- Tự nhận là một người ‘may mắn’ vì đã biết tiếng Việt từ lâu, Đại sứ Palestine Saadi Salama đã tìm đọc và trở thành độc giả thường xuyên của VietNamNet từ trước khi ông trở lại Việt Nam trong nhiệm kỳ này.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama
Qua sự theo dõi và tìm hiểu về sự thu hút chú ý của độc giả, ông cho rằng VietNamNet là một trong những tờ báo điện tử ở Việt Nam đã từng xếp thứ nhất ở tầm cỡ quốc gia. Hiện nay chưa biết VietNamNet đứng ở vị trí nào nhưng ông tin rằng đây vẫn là một trong những tờ báo điện tử được sự chú ý của độc giả muốn tìm hiểu về Việt Nam.

- Thưa Đại sứ, ông có thể cho biết sợi dây nào đã kết nối giữa cá nhân ông và tờ báo VietNamNet?

Khi trở lại Việt Nam, tôi rất cảm động khi có thể nhìn thấy rõ ràng báo điện tử VietNamNet rất quan tâm tới vấn đề Palestine, mặc dầu xa nhau về địa lý nhưng hai dân tộc gắn bó với nhau vì lịch sử chung của hai dân tộc được ghi nhận là đấu tranh vì độc lập dân tộc.

VietNamNet và một số phóng viên của tờ báo đã trở thành bạn bè của tôi. Tôi thấy rất gần gũi với họ mức có thể nói chuyện rất cởi mở với nhau. Qua những cuộc nói chuyện đó, tôi thấy ở họ có một trách nhiệm không phải mang tính chất nghề nghiệp mà là tình cảm, cho thấy một đạo đức rất cao trong việc phản ánh sự thật cho những người muốn tin vào sự thật. 

Chính vì thế mối quan hệ đã phát triển rất nhanh, và tôi đã quyết định mời một đoàn báo chí, trong đó có báo VietNamNet đến Palestine. Và việc tờ báo quyết định cử phóng viên sang Palestine đã để lại trong tôi một ấn tượng rất lớn về tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm của báo đối với tình hình của khu vực thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam.

Việt Nam từ trước tới giờ luôn quan tâm tới vấn đề Palestine, luôn luôn ủng hộ Palestine, các Nghị quyết của LHQ và luật pháp quốc tế. Những Nghị quyết Quốc tế về  Palestine mà Việt Nam ủng hộ không phải là vì họ thấy Palestine là một dân tộc đáng có một Tổ quốc mà vì họ nhìn thấy chính nghĩa. Việt Nam đã từng là nạn nhân của sự không công bằng trên thế giới, chính vì thế mà khi họ muốn có một lập trường đối với một vấn đề thì luôn nhìn vào chính nghĩa của sự việc đó.  

Tôi nghĩ VietNamNet đóng một vai trò quan trọng để làm cho một số lãnh đạo đất nước tìm hiểu sâu về vấn đề Palestine. Tôi coi việc cử đoàn báo chí Việt Nam trong đó có VietNamNet sang Palestine là một thành tựu của tôi trong nhiệm kỳ công tác của mình và hy vọng VietNamNet luôn luôn là ‘cửa sổ’ mà bất cứ độc giả nào tại Việt Nam cũng có thể tìm hiểu về đất nước và con người Palestine.  

- Thưa Đại sứ, ông cảm thấy ở VietNamNet có điều gì khiến ông thấy nổi bật nhất? 

Thứ nhất, xét về tốc độ thì VietNamNet rất nhanh. Thứ hai, VietNamNet là một trong những tờ báo đã mở ra một trang để cho các lãnh đạo có thể viết các bài về tình hình đất nước, ví dụ như mục Tuần Việt Nam. Đây là mục có rất nhiều người chú ý theo dõi là vì người ta thường chú ý đọc các bài viết của các lãnh đạo lão thành viết về kinh tế xã hội, giúp độc giả muốn tìm hiểu sâu có thể thấy rõ các điểm yếu, điểm mạnh trong việc xây dựng một nền kinh tế phát triển. Chính sách của tờ báo cho mọi người thấy rằng ở Việt Nam vẫn có những người đánh giá tình hình, phục vụ cho các nhà hoạch định chính sách có các quyết định chính xác hơn, phù hợp với xã hội hơn. Tôi nghĩ rằng đây là tờ báo đã làm được những gì mà ít khi tờ báo khác có thể làm được ở Việt Nam.

