Khi hải cẩu lên trên cạn, chúng ngủ như con người. Khi sống dưới nước, hải cẩu cũng ngủ, nhưng là một kiểu ngủ khác: những giấc ngủ ngắn với chỉ một bán cầu não, còn bán cầu kia vẫn tỉnh táo để duy trì hoạt động bình thường: ăn, bơi lội, săn mồi.

Các nhà khoa học Trường ĐH Toronto (Canada) đã tò mò tìm hiểu làm thế nào con vật lưỡng cư này có thể ngủ với nửa bộ não như vậy.  Thế nhưng những kết quả nghiên cứu càng làm họ bối rối hơn, và không cho họ một câu trả lời chính xác cho thắc mắc của mình.

Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được vì sao loài hải cẩu chỉ ngủ với một nửa bộ não.

Lúc đầu họ cho rằng sở dĩ hải cẩu có thể ngủ với  một bán cầu não là do các đặc thù của hoá học tế bào thần kinh (neurochemistry) của chúng. Nói cách khác, hải cẩu có khả năng phân phối lại các các tế bào truyền dẫn thần kinh để một nửa bộ não chìm trong giấc ngủ, nửa kia thì không.

Cụ thể là trong bán cầu đang thức, nồng độ acetylcholin tăng lên rõ rệt, còn ở bán cầu ngủ, thì ngược lại, nồng độ này lại giảm mạnh. Để chứng minh, họ đã xác định nồng độ chất truyền dẫn thần kinh ở hai bán cầu nhưng thực tế lại thấy không phải vậy.

Họ càng ngạc nhiên khi phát hiện một chất truyền dẫn thần kinh khác là serotonin ở hai bán cầu vẫn bằng nhau. Chính chất này vốn được coi là chất hoạt hoá bộ não, duy trì sự hưng phấn, không “cho phép” bộ não nghỉ ngơi. Với nồng độ ấy, con vật tỉnh táo để ăn và bơi lội. Có nghĩa là, ở hải cẩu, chất này không chi phối “nhịp điệu thức/ngủ” của chúng.

Kết quả đã bác bỏ những giả định ban đầu. Việc nghiên cứu phải dựa trên các giả thuyết khác. Song các nhà khoa học vẫn không nản. Họ hy vọng rằng, trong tương lai, thông qua việc nghiên cứu giấc ngủ với nửa bộ não, họ sẽ phát minh ra những sự kiện hết sức thú vị về giấc ngủ của con người, mặc dù hiện nay giấc ngủ lạ lùng của hải cẩu đưa họ vào tình huống các câu hỏi nhiều hơn lời giải đáp.

Bảo Châu (Theo Sciencemagic.ru)