Hôm nay, Mixer của Microsoft đã chính thức đóng cửa, theo sau là sự ra đi của những cái tên đình đám như Ninja hay Shroud. Đây là những streamer làm việc độc quyền cho nền tảng livestream này theo một thỏa thuận trị giá tới hàng chục triệu đô la, với Ninja là 30 triệu USD còn Shroud là 10 triệu USD.

Ngay lập tức, Ninja đã nhận được lời đề nghị béo bở từ Facebook với giá trị hợp đồng gấp đôi con số cũ mà Mixer trả cho streamer 29 tuổi này. Cơ sở nào để anh chàng game thủ người Mỹ này từ chối con số mơ ước của rất nhiều streamer trên toàn thế giới này?

Ninja là streamer nổi tiếng nhất thế giới

PewDiePie vẫn đang là YouTuber nổi tiếng nhất thế giới với 105 triệu người đăng ký theo dõi kênh YouTube, nhưng ở sân chơi livestream, Ninja mới đang là ông vua không ngai. Trong khi PewDiePie chủ yếu chơi các video game gây cười thì Ninja lại phô diễn kỹ năng đỉnh cao ở những game mang tính eSports như Halo, H1Z1, Fortnite, PUBG hay Valorant…

Ninja đã có 14 triệu người theo dõi trên Twitch, con số lớn nhất trên nền tảng livestream này, trước khi đầu quân cho Mixer theo một bản hợp đồng độc quyền trị giá 30 triệu USD. Trước đó, năm 2018, Ninja từng tiết lộ với trang CNN rằng mình kiếm được 10 triệu USD bằng việc hợp tác với game sinh tồn Fortnite. Đến năm 2019, tạp chí Forbes ước tính thu nhập của Ninja là 17 triệu USD, cao hơn PewDiePie người kiếm được chỉ 15 triệu USD trong cùng thời điểm.

{keywords}

Ninja từng được ‘tiền hô hậu ủng’ khi chuyển sang Mixer của Microsoft


Điều đó có nghĩa là giá trị thương hiệu của Ninja khi được quy đổi từ lượng người xem đang cao hơn PewDiePie. Con số 60 triệu USD mà Facebook đưa ra là hoàn toàn có cơ sở, nhưng nó không đủ hấp dẫn đến thế, trong bối cảnh các nhãn hàng ngày càng chi nhiều cho quảng cáo online của các KOLs thay vì các hình thức quảng cáo offline truyền thống.

Từ chối lời đề nghị của Facebook cũng đồng nghĩa với việc Ninja sẽ để ngỏ cơ hội hợp tác với những nền tảng khác hay thậm chí là tái hợp với Twitch.

Nhưng ngay cả khi không có hợp đồng livestream nào, Ninja vẫn đang quảng bá cho các thương hiệu như Red Bull hay Adidas và vận hành thương hiệu Team Ninja của riêng mình, song song với việc streaming tự do trên YouTube.

Facebook Gaming không phải ưu tiên số 1

Facebook đã có chiến lược chóng vánh với những bước đi khôn ngoan ở khu vực Đông Nam Á, thu hút được lượng người xem gia tăng mạnh mẽ nhờ sự ra đời của nền tảng Facebook Gaming. Nhưng ở Bắc Mỹ, câu chuyện của Facebook Gaming khó khăn hơn rất nhiều.

Bản thân Facebook vẫn còn đang phải vất vả cạnh tranh với Twitter. Đối với thị trường livestream, không cái tên nào qua mặt được Twitch của Amazon, nếu lựa chọn video giải trí đã có YouTube của Google.

{keywords}

Việc Facebook đối mặt làn sóng tẩy chay ở Mỹ là rào cản lớn với các streamer muốn phát triển thương hiệu dựa trên nền tảng này

Chống lưng cho những cái tên kể trên đều là những ông lớn trong lĩnh vực công nghệ, điều khiến cho Facebook Gaming gặp rất nhiều khó khăn để chiếm lĩnh thị phần như ở khu vực Đông Nam Á. Chưa kể, Facebook cũng đang gặp vấn đề nghiêm trọng khi đối diện làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ những nhãn hàng, thương hiệu lớn ở Mỹ như Unilever, Cocacola, Verizon trong một chiến dịch có tên gọi #StopHateForProfit.

Việc Facebook bị tẩy chay và Facebook Gaming chưa đủ lớn mạnh ở Bắc Mỹ khiến cho Ninja thừa khôn ngoan để hiểu rằng hợp tác độc quyền một lần nữa có thể là một bước lùi nghiêm trọng.

Ninja không muốn sự ràng buộc

Các streamer khi lựa chọn một nền tảng hợp tác thường rất thích một bản hợp đồng có thời hạn nhiều năm, để có thể đảm bảo một tương lai lâu dài cho họ. Ninja cũng từng có suy nghĩ như vậy khi mới bước chân vào nghề, nhưng khi trở nên nổi tiếng, cách nghĩ này đã thay đổi.

Hợp đồng độc quyền nhiều năm như một sự trói chân khiến Ninja không thể và không có thời gian phát triển thương hiệu riêng. Trường hợp của Facebook, lời đề nghị 60 triệu USD cũng đồng nghĩa với việc nền tảng này tin rằng có thể tạo ra giá trị lớn gấp nhiều lần số tiền sẽ bỏ ra cho Ninja.

{keywords}

Ninja đang vận hành một thương hiệu quần áo phụ kiện của riêng mình


Cái lắc đầu từ chối của Ninja không chỉ có ý nghĩa giúp nâng giá trị thương hiệu bản thân, nó còn giúp anh thu về một khoản ‘tiền tươi thóc thật’ ngay lập tức. Theo thỏa thuận giữa Microsoft và Facebook, Facebook Gaming sẽ tiếp nhận và chi trả toàn bộ số tiền dựa trên thỏa thuận cũ giữa Mixer và các nhà sáng tạo nội dung, tức các streamer, nếu các streamer này đồng ý chuyển sang Facebook Gaming. Mixer sẽ phải trả toàn bộ nếu điều ngược lại xảy ra.

Trong trường hợp này, Ninja đã nhận được đầy đủ số tiền 30 triệu USD từ Mixer ngay khi nền tảng này chấm dứt hoạt động, mà không phải chờ ký một bản hợp đồng mới và tiền ràng buộc từ Facebook. Dòng tiền dương 30 triệu USD lúc này là một số vốn quan trọng nếu Ninja muốn tranh thủ khoảng thời gian người Mỹ ở nhà chơi game nhiều hơn vì cách ly xã hội thời COVID-19 để mở rộng thương hiệu.

Nguyễn Phương (Theo sportskeeda)

Người Mỹ ở nhà chơi game nhiều hơn thời Covid-19

Người Mỹ ở nhà chơi game nhiều hơn thời Covid-19

Nghiên cứu mới nhất của NPD Group chỉ ra rằng người Mỹ có xu hướng ở nhà chơi game thường xuyên hơn trong năm 2020 này.