Như đã đề cập, ngày 18/5/2018, ông Đặng Phan Chung, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Gia Lai ký văn bản số 537 gửi TAND tỉnh Gia Lai với nội dung yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến vụ án tranh chấp giữa Ngân hàng TMCP đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Nam Gia Lai (Ngân hàng BIDV Nam Gia Lai) và một DN trên địa bàn.

Tại văn bản, ông Chung yêu cầu TAND tỉnh Gia Lai cung cấp toàn bộ bản sao hồ sơ liên quan đến quá trình giải quyết bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018 do thẩm phán Ngô Thanh Quảng làm chủ tọa phiên tòa; đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai và lãnh đạo TAND thành phố Pleiku báo cáo về quan điểm giải quyết vụ việc; yêu cầu thẩm phán Ngô Thanh Quảng viết bản giải trình....

Lý giải về việc giải trình văn bản nêu trên, thẩm phán Ngô Thanh Quảng cho hay, ông thực hiện yêu cầu này với tư cách là một đảng viên, phục tùng chỉ đạo của tổ chức Đảng chứ không phải với tư cách của một thẩm phán trực thuộc ngành tòa án.

“Báo cáo của tôi là báo cáo công khai, có quan điểm của tôi ở trong đó. Khi làm ở nhà nước, hệ thống công vụ có những nguyên tắc chung của nó, đó là nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Tôi là Đảng viên, lúc đó lãnh đạo TAND tỉnh yêu cầu tôi báo cáo để giải trình với HĐND.

Chính vì thế, TAND TP Pleiku đã photo hồ sơ để chuẩn bị giải trình theo yêu cầu của HĐND” - ông Quảng nói.

{keywords}
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Đặng Phan Chung 

Ông Quảng cũng khẳng định: “Việc tôi báo cáo là hết sức bình thường. Quan điểm của tôi là, ai đó mà nhân danh HĐND, hay nhân danh công tác pháp chế, công tác giám sát… để yêu cầu tòa án, thẩm phán  báo cáo về một vụ án dân sự cụ thể trước khi vụ việc đó được đưa ra xét xử - cái đó là sai.

Nhưng về mặt công vụ, cấp trên yêu cầu báo cáo thì tôi báo cáo. Báo cáo ở đây cũng chỉ nhắc lại lý do, căn cứ và tiến trình giải quyết vụ việc như thế nào để cấp trên nắm được”.

“Tôi báo cáo theo quy tắc trong Đảng, mình là đảng viên thì chấp hành, tuân thủ sự chỉ đạo của cơ quan Đảng để cấp trên nắm, bởi rất có thể, các cơ quan như Hội đồng, Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra… hay Ban Nội chính có những vấn đề cần hỏi thì lãnh đạo tỉnh căn cứ trên giải trình của mình để báo cáo”.

Theo tài liệu do thẩm phán Ngô Thanh Quảng cung cấp, ông đã có bản báo cáo gửi HĐND tỉnh Gia Lai; TAND tỉnh và lãnh đạo TAND TP Pleiku.

{keywords}
Văn bản số 537 trái luật vì can thiệp vào hoạt động tòa án

Lý do gửi báo cáo này được nêu là “theo yêu cầu của HĐND tỉnh tại văn bản số 537 ngày 18/5/2018” do ông Đặng Phan Chung ký.

Tại bản báo cáo, ông Quảng đã báo cáo toàn bộ tiến trình xét xử vụ án dân sự phiên sơ thẩm giải quyết tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản giữa nguyên đơn là một DN, bị đơn là một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn; quan điểm của HĐXX, các tài liệu, chứng cứ, quy trình tố tụng...

Yêu cầu giám đốc thẩm bản án của tòa tỉnh

Ông Ngô Thanh Quảng là cán bộ của TAND TP Pleiku, là chủ tọa xét xử phiên sơ thẩm giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa một DN và một ngân hàng đã tuyên bản án số 12/2018.

