Trải qua bao thăng trầm của lịch sử xây dựng, mở mang và bảo vệ bờ cõi, với sự đoàn kết, kiên cường, cần cù, sáng tạo của biết bao thế hệ cha ông, đến nay, tỉnh Vĩnh Long - miền đất trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long - còn lưu giữ hệ thống di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đặc sắc.
Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Vĩnh Long có 66 di tích được xếp hạng (11 di tích cấp quốc gia, 55 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh), tiêu biểu, như Văn Thánh miếu, chùa Tiên Châu, chùa Phước Hậu, chùa Ngọc Sơn Quang, miếu Công Thần…
Ngày 24-12-2018, tỉnh có 1 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia là tượng thần Vishnu ở huyện Vũng Liêm và được lưu giữ tại Bảo tàng Vĩnh Long. Tượng được tạo tác bằng đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Đây là hiện vật gốc, độc bản, nghệ thuật tạo hình độc đáo và quý hiếm, là kiệt tác hội đủ những giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ và tiêu biểu về kỹ thuật điêu khắc. Văn Thánh miếu Vĩnh Long là một công trình kiến trúc tiêu biểu từ thời Nguyễn, được mệnh danh là “Quốc Tử Giám của phương Nam”, lưu giữ nhiều câu chuyện quý giá về tinh thần hiếu học của cha ông ta thời xưa.
Hay như, Lăng Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn cũng là di tích lịch sử - văn hóa nổi bật có tuổi đời hơn 200 năm với kiến trúc cổ kính, là nơi thờ phụng người có công lớn trong quá trình khai khẩn vùng đất Trà Ôn, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và góp phần ngăn chặn âm mưu xâm lược của quân Xiêm La. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long còn có rất nhiều ngôi đình xây dựng từ thế kỷ XVIII, như đình Tân Hoa, đình Long Thanh, đình Tân Ngãi, đình Vĩnh Thuận, đình Bình Phụng,… Đây là những công trình lịch sử - văn hóa mang kiến trúc Nam Bộ truyền thống, gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng, lễ hội dân gian của địa phương,...
Tỉnh Vĩnh Long còn nổi tiếng với các công trình kiến trúc ghi dấu ấn của những người con ưu tú đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, như Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt với kiến trúc không gian mở, hài hòa giữa tính trang trọng, thành kính, sâu lắng và tính thân thiện, gần gũi của một điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên địa bàn; Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Bia chiến thắng Bắc Nước Xoáy, Bia chiến thắng Yếu khu Thầy Phó, Tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngọt…
Gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa là hệ thống lễ hội đặc sắc, tiêu biểu, như lễ Kỳ Yên, lễ hội lăng Ông Trà Ôn, lễ cúng miễu, lễ Chol Chnam Thmay, lễ Sen Đôn-ta (Sene Dolta)… Trong đó, lễ Chol Chnam Thmay là lễ mừng năm mới của người dân Khmer, là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm, được tổ chức tại chùa và trong từng gia đình vào giữa tháng ba âm lịch hằng năm.
Tỉnh Vĩnh Long không chỉ là địa phương ở Nam Bộ có loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013, mà còn là nơi khởi phát của loại hình sáng tác Ca ra bộ (hình thức mới của đờn ca tài tử hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1912 đến năm 1915) với tên tuổi nổi tiếng, như Tống Hữu Định (ở huyện Vũng Liêm) và là nơi ra đời ban nhạc tài tử nổi tiếng đầu thế kỷ XX.
Sở hữu kho tàng văn hoá phong phú như vậy, giữa năm ngoái, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 956/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trong đó xác định mục tiêu phát triển sự nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa được tỉnh đưa ra là bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh, xây dựng các mô hình quản lý hiệu quả, gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.