Đương thời, Nguyễn Tấn Đời và Nguyễn Văn Thiệu có một mối quan hệ thân thiết nhất định. Đùng một cái Nguyễn Tấn Đời bị Nguyễn Văn Thiệu vô cớ ra lệnh tống giam và tịch thu toàn bộ tài sản.

Dư luận thời đó cho rằng vì Nguyễn Tấn Đời đã không làm theo lời Tổng thống, và rằng Nguyễn Tấn Đời đã ngầm liên hệ với một số chính trị gia đối lập khác âm mưu lật đổ ông ta? Rồi tin đồn người Mỹ chọn con bài dân sự Nguyễn Tấn Đời để thay Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo miền Nam? Cũng có nguồn tin khác: CIA hạ bệ Nguyễn Tấn Đời để lấy lại những món tiền của Mỹ mà tướng tá Sài Gòn đã tham nhũng rồi ký gửi vào ngân hàng Tín Nghĩa...

“Vua” không chiều lòng tổng thống

Những năm đầu thập niên 1970, tài sản của Nguyễn Tấn Đời đã lên tới hàng tỷ, chưa kể số bất động sản là mấy chục cao ốc, hàng loạt hãng sản xuất kỹ nghệ và hệ thống Ngân hàng Tín Nghĩa cùng 32 chi nhánh trên toàn miền Nam. Người dân Sài Gòn gọi Nguyễn Tấn Đời là “vua” cao ốc, “vua” ngân hàng...

{keywords}

Sài Gòn những năm 70 thế kỷ XX.

Hình ảnh ông Thần tài cầm hai xâu tiền – logo của Ngân hàng Tín Nghĩa xuất hiện khắp nơi, đến nỗi người ta đặt tên cho chủ nhân của nó là “Ông Thần tài”. Riêng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì gọi ông là “Ông Địa tạng” vì trông ông có phần giống... Ông Địa.

Không chỉ làm kinh tế, Nguyễn Tấn Đời còn ra ứng cử dân biểu Quốc hội Sài Gòn đơn vị tỉnh Kiên Giang, xuất bản một tờ nhật báo để hỗ trợ cho công việc kinh doanh của mình. Vừa là một dân biểu vừa là một nhà tư sản giàu có, Nguyễn Tấn Đời luôn được các quan chức chính quyền, các tướng tá trong quân đội và cảnh sát chế độ Sài Gòn săn đón, tiếp cận làm quen hòng kiếm những phi vụ làm ăn béo bở.

Ngay cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng nằm trong số đó. Nguyễn Văn Thiệu cố mời Nguyễn Tấn Đời về làm phụ tá chính trị để tạo thêm phe cánh cho mình nhưng ông từ chối vì không muốn dính dáng đến chính trị. Kỳ thực Tổng thống Thiệu muốn Nguyễn Tấn Đời về phe mình để dễ bề... hùn hạp làm ăn.

Tìm đủ mọi cách vẫn không mua chuộc được “vua” ngân hàng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quay sang đòi mua 51% cổ phần của Ngân hàng Tín Nghĩa. Một sự lộ liễu đến trơ trẽn. Không cần phải những nhà chuyên môn kinh tế tài chính, mọi người đều hiểu nếu mua cổ phần thì có hai phương thức: Người đầu tư nhỏ thì mua một cổ phần giới hạn để được chia lời cuối năm hoặc bán khi cổ phần lên giá.

Những tay tài phiệt, tư bản lớn thì sẽ mua của nhiều cổ đông cho được đa số, thường là 51%. Và khi đã nắm trong tay 51% cổ phần đương nhiên họ được quyền kiểm soát, quản trị trực tiếp hoặc gián tiếp qua người trung gian của họ sắp xếp vào. Trong khi đó, đùng một cái Nguyễn Văn Thiệu muốn hớt tay trên, lệnh Nguyễn Tấn Đời nhượng lại 51% để nắm quyền kiểm soát ngân hàng. Tất nhiên Nguyễn Tấn Đời không ngu dại gì mà chấp nhận. Và việc không nghe lời… Tổng thống khiến Nguyễn Tấn Đời phải trả một cái giá rất đắt.

