Sáng 12/1/2016, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT đã ký thỏa thuận hợp tác.

Hai bên nhất trí hợp tác trong vòng 5 năm trên các lĩnh vực: Phân tích, đánh giá và lựa chọn dải tần số vô tuyến điện hoạt động cho các vệ tinh quan sát Trái đất. Phối hợp đăng ký tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh cho các hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất. Tính toán, phân tích và đánh giá khả năng can nhiễu của các hệ thống khác lên các hệ thống vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam. Phối hợp, hỗ trợ trong đo đạc, phân tích và đánh giá can nhiễu tại các vị trí đặt trạm mặt đất hiện có và dự kiến trong tương lai của hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất. Trao đổi chuyên gia, tham gia trình bày tại các sự kiện, hội thảo hai Bên tổ chức. Phối hợp xây dựng phương án phối hợp tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh với các hệ thống khác. Phối hợp đào tạo, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phối hợp tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh của các hệ thống vệ tinh trong nước và quốc tế. Phối hợp bảo vệ và khai thác tối ưu nguồn tài nguyên tần số vô tuyến điện/quỹ đạo vệ tinh sẵn có và từng bước xây dựng quy hoạch tần số vô tuyến điện/quỹ đạo vệ tinh cho các hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất của Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, lĩnh vực thông tin vệ tinh đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Năm 2008, vệ tinh viễn thông đầu tiên VINASAT-1 được phóng vào quỹ đạo mở ra kỷ nguyên mới về thông tin và truyền thông, đem lại nhiều lợi ích to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tiếp đó, vệ tinh VINASAT-2 được phóng vào năm 2012, hai vệ tinh viễn thông này đã làm tốt vai trò cung cấp thông tin liên lạc, truyền hình đến mọi miền Tổ quốc, cả các hải đảo và nước ngoài.

Năm 2013, vệ tinh viễn thám đầu tiên VNREDSat-1 do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì được phóng thành công lên quỹ đạo. Đến nay, 3 quả vệ tinh của Việt Nam đã cung cấp đa dạng các dịch vụ, từ viễn thông, truyền hình cho đến dữ liệu ảnh quan sát trái đất.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng nhấn mạnh, để giành được tần số và quỹ đạo vệ tinhcác nước đều phải tiến hành công tác đăng ký và phối hợp tần số quốc tế. Đây là yêu cầu bắt buộc khi triển khai các dự án vệ tinh mới để các hệ thống vệ tinh không bị can nhiễu. Đối với dự án, VNREDSat-1, Việt Nam đã phải tiến hành phối hợp tần số với 16 quốc gia và 2 tổ chức vệ tinh. Đây là quá trình phức tạp và khó khăn, tuy nhiên sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên đã giúp quá trình phối hợp thành công.

Tiếp theo dự án VNREDSat-1, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang triển khai các dự án vệ tinh quan sát trái đất như VNREDSat-2, LOTUSat-1 và 2, các dự án mới này đòi hỏi hai bên phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là trong công tác đăng ký và phối hợp tần số quốc tế.

Giáo sư TSKH Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho hay, theo chiến lược phát triển tới năm 2020, Việt Nam sẽ thực hiện một số dự án vệ tinh trọng điểm quốc gia, trong đó sẽ phóng thêm một số vệ tinh quan sát nhỏ lên quỹ đạo.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, trên quỹ đạo hiện có khoảng 1.100 vệ tinh viễn thám và hơn 100 vệ tinh viễn thông, trong đó Việt Nam có 3 quả vệ tinh. Việc phóng và sử dụng vệ tinh đòi hỏi phải sử dụng một tài nguyên rất khan hiếm đó là tần số vô tuyến điện. Khi đưa vệ tinh lên quỹ đạo, ngoài việc tuân thủ các quy định của quốc gia, còn phải tuân thủ quy định của cơ quan phát triển vũ trụ quốc tế và Liên minh viễn thông thế giới. Theo các thể lệ thông tin vô tuyến thế giới, tần số vệ tinh là phải dùng chung, kết hợp với tần số của các nghiệp vụ khác. Do đó, cơ quan tần số phải nghiên cứu làm sao để có tần số sạch, sử dụng tần số chung để không bị ảnh hưởng hay can nhiễu đến vệ tinh viễn thám.

Từ kinh nghiệm phối hợp, xử lý các khó khăn khi thực hiện phóng thành công VNREDSat-1, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ tiếp tục phối hợp, hợp tác để phát triển, phóng thành công các vệ tinh tiếp theo lên quỹ đạo.