Văn bản 537 do ông Đặng Phan Chung ký  có biểu hiện can thiệp hoạt động tố tụng. lSau văn bản 537 của ông Đặng Phan Chung, ngày 29/8/2018, TAND tỉnh Gia Lai đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, đã thay đổi toàn bộ bản án sơ thẩm; ra quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm số, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP Pleiku giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tuy nhiên, với vai trò chủ tọa xét xử phiên sơ thẩm, ngày 28/9/2018, thẩm phán Ngô Thanh Quảng đã có đơn kháng nghị bản án phúc thẩm lên Tòa cấp cao tại Đà Nẵng với 10 căn cứ, lý do.

“Tôi không khẳng định tôi đúng hoàn toàn nhưng tôi tin mình đã xử có căn cứ. Mọi việc bây giờ cần đợi kết quả xét xử của các cấp tòa” - ông Quảng nói.

{keywords}
Ông Đặng Phan Chung từng giữ chức Chánh án TAND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021, trước khi làm Phó chủ tịch HĐND tỉnh

Trả lời câu hỏi, dưới góc độ pháp lý, HĐND ban hành hai văn bản (107 và 537) đều có biểu hiện can thiệp hoạt động tố tụng thì có cần phải thu hồi lại hay không, thẩm phán Ngô Thanh Quảng nói:

“Công văn này không phải một quyết định hành chính hoặc văn bản thể hiện quyền lực của cơ quan nhà nước về một công tác quản lý nhà nước cụ thể nên không thể ra quyết định hay văn bản thu hồi. Thực ra, văn bản này được cá nhân Phó Chủ tịch HĐND Đặng Phan Chung ký chứ không phải ký thay mặt Thường trực HĐND”.

Trao đổi với VietNamNet, Chánh văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai Vũ Tiến Anh cho biết, trước khi UB Kiểm tra TƯ công bố quyết định kiểm tra theo đơn thư tố cáo đối với ông Đặng Phan Chung, UB Kiểm tra tỉnh ủy Gia Lai cũng đã xem xét, xử lý sai phạm trong công vụ của ông Chung.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Anh khẳng định, các cơ quan công bố quyết định kiểm tra với cá nhân ông Chung và ông Chung giải trình như thế nào đó là việc cá nhân chứ họ không làm việc với HĐND tỉnh”.

 

Thông tin trên báo chí, ông Đặng Phan Chung giải thích việc UBKT Trung ương công bố quyết định kiểm tra đối với mình gồm hai nội dung: thứ nhất là việc giải quyết đơn thư tố cáo của doanh nghiệp tố cáo ông và việc thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với ông này.

"Tức là, trước đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập một đoàn kiểm tra theo đơn tố cáo đối với tôi. Giờ UBKT Trung ương kiểm tra lại đoàn này, và mình là đối tượng liên quan", ông Chung nói

Luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk nói: "Hành vi của ông PCT HĐND tỉnh đã thể hiện sự lạm quyền. Tòa án không phải là cấp dưới của HĐND tỉnh, do vậy HĐND tỉnh không thể chỉ đạo TAND. Thứ nữa, thẩm phán xét xử độc lập và tuân theo pháp luật nên không ai được ra lệnh thẩm phán làm theo cái gì. Việc Phó chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai yêu cầu Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh, lãnh đạo TAND TP.Pleiku nêu quan điểm về vụ án và yêu cầu Thẩm phán xét xử cấp sơ thẩm phải viết giải trình là chứng tỏ sự lạm quyền. 


Phó Chủ tịch HĐND Gia Lai giải trình việc can thiệp vào hoạt động tòa án

Phó Chủ tịch HĐND Gia Lai giải trình việc can thiệp vào hoạt động tòa án

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Đặng Phan Chung cho biết đã giải trình sau khi UBKT Trung ương công bố quyết định kiểm tra theo đơn thư tố giác ông  có văn bản can thiệp hoạt động của tòa án.

Kiên Trung