Hai lần thoát chết

Những năm 1970, vì đam mê môn thể thao sky nauticque (trượt nước) nên Nguyễn Tấn Đời có mua một chiếc tàu hors bord. Chiếc tàu này ông gửi ở Câu lạc bộ Nautique sát sông Sài Gòn. Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần người tài xế đều chở ông đến đây để ông lái tàu đến khu vực Cầu Sơn chơi trượt nước.

{keywords}

Nguyễn Tấn Đời (áo trắng) trong một buổi tiệc.

Vào một buổi sáng thứ bảy, như thường lệ, tài xế chở Nguyễn Tấn Đời đến Câu lạc bộ Nautique để lái tàu về Cầu Sơn chơi môn thể thao ưa thích. Khi xuống xe, đột nhiên vợ ông bảo có công chuyện gấp cần có mặt hai vợ chồng, khi xong việc sẽ quay về trượt nước sau. Người tài xế đành xuống xe, chạy chiếc hors bord về Cầu Sơn đợi.

Thật bất ngờ, khi anh ta mở chìa khóa chiếc tàu, động cơ chưa kịp khởi động thì một tiếng nổ kinh hoàng vang lên. Chiếc tàu vỡ tan tành, lửa cháy sáng rực một góc sông. Nguyễn Tấn Đời tới gõ cửa các cơ quan an ninh yêu cầu tổ chức điều tra. Họ bảo đó là nhiệm vụ của họ và bảo ông cứ yên tâm chờ đợi kết quả.

Nhưng chờ đợi ròng rã suốt nhiều tháng, Nguyễn Tấn Đời vẫn không nhận được một kết quả nào, và cũng không có một lời giải thích nào. Câu trả lời duy nhất người ta mang lại cho Nguyễn Tấn Đời - một dân biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại Công kỹ nghệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Tín Nghĩa: chiếc tàu nổ là do sự trục trặc của kỹ thuật máy móc.

Dư luận nghi ngờ vụ nổ là dưới bàn tay đạo diễn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhằm triệt tiêu Nguyễn Tấn Đời, nhưng không có chứng cứ. Tất nhiên dư luận cũng chỉ là dư luận, không ai dám và cũng không ai có quyền điều tra!

Cuối tháng 4-1973, Nguyễn Tấn Đời dẫn đầu phái đoàn Phòng Thương mại Công kỹ nghệ đi Quảng Trị. Từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, phái đoàn đi máy bay dân dụng, khi tới Đà Nẵng sẽ có trực thăng quân sự đưa ra Quảng Trị. Tới phi trường Đà Nẵng, phái đoàn được loan báo tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn I sẽ đưa 3 chiếc trực thăng tới đón. Nhưng lát sau chỉ có 2 chiếc trực thăng đáp xuống.

Viên đại úy phi công cho biết còn một chiếc nữa sẽ tới sau, và vì là dân biểu Quốc hội và trưởng phái đoàn nên Nguyễn Tấn Đời sẽ đi riêng ở chiếc này. Nhưng chờ mấy mươi phút trôi qua mà chẳng thấy chiếc trực thăng nào tới, Nguyễn Tấn Đời đề nghị đi cùng chuyến trước mọi người.

Khi máy bay ra tới Quảng Trị, tướng Ngô Quang Trưởng cùng một số sĩ quan tùy viên đã đứng đón sẵn. Sau đó phái đoàn được hướng dẫn vào phòng khánh tiết để nghe thuyết trình về tình hình quân sự - an ninh ở Quảng Trị.

