– Khoảng 13h chiều ngày 8/3, cụ rùa Hồ Gươm đã thoát khỏi vòng lưới bủa vây trong sự ngỡ ngàng của hàng ngàn người chứng kiến. Vì sao cụ rùa trốn thoát?

Cuộc 'vây bắt' cụ rùa bất thành
Vòng vây lưới được thu nhỏ lại, lưới mắt nhỏ được đưa vào nhưng cụ rùa đã thoát ra ngoài và bơi ra giữa hồ rồi lặn xuống.
Mệt nhoài chọn chỗ ngóng cụ rùa
Hàng nghìn người dân hiếu kỳ ở Thủ đô đã tập trung tại Hồ Gươm để chứng kiến giây phút cụ rùa được đưa lên. Mỗi người đều chọn cho mình những góc đứng để có thể quan sát.
Bắt đầu từ 5h30 sáng ngày 8/3, đơn vị làm nhiệm vụ lai dẫn rùa Hồ Gươm đã có mặt tại điểm gần nhà hàng Thủy Tạ để tiến hành các công việc chuẩn bị cho việc lai dẫn rùa.

Khoảng hơn 20 công nhân có mặt từ tờ mờ sáng làm nhiệm vụ thao lưới đã được Sở KH - CN, Chi cục Thủy sản Hà Nội và các đơn vị phối hợp thiết kế. 

Bắt đầu từ 5h30 sáng ngày 8/3, đơn vị làm nhiệm vụ lai dẫn rùa Hồ Gươm đã có mặt tại


Lưới dùng để vây bắt cụ rùa có chiều dài 150 mét, hệ thống phao nổi trên mặt nước, mặt còn lại là hệ thống chì được đính dưới chân lưới giúp lưới chìm sâu xuống hồ.

Lưới sau khi thao đã được chuyển lên hai chiếc thuyền, mỗi thuyền một hướng. Khoảng 7h30 phút, khi có thông tin về việc cụ rùa nổi lên ở khu vực gần chân tháp hướng bên đường Lê Thái Tổ, hai chiếc thuyền này đã xuất phát và nhanh chóng thả lưới tạo thành một vòng khép kín khoảng vài trăm m2. Cụ rùa nằm trong vòng lưới này.

Bắt đầu từ hơn 8h sáng, việc khép lưới được thực hiện. Đến khoảng 11h45 phút, khi những nỗ lực kéo lưới và khép lưới trở nên khó khăn do hệ thống chì gắn dưới chân lưới quá nặng, lại bị chìm xuống dưới bùn của lòng Hồ Gươm. Lúc này, vòng vây được co lại còn hơn 100m2.

Cụ rùa trong lưới

Để nhanh chóng tiếp cận được cụ rùa, hai vòng lưới khác đã được thả xuống cùng với nhiều nhân lực tăng cường. Việc tiếp cận cụ rùa vì thế được áp sát nhanh hơn.

Trong quá trình kéo lưới, nhiều công nhân đã chạm được vào người cụ rùa. Khoảng 13h, xe chuyên dụng đã có mặt với hệ thống thuyền chuyên dụng. Đây là lực lượng sẽ tiến hành phần việc lai dẫn cụ rùa ra khu vực chân tháp để chữa trị, khi đội “đánh bắt” tiếp cận được rùa.

Thế nhưng, cũng gần như cùng lúc khi xe chuyên dụng này có mặt, cụ rùa đã thoát khỏi ba vòng lưới trong sự ngỡ ngàng của những người vây lưới và hàng ngàn người dân chứng kiến.

Trước đó, cụ rùa cũng đã thoát từ vòng lưới thứ 2, và chỉ bị giữ bởi vòng lưới ngoài cùng (lưới được thả từ đầu giờ sáng).

Ngay khi vọt ra khỏi 3 vòng lưới và ra ngoài, cụ rùa lặn luôn và sau đó nhô đầu lên phía Hàng Khay một chút rồi lặn tiếp.

Hai công nhân kéo lưới ở vị trí cụ rùa thoát ra đã rất ngỡ ngàng. Họ kéo cao khoảng lưới ở vị trí của mình và thấy lưới bị rách toác, diện tích chừng vài mét vuông. Như thế, cụ rùa đã lao đà làm rách lưới và dễ dàng thoát ra bên ngoài.

Theo quan sát, vòng lưới ngoài cùng là vòng lưới to nhất, các mắt lưới đan bằng dây to bản và là lưới được sản xuất theo thiết kế của Sở KH - CN, Chi cục Thủy sản Hà Nội… Hai vòng lưới tăng cường được thả vào bên trong vòng lưới một, có màu vàng, mắt lưới thưa hơn và lưới khá cũ.

Điểm rách cụ rùa thoát ra

Những công nhân khi tham gia kéo lưới “vây bắt” rùa khi được hỏi đều từ chối trả lời nguyên nhân việc cụ rùa thoát ra ngoài. Tuy nhiên, với thực tế chiếc lưới vòng ngoài cùng là lưới to, dày nhất bị rách toác một mảnh lớn, có thể cụ rùa đã tự giải thoát mình bằng một cú “chạy đà” cực mạnh.

Một cán bộ công tác tại Đền Ngọc Sơn cho biết, khoảng chục năm trước, cụ rùa cũng từng bị mắc vào một lùm cây. BQL đền Ngọc Sơn đã cư bốn người to, khỏe xuống để “giúp” cụ thoát khỏi những mắc mớ này. Tuy nhiên, khi họ vừa tiếp cận thì cụ rùa đã phóng mạnh khiến đám rễ cây bị bung lên và cả bốn người nói trên bị ngã nhào xuống nước. Điều đó chứng tỏ cụ rùa rất khỏe.

Một người có kinh nghiệm đánh bắt cá nhận xét: một con cá nặng khoảng chục cân có sức bật khiến một người lớn có thể ngã. Nếu so sánh, cụ rùa có thân hình khổng lồ và ước đoán cụ có trọng lượng hàng tạ, thì sức bật của cụ sẽ phải khủng khiếp thế nào!?

Ngay sau khi thất bại trong việc lai dẫn rùa Hồ Gươm ra nơi chữa trị, Ban chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ rùa Hồ Gươm đã có một cuộc họp nội bộ vào ngay trong chiều cùng ngày.

Nhiều người đặt câu hỏi: có tiếp tục lai dẫn rùa Hồ Gươm bằng phương thức cưỡng chế và thời điểm nào sẽ tiến hành, nhất là sau nhiều tiếng đồng hồ bị “làm phiền” trong ba vòng lưới, tâm lý của cụ rùa chắc chắn sẽ ảnh hưởng?

Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở KH - CN, ông Lê Xuân Rao cho biết: UBND TP. Hà Nội sẽ có thông báo cụ thể tới các cơ quan báo chí về phương án tiếp theo trong thời gian sớm nhất. Có thể sẽ tiếp tục sử dụng lưới, hoặc sẽ dùng mồi nhử để rùa Hồ Gươm tự bò lên chân tháp.

Kiên Trung