Trong khi ô tô đã có một lịch sử phát triển và thay đổi thiết kế đáng kể như chỗ ngồi thoải mái hơn, công nghệ điều khiển, mái kính hay vật liệu da đa dạng, thì máy bay lại hoàn toàn ngược lại. 

Có rất ít sự thay đổi trên cabin máy bay từ những năm 1970 so với những gì chúng ta thấy hiện nay. Các ghế vẫn được bố trí như cũ, thậm chí còn ít chỗ để chân hơn và hành lý vẫn được để ở ngăn đựng hành lý phía trên. Nhà vệ sinh vẫn chật chội, tay vịn gần như giống hệt nhau và xe đẩy đồ uống vẫn chạy lạch cạch dọc lối đi trên những bánh xe ọp ẹp. 

Vậy vì sao lại có quá ít cải tiến trên máy bay như vậy? Các hãng hàng không liệu đã tìm ra được thiết kế hoàn hảo từ cách đây 50 năm hay họ đã quên đi chuyện đổi mới? 

Nguyên nhân đầu tiên phải nói tới là kinh phí. Trở lại những năm 1970 khi thế giới bắt đầu chứng kiến những chuyến bay đường dài nhờ sự ra đời của Boeing 747, các hãng hàng không đã thu về không ít lợi nhuận. Qantas hay Pan-Am có đủ khả năng dành toàn bộ tầng trên của máy bay để làm quán bar và khu vực tiếp khách lớn, mỗi nơi đều có thiết kế và nội thất riêng.

Vào những năm 1980, Virgin Atlantic, cũng là một hãng hàng không đổi mới không ngừng nghỉ khi giới thiệu dịch vụ spa trên máy bay. Ở hạng phổ thông, các hãng hàng không thậm chí còn thử nghiệm ghế màu cam hay xanh lá cây. Tuy nhiên, hiện nay ghế máy bay chỉ có màu xanh hoặc xám, còn các spa và hầu hết các quán bar đều không còn nữa.

Kể từ những năm 1990, sự gia tăng của các hãng hàng không giá rẻ và nhu cầu về máy bay thân thiện hơn với môi trường đã khiến các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay đã tập trung vào việc tiết kiệm kinh phí chứ không phải vào thiết kế. Họ đầu tư làm cho máy bay càng nhẹ càng tốt. Dạo quanh nhà máy rộng lớn của Boeing ngay bên ngoài Seattle hoặc trụ sở Airbus ở Toulouse, bạn sẽ thấy hầu hết các máy bay phản lực hai động cơ hiện đại mới đều được làm bằng vật liệu tổng hợp nhựa gia cố bằng sợi carbon chứ không phải kim loại. Vật liệu tổng hợp đắt hơn kim loại nhưng nặng hơn rất nhiều. Những khoản tiền lớn cũng đã được đầu tư vào động cơ đốt nhỏ mới. Nhiên liệu là chi phí lớn nhất của các hãng hàng không. 

Henry Harteveldt của công ty nghiên cứu ngành du lịch Atmosphere cho biết: “Khoang máy bay là một khoảng không gian nhỏ, chật chội. Thiết kế trong khoang giống như chơi xếp hình. Nhà vệ sinh nhỏ hơn đồng nghĩa với việc có nhiều không gian hơn cho chỗ ngồi. Giảm chỗ để chân cũng có nghĩa là các hãng vận chuyển có thể tăng thêm số ghế, giảm hơn nữa chi phí vận hành trên mỗi ghế và cho phép họ đưa ra giá vé thấp hơn”.

Người ta nói rằng chỉ có các hãng hàng không giàu có ở vùng Vịnh mới đánh cược lớn vào các máy bay phản lực. Emirates và Etihad đã trang bị vòi sen và quầy bar trên máy bay Airbus A380 của họ. Qatar cũng có một quán bar trên máy bay của mình. 

David Caon, nhà thiết kế cabin hàng không sáng tạo nhất hiện nay, người đã tân trang lại cabin của Qantas, giải thích: "Các nhà sản xuất đã không khuyến khích sự đổi mới. Thiết kế cho ngành hàng không vũ trụ là một hệ sinh thái phức tạp với nhiều vấn đề về an toàn, chứng nhận, thử nghiệm và trọng lượng. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất nội thất máy bay có xu hướng làm mọi việc theo một cách nhất định, với những vật liệu nhất định. Bạn không có nhiều lựa chọn”.

Nhưng nỗ lực thay đổi là xứng đáng. Máy bay phản lực mới của Qantas là một luồng gió mới trong ngành hàng không. “Tôi không muốn các cabin trông giống như đang ở trên một chiếc máy bay. Tôi muốn chúng trông giống như bạn đang ở nhà hơn”, Caon nói.

Ghế hạng phổ thông cao cấp có phần tựa lưng được làm cao hơn để mang lại cảm giác riêng tư giác hơn. 

Du khách hạng phổ thông và hạng phổ thông cao cấp cũng sẽ có thể sử dụng khu vực tập thể dục và giãn cơ nhỏ. Caon nói: “Chúng tôi đã lấy ra 12 chỗ ngồi để tạo ra Khu vực chăm sóc sức khỏe. Trên những chuyến bay dài như thế này, bạn sẽ phải đứng dậy nếu không sẽ bị cứng người. Chúng ta cần cho hành khách một lý do để di chuyển, một điểm đến để đi tới”.

Theo Telegraph