Đây là thông tin được ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Quản lý Dược chia sẻ tại lễ công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành dược ngày 13/8.

Ông Cường cho biết, thị trường dược của Việt Nam hiện có quy mô 5,2 tỉ USD, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

Hệ thống dược Việt Nam đang quản lý trên 61.000 cơ sở kinh doanh thuốc, 1.400 bệnh viện, mỗi năm cấp phép thêm 3.600 số đăng ký thuốc. Tuy nhiên do hệ thống phân phối còn nhiều khâu trung gian nên khó truy xuất nguồn gốc thuốc, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn còn, trong khi đó các nhà thuốc không liên thông, không có cơ sở dữ liệu dược chung nên người dân không thể tra cứu được thông tin thuốc cũng như giá cả.

{keywords}

Lãnh đạo Bộ Y tế ấn nút khởi động kế hoạch chuyển đổi số ngành dược trong 10 năm tới

 

Trước nhiều hạn chế, từ năm 2018, theo chủ trương của Chính phủ, Cục Quản lý Dược bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành dược trên cả 5 lĩnh vực: Dịch vụ công trực tuyến, quản lý thuốc, quản lý cơ sở cung ứng thuốc, quản lý chứng chỉ hành nghề.

Trong 2 năm qua, Cục đã đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược, liên thông toàn bộ 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc trên cả nước (đến nay đạt 60%), quản lý hơn 7 triệu đơn thuốc và gần 27 triệu hoá đơn bán hàng. Đây là công cụ giúp cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ các đơn thuốc, tránh tình trạng bán thuốc không kê đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh.

Vào tháng 8/2019, Bộ Y tế tiếp tục ra mắt ngân hàng dữ liệu ngành Dược- Drugbank.vn, trở thành một trong số ít những cơ quan quản lý cấp quốc gia xây dựng hệ thống dữ liệu về thuốc và cung cấp công cụ tra cứu cho cộng đồng.

Drugbank ngoài việc giúp cơ quan quản lý dễ dàng theo dõi hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng phân phối, lưu hành các loại thuốc còn giúp người dân cập nhật kiến thức sử dụng thuốc an toàn, tra cứu thông tin chính xác về nguồn gốc của thuốc, tra cứu giá thuốc, tra cứu hệ thống nhà thuốc đạt chuẩn GPP.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, tới thời điểm này, toàn bộ mã định danh cho từng loại thuốc cũng đã hoàn thiện trên hệ thống phần mềm và trở thành khối dữ liệu cơ chung cho toàn ngành y tế trong quá trình chuyển đổi số.

Hiện có 23.500 thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực và trong đó có 100% là thuốc kê đơn đã được cấp mã định danh.

Về vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề, ông Cường cho biết đến nay ngành đã có phần mềm quản lý toàn bộ hơn 115.000 chứng chỉ hành nghề dược trên toàn quốc, tránh tình trạng trùng lắp.

Theo kế hoạch chuyển đổi số ngành dược giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, Cục hướng tới mục tiêu đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ công trực tuyến.

Cục Quản lý Dược cũng hướng tới mục tiêu số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật lên Ngân hàng dữ liệu ngành dược; đảm bảo 100% hồ sơ  công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật)...

Thúy Hạnh

Vì sao Việt Nam có nhiều ca Covid-19 tử vong giai đoạn mới?

Vì sao Việt Nam có nhiều ca Covid-19 tử vong giai đoạn mới?

20 trường hợp mắc Covid-19 tại Việt Nam tử vong có nhiều điểm khác biệt với bệnh nhân 91 – phi công người Anh.