44 tập thể và cá nhân trên địa bàn huyện Phú Xuyên vừa được vinh danh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống.

UBND Huyện Phú Xuyên phối hợp với công ty CPTM Gia Phạm vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết và vinh danh làng nghề truyền thống Huyện Phú Xuyên năm 2015 và định hướng phát triển giai đoạn 2016 - 2020.

Chương trình nhằm tri ân các bậc tiền nhân, tổ nghề đã có công sáng tạo nghề và truyền nghề; động viên khích lệ và khen thưởng những nghệ nhân làng nghề có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. 

Phú Xuyên có nhiều làng nghề được hình thành từ cách đây vài trăm năm như: Khảm trai Chuyên Mỹ, nặn Tò he Xuân La, đan cỏ tế, may comple, đóng giày da, làm đồ gỗ cao cấp, cơ kim khí, dệt lưới...Toàn huyện có 156/156 làng, cụm dân cư có nghề chiếm 100%, có 78 làng nghề được duy trì và phát triển, trong đó có 40 làng nghề được Thành phố công nhận.

Nhân dịp này, UBND huyện Phú Xuyên đã tặng giấy khen cho 44 tập thể và cá nhân trên địa bàn huyện đã có thành tích xuất sắc trong công tác duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống.

Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa làng nghề vào du lịch, phát triển du lịch từ làng nghề là điều rất cần thiết để từ đó có thể quảng bá được sản phẩm tới du khách trong và ngoài nước.

{keywords}
Nghệ nặn tò he ở Phú Xuyên

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, du lịch là con đường ngắn nhất đưa du khách đến với các sản phẩm thủ công truyền thống, đồng thời qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. 

"Có thể nói, chính không gian yên bình của làng quê và nghề thủ công truyền thống là hai yếu tố hết sức quan trọng kích thích và khêu gợi mong muốn của du khách được đến tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống. Hàng thủ công truyền thống có thể được coi là một nguồn lực quan trọng của du lịch bởi đó là một trong ít mặt hàng phản ánh văn hóa đặc sắc và khác biệt của người dân bản địa. Hàng thủ công truyền thống có thể được coi như biểu tượng về văn hóa và nghệ thuật của một quốc gia", ông Tuấn nói.

Vậy nên theo ông Tuấn, để phát triển du lịch một cách bền vững tại các làng nghề truyền thống nói chung và làng nghề ở Hà Nội nói riêng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: 

Coi trọng gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề thủ công truyền thống để thúc đẩy thu hút khách du lịch trong quá trình xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch; Tập trung sản xuất các sản phẩm thủ công đặc trưng, khác biệt và quản lý các sản phẩm, dịch vụ cung cấp do du khách tại các làng nghề; Gìn giữ và bảo tồn tối đa không gian nông thôn trong các làng nghề truyền thống và các giá trị văn hóa phi vật thể trong các làng nghề; Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách tham quan trải nghiệm tại làng nghề; Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch tại làng nghề,...

Trong khi đó, PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, không chỉ riêng Phú Xuyên mà hầu hết các làng nghề trong cả nước hội nhập sẽ tạo cả cơ hội và cả thách thức: Nguyên vật liệu, công nghệ, thị trường,...Nhưng theo PGS.TS. Trần Kim Chung Phú Xuyên có vị trí thuận lợi quan trọng mà không nhiều địa phương có được. Là cửa ngõ phía Nam của vùng đô thị Hà Nội. Có đẩy đủ các tuyến sắt, sông, bộ. Tiếp cận đến sân bay không xa. Nằm trong vùng giữa vành đai 3 và vành đai 4. Thêm vào đó, Phú Xuyên lại là địa bàn mà làng nghề truyền thống phong phú và các nghệ nhân rất lành nghề, tài năng.

Theo PGS. TS. Trần Kim Chung để sản phẩm thủ công của các nghệ nhân làng nghề có thể tới được với khách quốc tế, Phú Xuyên nên khẩn trương lên bản đồ về các làng nghề, sản phẩm làng nghề của mình. Gắn liền phát triển sản xuất với tăng cường du lịch dịch vụ gắn với các làng nghề, ngành nghề truyền thống (Du lịch chiều tà). Phải có một chương trình tổng thể duy trì, gìn giữ, phát triển các ngành nghề truyền thống và hiện đại của Phú Xuyên,...

"Phú Xuyên là một địa bàn quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội. thừa hưởng những lợi thế tự nhiên và xu hướng phát triển trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu phát huy được những lợi thế tự nhiên và truyền thống cũng như mới xuất hiện, sản phầm và ngành nghề truyền thống của Phú Xuyên sẽ bước vào một kỉ nguyên mới, thành công mới", PGS. TS. Trần Kim Chung nhấn mạnh.

Linh Chi