Trong khi những người trong phái đoàn đang chăm chú lắng nghe lời thuyết trình của viên sĩ quan tâm lý chiến thao thao bất tuyệt thì bỗng có một sĩ quan vào báo cáo khẩn cấp với tướng Ngô Quang Trưởng: chiếc trực thăng thứ ba dự định chở trưởng đoàn Nguyễn Tấn Đời trên đường bay từ Đà Nẵng ra Quảng Trị đã bị nổ tung, tất cả phi hành đoàn đã tử vong. Hay tin, toàn bộ quan khách trong hội trường đều bàng hoàng sửng sốt. Riêng Nguyễn Tấn Đời thì một phen rụng rời, ông thầm vái Trời Phật đã cho ông thoát chết lần nữa.

Tuy nhiên, chưa kịp hoàn hồn vì lần thoát chết thứ hai, lúc 14 giờ 45 phút ngày 21-4-1973 Nguyễn Tấn Đời nhận được tin sét đánh. Đài phát thanh Sài Gòn đọc thông cáo: Chính phủ ra lệnh niêm phong Ngân hàng Tín Nghĩa và tất cả các chi nhánh trên toàn quốc, song song đó là lệnh truy nã vợ chồng Nguyễn Tấn Đời. Đầu óc đang như một mớ bòng bong, Nguyễn Tấn Đời xin tướng Ngô Quang Trưởng cho phép vợ chồng ông cấp tốc trở về Sài Gòn gấp để gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Nội tình

Khi lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban ra, hệ thống Ngân hàng Tín Nghĩa tại Sài Gòn và các chi nhánh khắp miền Nam đều bị cảnh sát niêm phong. Tất cả các cơ sở, xí nghiệp của Nguyễn Tấn Đời cũng cùng chung số phận.

Đồng thời cảnh sát, công an còn cô lập toàn bộ những người trong gia đình Nguyễn Tấn Đời, kể cả ban lãnh đạo Ngân hàng Tín Nghĩa. Cùng đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tung tin thất thiệt trên đài phát thanh, truyền hình và báo chí… với dụng ý tuyên truyền cho một cuộc đảo chính kinh tế vừa xảy ra để che mắt nhân dân về hành động phi pháp và vi hiến của Tổng thống Thiệu.

{keywords}

Logo biểu tượng của Ngân hàng Tín Nghĩa.

Vợ chồng Nguyễn Tấn Đời quay về Sài Gòn mà không giải quyết được gì. Ông không gặp được ai, không được nghe một lời giải thích. Vợ chồng ông bị bắt ngay tối hôm đó tại nhà riêng ở đường Yên Đổ. Ông nhờ người tới gặp luật sư Lê Văn Mão để tìm hiểu tình hình. Luật sư Mão có giấy của tòa án cho phép gặp Nguyễn Tấn Đời nhưng cảnh sát đã từ chối. Khi luật sư Mão đưa giấy tờ ra phản đối thì cảnh sát đã dí súng vào lưng và khống chế lên xe đưa ông về nhà. Họ tuyên bố luật sư không được can thiệp hay hỏi han bất cứ điều gì về Nguyễn Tấn Đời.

Vợ Nguyễn Tấn Đời bị đưa về quận 3, điều tồi tệ là bà bị giam chung với gái mại dâm. Sau ba tuần bà bị khủng hoảng tinh thần, cảnh sát phải đưa vào Bệnh viện Đồn Đất giam lỏng, nhưng không cho ai tới thăm hỏi, kể cả có lệnh của tòa án.

Rồi đến em ruột Nguyễn Tấn Đời là Nguyễn Tấn Phước ở Thụy Sĩ đã 20 năm, vô tình về Sài Gòn đúng dịp này cũng bị bắt ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khi nghe tin Nguyễn Tấn Phước bị bắt, Tòa đại sứ Thụy Sĩ phải can thiệp và nhờ luật sư đứng ra bảo lãnh. Biết không thể làm gì được một người ngoại quốc vô can nên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã hộ tống ông Nguyễn Tấn Phước ra sân bay và yêu cầu lên máy bay quay về Thụy Sĩ.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra khẩu lệnh trực tiếp cho cảnh sát, an ninh được tự do hành động, bất chấp luật pháp, hiến pháp, án lệnh của tòa án.

