Chuyến đi của Thủ tướng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới đúng thời điểm, thực chất, các thông điệp được chuyển tải đủ mạnh tới được với tất cả các đối tác cần thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 47 tại Davos (Thụy Sỹ). Đây là lần đầu tiên sau 7 năm Việt Nam có Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF.
Nhân dịp này, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Việt Thái, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao.
Thưa ông Trần Việt Thái, ông đánh giá như thế nào về các kết quả mà Việt Nam đạt được từ Hội nghị WEF Davos năm 2017?
Đoàn tham dự Hội nghị WEF Davos năm nay đạt kết quả rất cụ thể và thực chất. Chủ đề của hội nghị năm nay là “Lãnh đạo trách nhiệm và hành động” đã phản ánh yêu cầu các nhà lãnh đạo và chính phủ các nước cần hành động có trách nhiệm trước người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới cũng như yêu cầu đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên thế giới. Thông điệp này rất phù hợp với định hướng của Chính phủ khóa này, rất gần với chủ trương xây dựng chính phủ liêm chính và hành động mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã và đang quyết liệt hướng tới.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng dẫn đầu đã có nhiều hoạt tích cực. Năm nay, so với các năm trước và các đoàn khác, đoàn Việt Nam năm nay rất tích cực, với rất nhiều hoạt động song phương, đa phương.
|
Thủ tướng gặp các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ảnh: VGP |
Trong đầu tôi đang hình dung về chuyến đi vừa rồi của Thủ tướng trong một bối cảnh thế giới đang có vô vàn chuyển động, ví dụ như chuyện chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, chủ nghĩa dân túy tác động rất mạnh tới tình hình kinh tế thế giới, rồi chuyện nước Anh ly khai khỏi EU, nước Mỹ vừa bầu Tổng thống mới. Liệu những chuyển động này có tác động gì không?
Đoàn Việt Nam đi vào thời điểm này sẽ phục vụ rất tốt cho việc nhận định tình hình và định hướng chính sách. Những cuộc trao đổi giữa Thủ tướng và các thành viên trong đoàn cùng các nhân vật hàng đầu thế giới về chính trị, về kinh tế sẽ góp phần định hình rõ về đường lối chính sách và định hướng phát triển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thông điệp của Thủ tướng được chuyển tải rất rõ ràng: Việt Nam quyết tâm khẳng định cải cách trong nước. Về môi trường đầu tư là sẽ phấn đấu bằng ASEAN 4, về Chính phủ là sẽ xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, công bằng mở với thế giới.
Những chỉ dấu đó minh chứng rằng chuyến đi này là đúng thời điểm, thực chất, các thông điệp được chuyển tải đủ mạnh tới được với tất cả các đối tác cần thiết. Điều này sẽ tạo đà không chỉ cho quan hệ chính trị đối ngoại mà cả chính trị kinh tế đối ngoại, nhất là khi Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị APEC 2017.
Ông có biết lâu nay Chính phủ coi trọng Diễn đàn Davos như thế nào?
Davos là một diễn đàn thường niên về kinh tế. Mọi năm Việt Nam thường dự ở hai cấp: Cấp thủ tướng và cấp Phó thủ tướng. Chúng ta luôn coi Davos là một diễn đàn quan trọng nhưng không có ý nghĩa sống còn, việc tham gia thế nào thường tùy vào từng năm, có năm thủ tướng dự, có năm phó thủ tướng dự.
Năm nay hoạt động của đoàn Việt Nam từ cấp tham dự cho tới các thành phần của đoàn cho thấy năm nay Việt Nam rất coi trọng diễn đàn này.
Trong các cuộc tiếp xúc song/đa phương vừa rồi của đoàn Việt Nam, có những cuộc tiếp xúc nào đặc biệt quan trọng?
Đoàn Việt Nam năm nay có 3 nhóm hoạt động. Thứ nhất là các hoạt động đa phương. Thứ hai là các cuộc gặp với lãnh đạo các nước. Nhóm thứ 3 là các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nhìn vào 3 nhóm này, nhóm nào cũng đặc biệt quan trọng.
Ở nhóm thứ nhất, năm phiên chính trong tổng số 400 phiên mà đoàn Việt Nam dự đều là những phiên quan trọng và sát sườn với ta. Ví dụ phiên về tình hình kinh tế thế giới, phiên về cộng đồng ASEAN. Sự tham dự của Thủ tướng tại các phiên này nhằm khẳng định trách nhiệm cộng đồng, ý thức, vị thế đa phương của Việt Nam nhất là với khối ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gặp rất nhiều tập đoàn lớn trong top 500. Theo tôi được biết Việt Nam đã gặp khoảng 40 cuộc gặp với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Facebook, Standard & Charter, Alibaba… đều là các tỷ phú hàng đầu thế giới và là những doanh nghiệp thế hệ mới trong các lĩnh vực tiến tiến. Các cuộc gặp trong nhóm này đã truyền thông điệp Việt Nam mở cửa mời gọi các nhà đầu tư vào hợp tác làm ăn.
