Giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa các DTTS
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là việc tăng cường dạy và học tiếng dân tộc thiểu số (TDT) trong trường học. Ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước, Hiến pháp 1946 đã quy định việc học TDT là một quyền của người dân tộc thiểu số (DTTS): “Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình” (Điều thứ 15).
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đó, Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản dưới luật quy định cụ thể và chi tiết về việc dạy và học TDT. Nhờ vậy, một số DTTS có tiếng nói, chữ viết đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông, mang lại hiệu quả giáo dục to lớn đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa các DTTS.
Quá trình thực hiện dạy tiếng DTTS trong trường phổ thông:
Dạy học TDT trong trường phổ thông ở Miền Bắc được thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX, bắt đầu là các tiếng Hmông (Mèo), Tày-Nùng, Thái và đã có những thời kỳ được đẩy mạnh thành phong trào phát triển rầm rộ và đã thu được những kết quả to lớn cả trong giáo dục phổ thông và xoá mù chữ ở vùng DTTS. Từ đó đến nay, nhiều địa phương vẫn luôn duy trì việc dạy TDT, đã có hàng vạn người DTTS mỗi năm được hưởng quyền lợi học tập từ chính sách này.
Ở Miền Nam, sau ngày giải phóng (năm 1975), một số TDT có chữ viết truyền thống đã sớm được đưa vào dạy trong trường phổ thông. Đặc biệt là tiếng Chăm, Khmer đã được triển khai dạy thực nghiệm ngay từ năm học 1977 - 1978. Tiếp đó, vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, một số tiếng DTTS ở Tây Nguyên đã có chữ viết và có dân số đông như Êđê, Bahnar, Jrai cũng được được đưa vào dạy thực nghiệm trong trường phổ thông. Việc đưa các TDT này vào dạy được chuẩn bị chu đáo cả về chương trình, tài liệu đến đội ngũ giáo viên… do đó chất lượng dạy và học ngày càng được khẳng định, quy mô tăng liên tục sau từng thời kỳ đã góp phần quan trọng vào việc phát triển giáo dục cho các vùng này.
Trên cơ sở các kết quả dạy thực nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng với các địa phương để xây dựng và ban hành một số chương trình và bộ sách giáo khoa TDT. Từ năm 2008 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành được 08 chương trình TDT (Chăm, Khmer, Jrai, Bahnar, Êđê, Hmông, M’Nông, Thái) và 06 bộ sách giáo khoa TDT (Chăm, Khmer, Jrai, Bahnar, Hmông, Êđê). Bên cạnh đó, vẫn còn một số TDT đang được dạy thực nghiệm, những địa phương có nhu cầu dạy TDT tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu ban hành chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới.
Từ những cố gắng, nỗ lực trên, có thể khẳng định kết quả dạy TDT đã đạt được những thành tích và hiệu quả to lớn.
Trước tiên, phải kể đến là số lượng các tỉnh, thành phố thực hiện dạy TDT liên tục tăng trong những năm qua, tính đến nay đã có 23 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học TDT trong trường phổ thông như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bình Phước, Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, TP. HCM.
Thứ hai, quy mô trường lớp thực hiện dạy học TDT không ngừng được mở rộng. Chỉ riêng năm học 2015 - 2016, cả nước đã có 682 trường, 5.272 lớp, 121.231 học sinh học TDT.
Thứ ba, chất lượng dạy và học TDT ngày càng được đảm bảo và nâng cao, đáp ứng mục tiêu giáo dục và yêu cầu góp phần giữ gìn và phát huy tiếng nói của các DTTS. Dạy học TDT đã và đang góp phần to lớn vào việc huy động học sinh ra lớp, giảm bỏ học và nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Những thành công và khó khăn thách thức:
Nhìn lại sau nửa thế kỷ thực hiện việc dạy và học TDT trong trường phổ thông có thể đánh giá được những thành công cũng như khó khăn thách thức của nhiệm vụ dạy học TDT.
Trong đó, thành công lớn nhất là đã triển khai hiệu quả chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề dân tộc nói chung và ngôn ngữ dân tộc nói riêng. So với nhiều quốc gia trên thế giới, việc quan tâm đến ngôn ngữ dân tộc thể hiện qua hệ thống chính sách hoàn thiện về dạy học TDT như Việt Nam là không nhiều. Đó là chưa kể Việt Nam đã đi sớm hơn so với nhiều quốc gia khác (kể cả một số nước phát triển) về chính sách ngôn ngữ dân tộc và dạy học TDT.
Dạy học TDT đã đem lại lợi ích to lớn về giáo dục cho người DTTS. Dạy TDT là dạy ngôn ngữ, dạy văn hoá, dạy tri thức bản địa và các tri thức nhân loại cho học sinh, giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Hơn thế, dạy TDT đã góp phần khích lệ, động viên học sinh, huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh. Dạy TDT là một giải pháp thiết thực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong cuộc sống.
Có được những kết quả trên là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với địa phương từng bước xây dựng các điều kiện đảm bảo để đưa việc tổ chức dạy và học TDT ngày càng chặt chẽ, khoa học. Trước hết, phải kể đến vai trò tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với Chính phủ trong việc ban hành các chính sách về dạy và học TDT, như: Quyết định số 53/CP ngày 22/2/1980 của Hội đồng Bộ trưởng về chủ trương đối với chữ viết của các DTTS; Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 03 tháng 11 năm 2011 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quyết định và thông tư ban hành các mã ngành đào tạo giáo viên dạy TDT, ban hành các chương trình TDT trong trường phổ thông, ban hành các chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy TDT.
