Việt Nam có 15,5 triệu người dùng xem các nội dung vi phạm
Ông Neil Gane, chuyên gia tư vấn Liên minh giải trí và sáng tạo ACE Châu Á Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia, Philippines) về số lượng người dùng vi phạm bản quyền video trực tuyến. Nhưng nếu tính theo bình quân đầu người thì Việt Nam lại đứng đầu về truy cập và chia sẻ nội dung vi phạm bản quyền.
Tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Theo ông Neil Gane, năm 2022 Việt Nam có tới 15,5 triệu người dùng xem các nội dung lậu và điều này làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm khoảng 18% doanh thu của toàn ngành. Ông cảnh báo, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu nếu không nỗ lực kiểm soát.
Ông Neil Gane, chuyên gia tư vấn Liên minh giải trí và sáng tạo ACE Châu Á Thái Bình Dương |
“Tại Việt Nam, chỉ có khoảng 4% người dùng đăng ký xem các nội dung hợp pháp. Con số này thấp hơn nhiều so với những quốc gia phát triển và cả trong khu vực như Thái Lan, Singapore….”, ông Neil Gane nói.
Theo chia sẻ từ các cơ quan hữu trách, bằng nhiều biện pháp, các cơ quan chức năng đã chặn khoảng 500 website vi phạm bản quyền. Song thực tế còn nhiều khó khăn khi các hoạt động vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục. Các chuyên gia nhận định, với những trang web và dịch vụ vi phạm bản quyền (chẳng hạn như Phimmoi), được vận hành từ bên ngoài quốc gia, Việt Nam đang trở thành tâm điểm quốc tế của vi phạm bản quyền số.
Rút ngắn thời gian xử lý vi phạm
Tại hội thảo, các chuyên gia đề cập đến nhiều giải pháp ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trực tuyến.
Ông Neil Gane cho rằng, mấu chốt của chống vi phạm bản quyền trên mạng đó là giảm cung các nội dung bất hợp pháp và giảm cầu nội dung vi phạm qua việc thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn. “Chúng ta phải làm đứt gãy việc truyền tải nội dung vi phạm, có biện pháp chặn các trang web hiệu quả và sự tham gia của các bên trung gian trong hệ sinh thái chống vi phạm bản quyền đảm bảo sự hiệu quả”, ông nói.
Các chuyên gia thảo luận về việc ngăn chặn những nội dung vi phạm bản quyền. |
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Celine Boyer, Trưởng phòng an ninh mạng, Tập đoàn Canal+ cho biết, tại Pháp, đơn vị này chặn tất cả các trang web lậu có thể truy cập được từ Pháp, bất kể nguồn phát là ở Pháp hay các nước khác. Việc cho phép chặn các trang web từ nước ngoài có lượng truy cập lớn có thể đem lại những tác động mạnh mẽ tới tình trạng vi phạm bản quyền.
Ngoài ra, bà Celine Boyer cho rằng việc rút ngắn thời gian tiến hành chặn vi phạm là một trong những điều kiện quan trọng nhằm giảm bớt tình trạng vi phạm. Muốn làm được điều này, cơ quan quản lý có thể thiết lập một công cụ nhằm kết nối giữa đơn vị phát sóng/chủ sở hữu quyền để thu thập các trang web phải chặn cùng với những bằng chứng, kết nối với các ISP để việc chặn truy cập có thể được thực thi một cách gần như tự động. Bên cạnh đó, việc chặn các máy chủ phát lậu cũng vô cùng quan trọng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia cho biết đã có giải pháp công nghệ để chủ động ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến hiệu quả, đó là sử dụng Sigma DRM khóa mã các nội dung có bản quyền khi phân phối trên môi trường Internet kết hợp với Finger Print nhằm loại bỏ ngay lập tức các luồng phát lậu trực tiếp.
Dù tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhưng các chuyên gia cho rằng cần tăng cường hơn nữa nhận thức cộng đồng. “Để tăng nhận thức của cộng đồng, ngoài việc chặn tên miền chúng ta có thể chuyển hướng tới một trang web nêu rõ rằng trang web họ đang cố truy cập là web lậu và hướng người dùng tới những dịch vụ hợp pháp”, bà Celine Boyer nói thêm.
Duy Vũ
Chặn hơn 500 website vi phạm bản quyền tại Việt Nam
Theo ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm bản quyền nội dung số Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2022, đơn vị đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chặn trên 500 website vi phạm bản quyền.