Và đây là báo cáo đầu tiên về mcr-1 không có nghĩa là nó mới xuất hiện.

Loneragan nói: "Khả năng kháng lại thuốc kháng sinh là vấn đề toàn cầu và chúng ta cần phát triển cũng như chia sẻ các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh lên con người và động vật".

Theo Trí thức trẻ/ Arstechnica