- Năm 1990, khi GS Đông A đang ở Pháp tham gia một chương trình trao đổi, có tin đồn từ trong nước là ông từ Paris đã “dzọt” sang Mỹ. 

Lời tòa soạn: Có một câu hỏi trong cuộc đời GS.TS, bác sỹ Trần Đông A không ít lần được hỏi:"Tại sao ông không di tản mà quyết định ở lại?" khi sự kiện 30/4/1975 đến. Là một trong những trí thức của Sài Gòn cũ ở lại đất nước sau 1975, những chuyển đổi thời cuộc dẫn ông dấn thân vào sự trải nghiệm một cuộc đời mới, có những thăng trầm, có những khó khăn nhưng cũng đầy vinh quang, kiêu hãnh.

Tiếp xúc với ông có thể cảm nhận một tinh thần sống không ngừng cống hiến và luôn nhìn về phía trước. Có lẽ bởi vậy những thành tựu trong sự nghiệp của ông, nhất là y khoa nhi đều trở thành hiện tượng y học của VN, khiến đồng nghiệp quốc tế kính nể. Như ca mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức, cho đến những ca ghép gan, ghép thận trẻ em...

Sao ông không di tản?

Lật giở lá thư của vợ chồng Thục, một đồng nghiệp cũ định cư tại Mỹ gửi từ năm 1991, GS Đông A nhẩm đọc lại.

Thư viết: "Kính thăm anh Đông A. Em đang ngồi ở quán Hạ Long thì nghe có người về bên nhà nên viết vài lời thăm anh, gửi anh chút quà, tặng 100 đô la. Nghe trước anh có ở Pháp nhưng gửi không đến anh. Đã 20 năm từ ngày được biết anh tại Khe Sanh. Thục còn nhớ rõ là hôm xin anh khám bị cục thịt dư ở cổ bị làm độc, anh bảo em bệnh như thế này mà còn bay à? Em bảo đâu có ai để thay thế?

Đến tháng 4/1975 sang gặp anh, xin cho vợ em được sanh ở bệnh viện của anh và hỏi ý anh về sự ra đi, anh đã quyết định ở lại. Trong suốt 16 năm xa anh, em vẫn thán phục sự quyết định của anh vì dân tộc mình cần có nhiều người tài như anh. Có nhiều bạn anh đã trách anh nhưng em đã nói với họ là đừng phê phán ai cả, hãy đợi thời gian xem ai đúng ai sai". 

Câu hỏi "tại sao không di tản mà quyết định ở lại" với GS Đông A mấy chục năm về trước dường như trở thành sự tò mò, băn khoăn với nhiều người. Thời điểm trước khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận VN, ông có cơ hội đến dự một hội nghị về y học ở Mỹ. Khi đó một tờ báo hải ngoại trong cuộc gặp ông lần đầu tiên đã không thể không đặt câu hỏi này. Câu trả lời của ông được trích dẫn đó là "không muốn bỏ đám nhi đồng bị bệnh ra đi".

{keywords}
GS Trần Đông A giở lại lá thư của Thục...

Những năm cuối thập niên 1980, Tiana Alexandra (Thi Thanh Nga), nữ đạo diễn Mỹ gốc Việt có bộ phim tài liệu đầu tay "From Hollywood to Hanoi” khi trở về TP.HCM đã tìm gặp ông như một nhân vật trong hành trình phim. Bà cũng chất vấn Đông A "tại sao ông không đi khi được bảo lãnh qua Mỹ?". Câu trả lời của Đông A cũng ngắn gọn "tại trẻ em VN cần tôi".

Thực tế cơ hội di tản, thoát khỏi cuộc chiến đến hồi thoái trào, thất bại đã đến với Đông A và gia đình từ trước sự kiện 30/4/1975. Năm 1972-1973 là khoảng thời gian Đông A được gửi đi tu nghiệp phẫu thuật tại ĐH ở bang Texas, Mỹ. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, nước Mỹ dành cho ông cơ hội định cư, ở lại. Vợ ông cùng con trai nhỏ ở Sài Gòn cũng có gia đình ba mẹ, anh trai xuất cảnh định cư ở Mỹ trước đó. Cơ hội để cả gia đình đoàn tụ tại Mỹ là trong tầm tay.

Nhưng hết ngày học, Đông A xách vali về nước. Hai vợ chồng quyết định để con ở lại không đi dù theo diện đoàn tụ hay bảo lãnh và đón đợi ngày kết thúc cuộc chiến, hai miền thống nhất.

"Tôi phải nói rằng quyết định ở lại lúc đó thực ra không dễ dàng. Suy nghĩ vì gia đình, vì con, vì chính sự nghiệp của mình. Nhưng rồi tôi quyết định đón nhận những thay đổi thời cuộc. Tôi phải cảm ơn vợ tôi vì đã đồng lòng việc này" - GS Đông A kể.