Đại sứ Palestine Saadi Salama trên quê hương của ông.
- Là một độc giả thường xuyên của tờ báo, Đại sứ thấy rằng VietNamNet còn có những khiếm khuyến gì cần khắc phục? Ông có kỳ vọng thế nào vào tờ báo không? 

Tôi nghĩ là tờ báo phải tìm hiểu sâu về nhiều vấn đề để cho con người và dân tộc Việt Nam – một dân tộc đang sống trong bầu không khí đổi mới – khát khao thông tin về thế giới. Vì vậy, khi muốn đưa tin tờ báo cần nghiên cứu thông tin đó kỹ lưỡng và sau đó đưa cho độc giả đọc và để họ hiểu sâu thêm. Còn nếu chỉ đưa tin từ nguồn của các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP, AFP hay Reuters thì có thể chưa đem đến cho độc giả một cách hiểu chưa chính xác.

Tôi nghĩ là trên thế giới, ngành báo chí quốc tế nằm trong tay một số tập đoàn lớn, có ảnh hưởng đến tình hình chính trị trên thế giới, nên họ luôn muốn đưa quan điểm của mình vào qua những bài báo, phóng sự hoặc thông tin. Vì vậy, tôi mong rằng các nhà báo Việt Nam và đặc biệt là các nhà báo của VietNamNet cần ‘Việt Nam hóa’ thông tin quốc tế để người đọc hiểu được sự chính nghĩa và chân lý và đạo đức của con người.  

- Có một số ý kiến đóng góp cho rằng hiện nay VietNamNet đang bị ‘trùng xuống’. Đại sứ có đồng tình với quan điểm này và theo ông, tờ báo có nên đổi mới?

VietNamNet là một trong những tờ báo điện tử đầu tiên ra đời ở Việt Nam nên có nhiều sự quan tâm của độc giả. Nhưng bây giờ ở có rất nhiều tờ báo mạng ra đời nên sự thu hút của tờ báo chắc chắn không bằng những ngày đầu. Theo tôi được biết thì sự cạnh tranh giữa các báo cũng đang gay go lắm, và điều đó khiến VietNamNet cần có những bước đi rõ ràng hơn để vẫn thu hút sự quan tâm của độc giả.  

Hiện nay có khoảng 5 triệu người Việt Nam ở ‘hải ngoại’. Họ cũng rất quan tâm và tìm hiểu tình hình trong nước. Tôi nghĩ là tờ báo phải làm thế nào để các độc giả trong và ngoài nước luôn luôn gắn bó với Tổ quốc, hướng về đất nước và đầu tư phát triển. Nếu vậy thì VietNamNet cần phải có một phong cách trình bày ‘đổi mới’, phù hợp với tư duy và sự quan tâm của họ. Độc giả của VietNamNet quan tâm tới những gì hay, mới và chưa từng đọc tới. Còn nếu mở báo ra mà thấy tình hình thời sự lặp đi lặp lại thì sẽ không còn tính chất thu hút, và họ có thể nghĩ là mình đã đọc thông tin đó trên báo Nhân Dân rồi.

- Nhân dịp VietNamNet kỷ niệm 15 năm ngày thành lập báo, Đại sứ có muốn gửi thông điệp nào tới tờ báo cũng như tập thể cán bộ báo VietNamNet? 

VietNamNet là tờ báo quan trọng ở Việt Nam đối với độc giả trong và ngoài nước nên tờ báo cần chuyên nghiệp hơn, phản ánh sự thật nhiều hơn, VietNamNet sẽ càng vươn lên và đặt vào vị trí hàng đầu trong các tờ báo điện tử của đất nước. Tôi tin rằng với đội ngũ kinh nghiệm, VietNamNet là ‘cửa sổ’ của Tổ quốc Việt Nam mở ra cho những người muốn tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam.

Tôi chúc tất cả lãnh đạo, cán bộ nhân viên, nhà báo đầy hứa hẹn của tờ báo nhân dịp kỷ niệm 15 năm thu được nhiều thành tựu mới và vươn lên để trở thành những nhà báo chuyên nghiệp tầm cỡ khu vực và quốc tế, những người truyền bá cho con người đất nước Việt Nam trong một vị thế rõ ràng hơn trong tương quan với các hãng thông tấn lớn trên thế giới.  

  • Thu Lượng (thực hiện)