Nhờ hệ thống các văn bản pháp quy được ban hành đồng bộ và sự chỉ đạo sâu sát, tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà việc dạy học TDT được mở rộng và chất lượng ngày càng được nâng cao.
Việc dạy học tiếng dân tộc vẫn còn gặp nhiều khó khăn
Nhìn chung nhiều DTTS có tiếng nói nhưng chưa có chữ viết nên không thể đưa vào dạy trong nhà trường. Theo các thông tin mới nhất thì hiện nay nước ta có 27/53 tiếng dân tộc thiểu số có chữ viết. Trong đó có một số dân tộc có chữ viết truyền thống (Chăm, Khmer...) còn lại là chữ viết mới được xây dựng trên nền ký tự La tinh. Số những bộ chữ mới được xây dựng cũng chỉ có một số ít bộ chữ được các cấp chính quyền công nhận như Tày-Nùng, Mông, Thái, Ê đê, Jrai, Bahnar, M’Nông, Xơ Đăng, những tiếng còn lại không có chữ viết thì rất khó để đưa vào chương trình giảng dạy trong trường học.
Đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc hiện đang còn thiếu. Việc đào tạo giáo viên dạy TDT mới chỉ được thực hiện ở một số cơ sở đào tạo sư phạm như Đại học Trà Vinh, Đại học Tây Nguyên, Đại học Quy Nhơn, Đại học Tây Bắc, Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng,... mà số lượng sinh viên, học viên theo học không nhiều. Phần lớn giáo viên đang giảng dạy TDT chưa được đào tạo chính quy mà chỉ được bồi dưỡng qua các chương trình tập huấn hay tự bồi dưỡng. Vì vậy hầu hết giáo viên dạy TDT chưa đạt chuẩn đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.
Việc tìm kiếm đội ngũ tri thức địa phương để tham gia vào việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa TDT gặp rất nhiều khó khăn phần lớn họ không có đủ năng lực thực hiện, đi kèm với đó là sự thiếu thốn các tài liệu công cụ về TDT (từ điển, sách ngữ pháp,...), tài liệu ngữ dụng (sưu tầm văn học dân gian, sáng tác văn học mới,...)
Hỗ trợ phụ cấp cho giáo viên và sách giáo khoa cho học sinh
Để giải quyết các vấn đề trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả việc dạy và học TDT. Trước tiên, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ xác định dạy học TDT là một môn học tự chọn nằm trong khung chương trình giáo dục chung.
Cùng với đó, ngành giáo dục đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa của một số TDT có chữ viết để tăng số lượng các TDT được đưa vào giảng dạy trong trường học, đồng thời tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo việc dạy và học TDT đảm bảo yêu cầu chất lượng chung của ngành. Đây chính là một trong cac nhiệm vụ nặng nề mà ngành giáo dục đang nỗ lực thực hiện để đảm bảo quyền bình đẳng trong học tập của người dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, từ 7/1/2022, Thông tư 32/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được áp dụng.
Theo đó, việc học tiếng dân tộc thiểu số được tổ chức theo lớp học quy định tại Điều lệ Trường tiểu học, Điều lệ Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Đối với mỗi tiếng dân tộc thiểu số, nếu tất cả người học trong lớp có nguyện vọng học thì tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số theo lớp học đó; trường hợp trong lớp học chỉ có một số người có nguyện vọng học thì tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số riêng và có thể ghép chung với lớp khác nếu chưa đủ sĩ số. Số lượng người học tối thiểu của một lớp là 10 người.
Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được đào tạo ngành, chuyên ngành sư phạm về tiếng dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên chuẩn bị đầy đủ các điều kiện mở ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, người dạy đảm bảo số giờ dạy theo định mức, trong đó có số tiết dạy tiếng dân tộc thiểu số từ 4 tiết/tuần trở lên đối với giáo viên; từ 2 tiết/tuần dạy tiếng dân tộc thiểu số trở lên đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương cơ sở ngoài chế độ phụ cấp khác theo quy định.
Không áp dụng chế độ phụ cấp này đối với giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương đã được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối với người học là người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục được nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc học tiếng dân tộc thiểu số.
Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số
Để gỡ khó và khuyến khích dạy tiếng dân tộc thiểu số, từ ngày 3/6, Thông tư 09/2023/TT-BGDĐT quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cũng có hiệu lực thi hành.
Theo đó, điều kiện đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số được quy định như sau:
Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên phải đáp ứng các điều kiện: Đội ngũ giảng viên có trình độ đại học trở lên thuộc nhóm ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam đồng thời có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với chương trình dự kiến tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; Chương trình chi tiết và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng theo Chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Cơ sở vật chất, thư viện, phòng học, phòng chức năng, phòng thực hành và các thiết bị khác đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; Có đề án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.
Đối với trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phải đáp ứng các điều kiện: Đội ngũ giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên; có chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số hoặc có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với chương trình dự kiến bồi dưỡng; Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng được xây dựng theo Chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được cơ quan có thẩm quyền ban hành; Cơ sở vật chất, thiết bị, phòng học đáp ứng yêu cầu chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; Có đề án tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.
Việc tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số phải thực hiện theo các chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, giáo viên; giáo trình, tài liệu, sách giáo khoa được lựa chọn hoặc biên soạn theo yêu cầu về thời lượng và cấu trúc kiến thức quy định trong từng chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số.
Việc tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số được thực hiện linh hoạt, tăng cường khả năng thực hành giao tiếp của người học, đáp ứng được nhu cầu giao tiếp, làm việc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của mỗi vùng, miền; đảm bảo tính khoa học, nghiệp vụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.)
Có 2 loại chứng chỉ: Chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho các học viên hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số và Chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.