Quyết dứt khoát một lần thế nhưng chuyện đi, ở có lúc sau này trở thành khá nhạy cảm, tế nhị đối với ông. Những năm đầu 1990 diễn ra những biến động chính trị tại Đông Âu cũng như trong các phong trào của Việt kiều. Năm 1990, khi GS Đông A đang ở Pháp tham gia chương trình trao đổi làm việc, học tập thì có tin đồn từ trong nước là ông từ Paris đã “dzọt” sang Mỹ. 

{keywords}
Năm 1991, người ta đồn ông "dzọt" sang Mỹ định cư...

Tin đồn sốt đến mức khi ông vừa trở lại TP.HCM, báo Tuổi Trẻ chạy bài trên trang nhất cuộc phỏng vấn ông về chương trình học tập, làm việc tại Paris nhưng thực chất khéo lồng ghép câu hỏi xác minh tin đồn về ông. Trên số báo ra ngày 15/12/1990 của Tuổi Trẻ, bác sỹ Đông A nói tin đồn là “chuyện đùa dai”. 

Chờ đợi hòa bình, thống nhất

GS Trần Đông A nhớ lại, khoảng hai, ba ngày trước 30/4, khi các cánh quân giải phóng tiến sát Sài Gòn, ông đã cảm nhận về một cái kết, bắt đầu cho thương binh di tản vào trong thành phố, đến bệnh viện Bình Dân và một bệnh viện khác (nay là bệnh viện Nhân dân 115).

Sáng 30/4, khi Sài Gòn cận kề giây phút thất thủ, ông vận một bộ nghiêm trang, sơ-vin chạy xe ra đường. Khi quân giải phóng chiếm lĩnh trung tâm, ông hòa mình vào dòng người đổ về dinh Độc Lập.

"Khi đó ông nghĩ đến điều gì? Có lo lắng?" - tôi hỏi. GS Đông A nói, lúc đó ông nghĩ tới sự đoàn tụ, tìm lại hai người chị và một em trai ruột bị lưu lạc, chia cắt trong chiến tranh.

Dù làm bác sỹ phẫu thuật biên chế của sư đoàn Dù thuộc quân đội Sài Gòn, thực hiện các ca mổ dã chiến ngay tại chiến trường nhưng gặp bất cứ thương binh nào của cả hai phía ông đều cứu chữa.

"Khi tôi đi mổ dã chiến ngoài mặt trận, cứ gặp thương binh miền Bắc, ai  tôi cũng cứ hỏi đi hỏi lại em quê ở đâu, tên gì, cứ hỏi hoài dù vẫn mổ đàng hoàng vì sợ trúng thằng em. Đến lúc sau giải phóng cậu em vào tìm gặp tôi, tôi nhìn nó bảo biết vậy khỏi phải hỏi mãi vì nó giống bố hơn cả tôi. (Cười). Thực sự tôi đã chờ ngày đất nước hòa bình thống nhất vì điều này." - GS chia sẻ.

{keywords}
GS Trần Đông A tại cuộc gặp gỡ trí thức TP.HCM sau 40 năm thống nhất đất nước

Thời khắc khó khăn nhất

Ở lại, ông chuẩn bị tâm thế "ra trình diện" với việc vào bệnh viện ở Tân Sơn Nhất bàn giao bệnh viện, kho thuốc. Một kỷ niệm của ông với quân giải phóng khi đó là lúc vào bệnh viện bàn giao, Đông A gặp một người lính sư đoàn 10 đại diện tiếp quản bị đau bao tử.

Người lính nhờ ông tư vấn đơn thuốc để cắt cơn đau. Trò chuyện hướng dẫn một hồi, ông bắt đầu chủ động hỏi thẳng quân giải phóng về việc có phải đi trình diện vì ông là bác sĩ. Người lính sư đoàn đó đã mách cho ông về chuẩn bị lo việc gia đình để sau đó đi học tập trung ít nhất 3 tuần. Trước khi tạm biệt, người lính còn gợi ý ông cất tích trữ một ít thuốc và gạo lấy trong kho bệnh viện mang về cho gia đình.

Sau những thông tin nắm được, dù có lời mời chuẩn bị cho một công việc mới nhưng cuối cùng ông quyết định gác lại để lo cho xong việc đi học tập trung này. Quá trình đó cuối cùng kéo dài hơn dự tính 2 năm.

GS Đông A kể, sau này khi trở thành ĐBQH, trong một dịp cùng đoàn ĐBQH VN sang Mỹ thăm, làm việc, ông có cuộc gặp nhóm thượng nghị sĩ Mỹ. Một nghị sĩ xưng là cựu binh Mỹ trong chiến tranh VN bất ngờ tiếp cận.

"Ông Đông A, tôi biết ông đã từng học ở Mỹ và đã từng được đưa đi học tập trung sau giải phóng. Họ đã làm gì ông?", cựu binh Mỹ hỏi. GS Đông A trả lời: "Khoảng thời gian đó đúng là thời gian khó khăn nhất trong đời tôi. Nhưng bây giờ, khi nhìn lại, tôi thấy nó lại cần thiết bởi vì chính ở nơi đó tôi học được những cách sống và quan hệ sống của chế độ mới".

Xuân Linh

Bài sau: Buổi xem phim đặc biệt cùng ông Sáu Dân