Được kê đơn thuốc nội theo BHYT nhưng rất nhiều người bệnh vẫn nằng nặc xin bác sĩ đổi toa thuốc ngoại. Trong khi thuốc made in Vietnam rẻ hơn cả chục lần và được WHO công nhận đạt chuẩn quốc tế.
Khăng khăng đòi thuốc ngoại
Bị đau mắt, dù bác sỹ cho biết
chỉ dùng thuốc nội là khỏi, anh Trần Hùng (Hà Nội) vẫn xin bác sỹ kê thuốc ngoại
với mong muốn "Dùng thuốc made in Việt Nam… không an tâm!". Vậy là thay cho lọ
thuốc nội chỉ vài nghìn đồng, anh Hùng sẵn lòng chi gần trăm ngàn đồng để được
dùng thuốc ngoại.
Tâm lý sính ngoại, sợ thuốc nội kém hiệu quả không hiếm gặp. Tại một bệnh viện
nhi, con chị Minh (Bắc Ninh) bị sốt xuất huyết, tiêu chảy, được bác sỹ kê đơn
thuốc theo BHYT. Tuy nhiên sau khi bác sỹ cho biết thuốc cấp theo BHYT là thuốc
nội, chị Minh nằng nặc xin kê toa thuốc ngoại cho con uống. Chị nói: "Có đắt
cũng cắn răng chịu, miễn là con mau khoẻ!"

Không riêng chị Minh, nhiều phụ huynh có con bị sốt xuất huyết cũng thường tìm
cách gặp bác sỹ xin đổi toa thuốc để con được dùng thuốc ngoại và chóng khỏi
bệnh hơn.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là theo dõi diễn tiến bệnh
để ngăn ngừa chống sốc, bù nước, còn với tiêu chảy cấp ngoài việc sử dụng thuốc
chống tiêu chảy, cần bù nước, khoáng và vitamin. Các loại thuốc BHYT cấp như
Hapacol (paracetamol 150mg), Hydrite tablet, Cefodomid (cefpodoxime 100mg),
Bidisubtilis... là những loại thuốc có chất lượng, phù hợp trong điều trị bệnh
trên. Việc tìm cách dùng thuốc ngoại thay cho các thuốc BHYT không những gây tốn
kém, lãng phí mà còn ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người bệnh về vai trò BHYT,
chất lượng thuốc Việt…
Chữa bệnh hợp túi tiền, tại sao không?
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược Học TP.HCM cho biết: Phần lớn
thuốc Việt đều có chất lượng tốt, giá rẻ. Sử dụng thuốc Việt trong điều trị,
chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí mà hiệu quả vẫn tương đương.
Theo khảo sát của PV VietNamNet, giá thành của hầu hết các loại thuốc sản xuất
tại Việt Nam chỉ bằng một nửa, thậm chí thấp hơn nhiều lần so với các loại thuốc
tương đương được nhập khẩu từ nước ngoài.
Một viên thuốc trị cảm cúm nhập ngoại có giá từ 500 - 700 đồng trong khi thuốc
sản xuất trong nước giá chưa đến 300 đồng. Kháng sinh có cùng hoạt chất
Cefuroxim Axetil, thuốc ngoại như Zinnat có giá 26.500 đồng/viên, trong khi
thuốc nội như Cadiroxim, Hazinat giá chỉ 12.000 đồng/viên; Amoxicillin chỉ có
7000 đồng/ vỉ nhưng thuốc Augmentin của Anh có giá 20.500 đồng/viên; Cefixim có
giá 3000 đồng/ viên trong khi viên Canoximl (Mỹ) có giá gấp 4 lần...

Với những loại thuốc phải dùng thường xuyên, suốt đời thì việc sử dụng thuốc nội sẽ giúp người bệnh tiết kiệm một khoản chi phí lớn. Ví dụ như Nifedipin (nhóm thuốc huyết áp, tim mạch) có giá 5000/vỉ/10 viên, rẻ hơn nhiều lần thuốc Adalat (Đức) cùng hoạt chất, có giá 3000 đồng/viên.
Bao giờ thuốc Việt lên ngôi?
Năm 2009 Việt Nam đã sản
xuất được 234/314 hoạt chất trong danh mục thuốc thiết yếu, đủ nhóm tác dụng
dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.
Năm 2010, giá trị sản xuất
thuốc trong nước đạt hơn 919 triệu USD, đáp ứng hơn 48% nhu cầu sử dụng thuốc
trong nước. Thị trường các sản phẩm thuốc mang thương hiệu Việt đang có một dự
báo khả quan: Đạt hơn 2 tỉ USD trong năm 2011.
Bên cạnh đó, nguyên liệu làm thuốc đều được nhập từ nước ngoài và được kiểm tra đầu vào kỹ lưỡng, thiết bị máy móc dùng bào chế thuốc hiện đại cũng chủ yếu được nhập từ nước ngoài nên mức độ chính xác trong thao tác, quy trình sản xuất thuốc hiện nay đều đạt các tiêu chuẩn: GMP - “Thực hành tốt sản xuất thuốc”, GLP - “Thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc”, GSP - “Thực hành tốt tồn trữ thuốc”. Các tiêu chuẩn này đều được Tổ chức Y tế thế giới WHO công nhận.
Nói về nguyên nhân khiến thuốc
nội vẫn có phần “lép vế” trước thuốc ngoại, giám đốc một công ty dược trong nước
khẳng định: “Đó là do thói quen tiêu dùng thuốc của người Việt. Bên cạnh đó, còn
là do thuốc ngoại nhập luôn được đầu tư quảng cáo và có mức chiết khấu cao hơn
nhiều so với thuốc nội nên không ít bác sĩ và nhiều nhà thuốc vẫn…ưu tiên giới
thiệu thuốc ngoại “tốt hơn” với người tiêu dùng”.
Để thay đổi thói quen tiêu dùng thuốc của Người Việt, các công ty dược trong
nước cần đẩy mạnh quảng cáo sản phẩm, đồng thời tạo được uy tín từ chất lượng.
Bên cạnh đó, cần có sự tuyên truyền rộng rãi và có quy chế khuyến khích để các
thầy thuốc kê đơn thuốc Việt. Việc dùng thuốc của người bệnh đều phụ thuộc vào
bác sĩ, thuốc Việt có lên ngôi được hay không phải bắt đầu từ ngòi bút kê đơn.
N.Minh - M.Thành