Mở đường cho trái phiếu xanh, thêm nguồn tài chính cho DN
Phát triển bền vững là xu hướng phát triển chung của thế giới nhằm hạn chế và loại bỏ các tác động xấu của biến đổi khí hậu đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đến các thế hệ tương lai. Việt Nam là một trong những quốc gia đang đối mặt và sẽ chịu thiệt hại nặng nề do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Nhận thức được những thách thức đó và để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-21), Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó mạnh mẽ, trong đó có phát hành trái phiếu xanh.
Tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia tại châu Âu, Trung Quốc, Bangladesh, Nhật Bản, Ấn Độ, Mông Cổ, Kazahtan, Singapore... Việt Nam cũng đang nỗ lực hợp tác quốc tế để đẩy mạnh loại hình trái phiếu xanh. Thông qua phát hành trái phiếu xanh, nguồn vốn được huy động cho các doanh nghiệp đầu tư xanh, thúc đẩy ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng xanh hóa và hướng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn Phát triển thị trường vốn ASEAN, Sáng kiến Trái phiếu xanh (TPX) cũng đã được đưa ra. Với bộ 3 tiêu chuẩn gồm: Tiêu chuẩn TPX ASEAN (ASEAN GBS), Tiêu chuẩn trái phiếu xã hội ASEAN (ASEAN SBS) và Tiêu chuẩn trái phiếu bền vững ASEAN (ASEAN SUS), sáng kiến này dự kiến sẽ hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của các nước thành viên.
Sáng kiến này khuyến khích các nước thành viên ASEAN gắn nhãn “Tiêu chuẩn ASEAN” để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cân nhắc, xem xét đầu tư vào các sản phẩm TPX, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững ASEAN; qua đó thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn của khu vực tư nhân cho các dự án xanh, bền vững cho môi trường.
Là thành viên của Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF), Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã tích cực tham gia thúc đẩy các Tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh ASEAN (AGBS), Tiêu chuẩn Trái phiếu Xã hội ASEAN (ASBS) và Tiêu chuẩn Trái phiếu Bền vững ASEAN (ASUS), dựa trên các Nguyên tắc Trái phiếu Xanh, Nguyên tắc Trái phiếu Xã hội và Hướng dẫn về Trái phiếu Bền vững của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), nhằm tạo ra một loại tài sản bền vững ở Việt Nam.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phát hành Sổ tay “Hướng dẫn phát hành cho trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” để hướng dẫn các tổ chức phát hành và các thành viên thị trường áp dụng các tiêu chuẩn của trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững giúp huy động các nguồn lực từ thị trường vốn trong nước và quốc tế cho các dự án bền vững và thân thiện với môi trường - xã hội.
Hoàn thiện hướng dẫn cho trái phiếu xanh
Với sự ra đời của Nghị định 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường tài chính đang phát triển ở Việt Nam, trái phiếu xanh doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có mặt và ngày càng phát triển trên thị trường trái phiếu Việt Nam.
Nghị định này được coi là khung pháp lý đầu tiên cho trái phiếu xanh doanh nghiệp tại Việt Nam và cung cấp một công cụ đòn bẩy để khuyến khích đầu tư hơn nữa vào các dự án xanh trong khu vực tư nhân. Nghị định nhằm hỗ trợ cho lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020, trong đó đề ra các cơ chế, chính sách phân phối thị trường trái phiếu xanh nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành huy động vốn để thực hiện các dự án xanh thông qua phát hành trái phiếu.
Nghị định 163 gần đây đã được thay thế bởi Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ hiện quy định thêm về chào bán riêng lẻ và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cũng chính thức công nhận Trái phiếu xanh như một công cụ kinh tế quan trọng đối với bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, về công cụ trái phiếu xanh, cho đến nay Việt Nam vẫn cần có các quy định và hướng dẫn cho việc phát hành và sử dụng trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Theo đại diện Bộ Tài chính, các yếu tố cần nghiên cứu để đưa vào các văn bản cụ thể liên quan đến trái phiếu xanh thời gian tới bao gồm: khái niệm về trái phiếu xanh; danh mục các ngành mà trái phiếu xanh tài trợ; những chủ thể được phép phát hành trái phiếu xanh; thủ tục để xin phát hành trái phiếu xanh; công tác phát hành cũng như các nguyên tắc trong quá trình sử dụng và quản lý nguồn thu từ phát hành trái phiếu xanh; quy định khuyến khích các cơ quan ban ngành có liên quan có biện pháp hỗ trợ sự phát triển của trái phiếu xanh; các tiêu chuẩn của riêng Việt Nam trong việc xác định trái phiếu xanh, dự án xanh cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý nguồn vốn hình thành từ trái phiếu xanh…
Tại hội thảo Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp vào tháng 10/2022, Tổng giám đốc FiinRatings Nguyễn Quang Thuân cho rằng: Với Quy hoạch điện VIII, dự kiến cần khoảng 100 tỷ USD cho 10 năm tới để phát triển năng lượng tái tạo, mà hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng, buộc phải huy động trái phiếu xanh quốc tế. Tương tự, ngành nước cần tới 6 tỷ USD, và không thể chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng. Chúng ta không thể không đi theo hướng huy động vốn bằng trái phiếu xanh. Hiện, có nhiều chương trình để huy động vốn trái phiếu xanh quốc tế, như Tiêu chuẩn Trái phiếu khí hậu (CBI), ASEAN… Trong đó, CBI là chứng nhận duy nhất được sử dụng rộng rãi trên 30 quốc gia.
Trên toàn cầu, tính đến ngày 31/12/2021, trái phiếu được chứng nhận đã đạt tới 210 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2025 giá trị trái phiếu xanh được xác nhận mới vào khoảng 5.000 tỷ USD. Việt Nam có thể sẽ đi đầu về phát hành trái phiếu xanh trong ASEAN, giúp phát triển thị trường trái phiếu trong nước và thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ các mục tiêu khí hậu.
Lê Sang, Duy Tuấn, Đàm An