Vụ bắt giam Nguyễn Tấn Đời, đóng cửa Ngân hàng Tín Nghĩa một cách bất hợp pháp đã gây nên phản ứng mạnh mẽ trong dân chúng và một số tờ báo tự do. Họ lên án sự phi lý của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và kêu gọi Quốc hội phải can thiệp. Hai quản trị viên Ngân hàng Quốc gia vì danh dự và lòng can đảm đã từ chức để phản đối về hành động vô lý trên của Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Chính quyền và cảnh sát, an ninh vẫn bình chân như vại.

Người thân Nguyễn Tấn Đời nhờ luật sư Lê Văn Mão làm thủ tục xin chữ ký của các dân biểu, hội đủ số đông theo quy định để yêu cầu đưa Nguyễn Tấn Đời ra trước phiên họp khoáng đãi của Quốc hội trực tiếp trả lời với Hành pháp, Tư pháp… hầu làm sáng tỏ vấn đề, để Quốc hội toàn quyền quyết định. Nhưng tiếc thay, vì lý do nào đó Quốc hội không hề được triệu tập. Những cố gắng đều trở nên vô ích. Tất cả đã được an bài.

Theo Nguyễn Tấn Đời kể trong hồi ký, ông không ngờ Nguyễn Văn Thiệu trở mặt nhanh như vậy. Ngay khi mới lên làm Tổng thống VNCH, Nguyễn Văn Thiệu còn mời Nguyễn Tấn Đời vào Dinh Độc Lập để kết thân. Hàng tháng vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu đều mời vợ chồng Nguyễn Tấn Đời đến dùng cơm chung tại dinh. Ông ta còn đề nghị Nguyễn Tấn Đời về làm phụ tá cho mình. Thậm chí, hai ngày trước khi bị bắt, Nguyễn Văn Thiệu còn tỏ ra thân mật với ông, hai người cùng ngồi uống nước dừa ở cầu tàu Cầu Sơn và chuyện trò vui vẻ. Đúng là lòng người khó đoán!

Ngay tối hôm bị bắt, từ ngôi biệt thự ở đường Yên Đổ, Nguyễn Tấn Đời bị cảnh sát đưa lên chiếc xe bít bùng có cảnh sát ngồi kèm chặt, phía trước có xe Jeep hụ còi mở đường. Nguyễn Tấn Đời nghĩ rằng họ sẽ chở ông về Tổng nha Cảnh sát hoặc vào thẳng khám Chí Hòa. Cũng có khi họ sẽ chở về Nha Cảnh sát Đô thành ở đường Trần Hưng Đạo. Nhưng tất cả dự đoán của Nguyễn Tấn Đời đều sai vì chiếc xe bít bùng chạy thẳng vào trụ sở chính của Ngân hàng Tín Nghĩa.

Xuống xe, Nguyễn Tấn Đời đã thấy cảnh sát đứng gác dày đặc từ ngoài đường vào trong. Họ “biệt giam” ông trong văn phòng và không cho ai tiếp xúc. Ngồi một lúc lâu, tâm trí đang phân vân chưa biết cảnh sát sẽ làm gì, Nguyễn Tấn Đời nghe tiếng mở cửa văn phòng.

Một cảnh sát mặc sắc phục mở cửa và một viên sĩ quan cao cấp bước vào. Nguyễn Tấn Đời thoáng chút bất ngờ: Kẻ vừa bước vào là Trang Sỹ Tấn – Giám đốc Cảnh sát Đô thành Sài Gòn – Gia Định, một thủ hạ thân tín và đắc lực của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Nguyễn Tấn Đời biết mình đang chuẩn bị đối mặt với cuộc thẩm vấn của tay hỏi cung hạng nhất Sài Gòn.

(Theo CAND)