Đây là thông tin được ông Lê Quốc Hữu phụ trách kiến trúc ứng dụng ICT cho E-gov và Smartcity của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chia sẻ tại một diễn đàn về thương mại điện tử vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Theo ông Hữu, dịch vụ 4G mang lại hạ tầng viễn thông mạnh mẽ và mức giá cạnh tranh phục vụ cho các lĩnh vực như chính phủ điện tử, thương mại điện tử hay thành phố thông minh. Ngoài ra, 4G cũng sẽ mang lại nhiều công nghệ mới. Trong đó, một dịch vụ mới được kì vọng có thể sẽ tạo nên một bước đột phá trong xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam chính là giải pháp Mobile connect.
Đây là giải pháp định danh bảo mật vạn năng của Hiệp hội GSMA đưa ra từ năm 2014 kết hợp giữa 3 đối tượng là người sử dụng thuê bao (tablet, smartphone) đến các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến và nhà mạng di động (đóng vai trò là nhà cung cấp định danh giúp xác thực, ủy quyền trực tuyến trên mạng).
Giải pháp này hiện đang được ứng dụng rộng từ lĩnh vực chính phủ điện tử, thương mại điện tử đến ngân hàng điện tử,…ở nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê, đến 7/2016 đã có 42 nhà mạng ở 22 quốc gia đã triển khai dịch vụ này và tạo ra khả năng tiếp cận dịch vụ cho 3 tỷ thuê bao. Còn trong khu vực, chỉ có Lào, Campuchia và Việt Nam là chưa bắt đầu dịch vụ này.
Dịch vụ Mobile connect này được cung cấp 4 nhóm dịch vụ chính gồm: dịch vụ xác thực người dùng, dịch vụ ủy quyền cấp quyền để thực hiện giao dịch, dịch vụ cung cấp thông tin thuộc tính cá nhân của người dùng với sự đồng ý của người dùng cho các nhà cung cấp dịch vụ; dịch vụ kiểm tra và xác định danh tính của người dùng.
Theo ông Hữu, ưu điểm của giải pháp này là không cần phải dùng mật khẩu hay tài khoản mà có thể dùng chính điện thoại để làm việc xác thực. Giải pháp này dùng các kênh bảo mật của nhà mạng như SMS, USSD, OTA để làm một kênh xác thực độc lập với Internet của ứng dụng.
Các đặc trưng của Mobile connect này là tính bảo mật cao (cung cấp việc xác thực đa yếu tố, dùng giao thức bảo mật mới nhất hiện nay là Open ID connect) và thuận tiện vì người dùng sẽ không cần dùng mật khẩu. Người dùng chỉ cần ấn vào nút "Ok" hoặc nhập mã pin là có thể đảm bảo đc bảo mật mức 3, 4. Giao thức này cũng có thể khắc phục được các lỗ hổng bảo mật của các giao thức khác. Quan trọng hơn, nó tôn trọng quyền bảo mật riêng tư thông tin cá nhân.
Giải pháp này cũng đảm bảo việc bảo mật thông tin cá nhân, khi chia sẻ thông tin cá nhân khi có sự đồng ý tường minh của người dùng trên điện thoại di động và đồng thời nó cũng có khả năng bao phủ rộng, không chỉ có ở Việt Nam mà giúp chúng ta tiếp cận tới cả 3 tỷ thuê bao của hơn 800 nhà mạng trên thế giới.
Ông Lê Quốc Hữu cũng nhấn mạnh, các website chúng ta dùng hiện nay chỉ cần sử dụng mật khẩu nên có nguy cơ bảo mật lớn vì mật khẩu dễ bị lộ. Trong khi đó, việc đảm bảo thông tin cá nhân được người dùng hiện nay quan tâm.
Cũng theo đại diện Viettel, hiện đơn vị này đang xây dựng đề án thí điểm xác thực điện tử trên nền di động để trình Chính phủ trong quý II. Sau đó sẽ sớm thử nghiệm công nghệ xác thực trên nền di động này.