Tại các cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo chính trị, Thủ tướng đã truyền đi thông điệp Việt Nam muốn làm bạn, đối tác, cùng nhau góp phần duy trì hòa bình, ổn định. Các cuộc gặp này của Thủ tướng cũng chứng tỏ chúng ta đã và đang thực hiện chính sách đối ngoại cởi mở và cải cách trong nước như thế nào.
Nhìn lại tổng thể, chuyến đi vừa rồi của Thủ tướng đã truyền được thông điệp, tạo được dấu ấn tốt với bạn bè thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Ảnh: TTXVN |
Những thông điệp chúng ta mang tới WEF lần này có gì khác so với những lần trước?
Theo tôi có ba điểm khác.
Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, chúng ta đã khẳng định Việt Nam ổn định, tiếp tục đổi mới, sẵn sàng mở cửa, hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế. Những thông điệp mà Thủ tướng và đoàn Việt Nam mang tới WEF lần này là những cam kết cho 4 năm tới. Điều đó thể hiện cách chúng ta hướng về tương lai, chứ không tập trung khẳng định thành tích của quá khứ. Như vậy so với các lần tham dự trước, lần tham dự này khác ở bối cảnh, khác ở đối tượng, khác ở thông điệp, khác ở cách thức chuyển tải thông điệp.
Thứ hai, chuyến đi này, chúng ta đã chuyển thông điệp đa dạng hơn. Cụ thể chúng ta nhắm tới cả nhóm doanh nghiệp, nhóm chính khách, và cả các hoạt động trong khuôn khổ đa phương.
Năm nào cũng có các cuộc gặp song phương. Lần này tại các hoạt động song phương đều được lồng các thông điệp đa phương và ngược lại.
Ví dụ trong phiên về cộng đồng ASEAN, thông điệp của Thủ tướng không chỉ nói riêng với các đại biểu tham dự Diễn đàn Davos mà còn chuyển tới các nước ASEAN rằng Việt Nam tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực.
Thứ 3 là hiệu ứng của thông điệp. Điều này đã được dự báo sẽ có tác động tích cực cho phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới.
Diễn đàn Davos năm nay có điểm nhấn nào đáng chú ý?
So với mọi năm, năm nay diễn đàn nhấn mạnh vào quản trị và lãnh đạo, nói đúng hơn là hành động. Mấy năm trước Davos bị chỉ trích là một diễn đàn talkshop nghĩa là chỉ có nói mà không có làm. Năm nay các nhà tổ chức Davos đã điều chỉnh, nên anh thấy chủ đề đã khác. Điểm khác thứ hai là năm nay biến động quá mức, có những biến động có lẽ lớn nhất từ sau chiến tranh Lạnh đến nay, quốc gia nào không có điều chỉnh quyết liệt, sẽ bỏ lỡ cơ hội và thời cơ.
Báo chí đã tổng kết Davos năm nay có 10 điểm thành công, ở đây tôi muốn phân tích điểm thứ 10. Các nhà lãnh đạo của 100 DN lớn đồng lòng cùng ký một biên bản vắn tắt về việc cùng hành động trong một thế giới biến động và Việt Nam đã đóng góp và hành động tích cực ở Davos cũng như ASEAN, tức là cấp độ toàn cầu, khu vực cũng như cấp độ quốc gia để hướng tới hòa bình, ổn định và phát triển.
Ông có cảm nhận thế nào về cảm giác của các nước với thông điệp “xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động” mà đoàn Việt Nam mang tới diễn đàn WEF 2017?
Tôi không dự hết các cuộc song phương và các hoạt động song phương với nhóm các chính trị gia. Nhưng tôi nhìn thấy tại các cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các CEO tập đoàn lớn đều đón nhận rất tích cực, rất hồ hởi. Tất nhiên việc Việt Nam đổi mới, tiếp tục cải cách mạnh mẽ sẽ có thể mang lại cho họ các cơ hội mới. Ví dụ Standard & Charter đã hoan nghênh những thông điệp của Thủ tướng, về cách làm mới, hiệu quả hơn của chính phủ ta.
Tại các cuộc gặp đa phương, thông điệp về ASEAN cũng được đón nhận. Vừa rồi tôi đi công tác ở Indonesia, các bạn đã nhắc đến thông điệp Thủ tướng tại WEF về ASEAN, các bạn hoan nghênh lắm, họ nói Việt Nam đã đóng góp tích cực cho ASEAN trong bối cảnh khối này đang bị tác động bởi tình hình thế giới.
Hoàng Ngọc thực hiện