Hiện số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước, chưa đủ hệ thống phát triển thành cộng đồng và hệ sinh thái.
Chia sẻ tại tọa đàm “Các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp vừa mới được tổ chức, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam nhận định, khởi nghiệp đã khó nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó hơn.
Bởi theo ông Môn, đây là lĩnh vực đầy rủi ro cần đầu tư lâu dài. Nông dân muốn khởi nghiệp phải được hỗ trợ đầy đủ 5 yếu tố về đất đai, vốn, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ cao, cơ sở hạ tầng đi kèm.
Ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp là yếu tố cần thiết |
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết, khởi nghiệp trong nông nghiệp đang dần trở thành một xu hướng mới tại Việt Nam. Ngày càng nhiều các công ty đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam.
Song, hiện số lượng các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước, chưa đủ hệ thống phát triển thành cộng đồng và hệ sinh thái. Sản xuất nông nghiệp đa phần là quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở hạ tầng, canh tác, dịch vụ còn nhiều yếu kém.
Các doanh nghiệp mới chỉ chú ý đến sản xuất và chế biến thô mà chưa chú trọng về sản xuất tinh cũng như các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ vào trong việc canh tác,...
Ví như chỉ với trái thanh long, Việt Nam xuất khẩu chỉ 400 USD/tấn. Nhưng khi qua Trung Quốc, sau khi được chiếu xạ, khử trùng, xuất sang nước khác lại có giá trị 3.500 USD/tấn loại 1, loại 2 là 2.500 USD, loại 3 là 1.500 USD và loại 4 họ để dùng trong nước. Toàn bộ giá trị gia tăng đều bị thương lái Trung Quốc hưởng hết. Trong khi người nông dân chúng ta chịu rất nhiều rủi ro mới sản xuất ra được sản phẩm.
Trang trại nuôi vịt giời ở Bắc Ninh nhận được sự đánh giá cao |
Ông Tùng cho rằng, để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. Cụ thể, nông dân, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp cần được tiếp cận với thị trường trong khu vực và quốc tế. Do vậy, họ cần được tạo điều kiện ưu tiên tham gia thị trường mua sắm công; tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm.
Trong khi đó, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, khi khởi nghiệp, người nông dân thứ nhất đang trông chờ vào vốn, thứ hai phải được hiểu thị trường, thứ ba phải hiểu pháp luật, là quy trình sản xuất, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm,...
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng cho rằng, tinh thần “chiến binh” trong khởi nghiệp không chỉ thể hiện ở việc sẵn sàng “xung phong” vào “trận chiến” kinh tế mà còn phải biết lựa chọn các sản phẩm đẳng cấp để phát triển. Khởi nghiệp khác với lập nghiệp thông thường. Khởi nghiệp gắn liền với ý tưởng kinh doanh, tinh thần đổi mới sáng tạo .
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, các quy hoạch nông nghiệp sau nhiều lần hiệu chuẩn đã thay đổi theo cơ chế thị trường, cũng đã đi vào một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực để đi vào đầu tư. Nhưng phải làm sao kéo được các doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt các chuỗi giá trị với các sản phẩm lớn mang giá trị tỷ đô như cây tiêu, cây cà phê.
B.Hân