Xem nhanh:
  • • Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
  • • Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm như thế nào?
  • • Bệnh đậu mùa ở khỉ lây truyền như thế nào?
  • • Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là gì?
  • • Có vắc xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?
  • • Bệnh nhân nên làm gì khi mắc bệnh đậu mùa khỉ?
  • • Bệnh đậu mùa khỉ có thể được điều trị như thế nào?
  • • Có phải bệnh đậu mùa khỉ chỉ ảnh hưởng đến những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới?

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Virus đậu mùa khỉ lần đầu tiên được xác định ở khỉ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng virus thực sự chủ yếu được tìm thấy ở các loài gặm nhấm (ví dụ như sóc và chuột). Virus đậu mùa khỉ có thể lây truyền sang người qua vết cắn, dịch cơ thể và đường tiêu hóa.

Các virus này đôi khi gây ra những thay đổi trên da từ phát ban thành nốt sần, mụn nước đến mụn mủ và vết thương đóng vảy, gây đau đớn dữ dội. Chúng thường tự lành nhưng có thể để lại sẹo.

Virus đậu mùa khỉ cũng lây truyền từ người này sang người khác, chủ yếu qua tiếp xúc da kề da gần và kéo dài, đặc biệt khi tiếp xúc với vùng da tổn thương (phát ban, mụn nước, mụn mủ, vết thương, vảy tiết).

Trong đợt bùng phát hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu thông qua quan hệ tình dục đồng giới nam. Các điểm xâm nhập chính vào cơ thể là các niêm mạc liên quan đến quan hệ tình dục như vùng hậu môn, dương vật, khoang miệng.

Nhân viên y tế TP.HCM tiếp xúc, chăm sóc người bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Chí Hùng.

Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm như thế nào?

Mặc dù bệnh thường tự khỏi nhưng có thể gây đau đớn vô cùng, đặc biệt nếu tổn thương da xảy ra ở vùng hậu môn hoặc bộ phận sinh dục. Cơn đau có thể nghiêm trọng đến mức chỉ có thể điều trị tại bệnh viện. Bội nhiễm vi khuẩn cũng có thể xảy ra khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm như thế nào đối với người nhiễm HIV?

Các nghiên cứu cho thấy những người dương tính với HIV và được điều trị với liệu pháp hiệu quả cùng với tình trạng miễn dịch tốt dường như không có nhiều nguy cơ hơn những người bình thường.

Những người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng có thể có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn thiếu dữ liệu đáng tin cậy về điều này.

Những bệnh nhân nhiễm HIV và có hệ thống miễn dịch yếu hơn hoặc bị suy yếu (100 đến 750 tế bào trợ giúp trên mỗi microlit huyết tương) có thể được tiêm phòng đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả tiêm chủng đối với nhóm bệnh nhân này có thể ít rõ rệt hơn.

Bệnh đậu mùa ở khỉ lây truyền như thế nào?

Con đường lây truyền chính của virus đậu mùa khỉ là tiếp xúc da kề da gần và kéo dài (ví dụ khi ôm ấp hoặc quan hệ tình dục), đặc biệt là tiếp xúc với vết phát ban, mụn nước, mụn mủ, vết thương hoặc vảy trên da.

Chất lỏng trong mụn nước và từ vết loét phát triển sau khi mụn nước vỡ ra, cũng như vảy hình thành trên chúng, đặc biệt dễ lây lan. Do đó, virus cũng có thể lây truyền qua các đồ vật được sử dụng trong khi quan hệ tình dục (ví dụ đồ chơi tình dục) hoặc qua tiếp xúc với quần áo, khăn trải giường, khăn tắm bị nhiễm virus. 

Trong đợt bùng phát hiện nay, các điểm xâm nhập chính của virus vào cơ thể là các niêm mạc liên quan đến quan hệ tình dục (vùng hậu môn, dương vật, khoang miệng).

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Các triệu chứng có thể xuất hiện sớm nhất là một ngày sau khi nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh thông thường kéo dài trong vòng 5 đến 11 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài đến ba tuần.

Các triệu chứng điển hình bên cạnh những cơn đau dữ dội bao gồm hình thành các đốm, nốt sần và mụn nước đến mụn mủ, vết thương và vảy trên da. Các thay đổi về da thường bắt đầu trên vùng mặt, vùng sinh dục hoặc hậu môn và thường bắt đầu hoặc kèm theo các triệu chứng chung như sốt, nhức đầu, đau cơ hoặc sưng hạch bạch huyết.

Bệnh đậu mùa khỉ thường tự lành sau hai đến bốn tuần, nhưng có thể để lại sẹo.

Có vắc xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Ở châu Âu, vắc xin đậu mùa Imvanex (Jynneos ở Mỹ) được chấp thuận cho những người trên 18 tuổi. Theo khuyến nghị của Ủy ban tiêm chủng Đức (STIKO), vắn xin Imvanex cũng có thể được sử dụng để bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Vắn xin Imvanex thường được dung nạp tốt. Tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân có các phản ứng khi tiêm chủng như đau, sưng và ngứa tại chỗ tiêm, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi và buồn nôn. Tuy nhiên các triệu chúng này thường giảm dần sau một vài ngày.

Bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi bệnh đậu mùa khỉ bằng cách nào khác?

Ngoài tiêm chủng, các biện pháp quan trọng nhất để giảm nguy cơ lây truyền là:

- Chú ý đến những thay đổi trên da của bạn và những người khác và tránh tiếp xúc da và niêm mạc với bệnh nhân.

- Không dùng chung đồ vật trong khi quan hệ tình dục.

- Bao cao su có tác dụng làm giảm nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ tình dục.

- Virus đậu mùa khỉ có thể tồn tại ở bên ngoài cơ thể trong một thời gian dài. Do đó nên tránh tiếp xúc với quần áo, đồ vật của bệnh nhân đã nhiễm đậu mùa khỉ.

Bệnh nhân nên làm gì khi mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, bạn nên cách ly bản thân cho đến khi tất cả các vảy đã lành và da mới hình thành - ít nhất là 21 ngày.

Điều quan trọng cần làm là phải thông báo cho những người mà bạn đã tiếp xúc cơ thể kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng để họ đi khám và tránh lan truyền bệnh sang những người khác.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể được điều trị như thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ thường tự lành. Nếu cần, các triệu chứng ví dụ như sốt và đau có thể được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau và hạ sốt. Nếu bệnh nhân có những cơn đau nghiêm trọng sẽ được điều trị y tế tại bệnh viện. Điều quan trọng là phải ngăn ngừa bội nhiễm do vi khuẩn tại những vị trí da đã bị tổn thương vì đậu mùa khỉ.

Trong trường hợp các bệnh nhân gặp diễn tiến nặng, thuốc chống virus Tecovirimat sẽ được các bác sĩ cân nhắc sử dụng.

Có phải bệnh đậu mùa khỉ chỉ ảnh hưởng đến những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đây không phải là một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Không chỉ khi quan hệ tình dục, các tiếp xúc da kề da khác cũng dẫn tới lây truyền bệnh. Tuy nhiên, các bệnh nhân hiên nay hầu hết liên quan đến những nam giới có quan hệ tình dục thường xuyên với nhiều đối tượng đồng giới khác nhau.

TS.DS Tạ Thanh Sơn (Viện Công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg, Đức)