VIRESA (VietNam Recreational eSport Association) là Hội Thể Thao Điện Tử Giải Trí Việt Nam, được thành lập ngày 17/3/2009. Đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá - Thể thao – Du lịch, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, tự lo kinh phí và phương tiện hoạt động.
Cho đến này, hội viên của VIRESA đã và đang ngày được tăng lên về số lượng, bao gồm một số cái tên quen thuộc như VTC, VietNam eSports bên cạnh những cái tên khá mới lạ như công ty CP truyền thông đa phương tiện Thủ Đô, công ty TNHH giải trí quốc tế TGG, công ty Cổ phần ISS Việt Nam...
Trong thời gian hoạt động, hiệp hội này cũng đã có một số hoạt động đáng ghi nhận như tham gia tuyển chọn game thủ thi đấu các giải nước ngoài ở một số bộ môn, tổ chức huấn luyện và đào tạo trọng tài eSports, tham gia cố vấn và tổ chức một số giải đấu trong nước...
Qua khảo sát của phóng viên, không chỉ game thủ nói chung mà nhiều game thủ eSports, từng tham gia các giải đấu có sự góp sức của VIRESA khi được hỏi đều nói chưa biết đến sự có mặt của hiệp hội này trong làng game, cũng như không hề biết tới vai trò, nhiệm vụ hoặc sự liên quan của đơn vị này tới trò chơi mà mình trải nghiệm, giải đấu mà mình đăng ký tham dự.Tuy nhiên, trên thực tế, trong con mắt của cộng đồng game thủ Việt Nam, sự tồn tại của VIRESA vẫn rất mờ nhạt và mơ hồ. Thậm chí nhiều game thủ còn không thể đánh vần được đúng tên viết tắt của hiệp hội này, hay nhầm lẫn nó với một tên gọi khác không liên quan.
Trước đây, khi VTC chỉ là thành viên duy nhất của VIRESA, nhiều game thủ cho rằng khái niệm "thể thao điện tử" đang bị NPH này và hiệp hội lạm dụng, nhằm quảng bá cho các trò chơi của họ như Audition, CrossFire, FIFA Online 2. Tới khi Garena gia nhập, khái niệm "thể thao điện tử" tiếp tục được mở rộng ra thêm với các sản phẩm của thành viên mới như Liên Minh Huyền Thoại, FIFA Online 3. Mới đây, khi công ty CP truyền thông đa phương tiện Thủ Đô gia nhập VIRESA, khái niệm này tiếp tục được nới thêm một mức nữa, bổ sung game di động Bida Online vào danh mục "game thể thao điện tử", bất chấp sự phản đối cũng như dư luận từ cộng đồng game thủ.
Ngay trong buổi ra mắt vào ngày 17/3/2009, VIRESA đã ký hợp đồng với VTC Online theo đó cho phép đơn vị này được độc quyền sử dụng tên của Hội để kinh doanh và tổ chức các giải đấu. Ngay lập tức, VTC Online đã tổ chức giải đấu FIFA Capital Cup vào ngày 22/3 tại Cyzone Centre, Hà Nội, và đưa thêm một môn thi đấu mới là FIFA Online 2 vào bên cạnh FIFA 09.Hành động này của Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam khiến nhiều người nghi ngờ rằng eSports hiện chỉ là "cái nhãn" để các doanh nghiệp "nhập game", "bán game" và "hợp pháp hóa việc này trong con mắt của dư luận xã hội".
Còn hiện nay, sự cuốn hút của những giải đấu online của DOTA 2, AOE, StarCraft, Street Fighter... được nhiều người đánh giá là cao hơn rất nhiều so với những giải đấu eSports khi nó kéo được cả một cộng đồng lớn tham gia, lại vẫn nằm ngoài tầm mắt của ban lãnh đạo VIRESA. Một phần nguyên nhân được cho là bởi hiện chưa có nhà phát hành chính thức các sản phẩm game này ở Việt Nam.
Ông Dương Nghiệp Chí, Phó chủ tịch VIRESA cũng đã khẳng định "Hội không quản lý game online và những môn thi đấu không phải là thể thao điện tử bởi đây là những môn không có trọng tài, rất dễ có gian lận". Tuy nhiên, chính bản thân khái niệm "quản lý" ở đây cũng cần được xem xét lại khi trong cộng đồng eSports vài tháng trở lại đây đã xảy ra hàng loạt vụ việc nghiệm trong, liên quan tới lợi ích cũng như ảnh hưởng tới người chơi, có liên quan tới chính các thành viên trong hiệp hội (VTC và Garena), nhưng không hề được VIRESA để ý tới, thậm chí là ra mặt xuất hiện. Bên cạnh đó, đội ngũ trọng tài từng được đào tạo khá bài bản và chuyên nghiệp trước đây cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả làm việc của mình, trong các giải đấu cũng như sự kiện. Nhiều vấn đề về luật lệ, quy định thi đấu cũng như các khúc mắc trong quá trình tham gia giải đấu của người chơi chưa được giải quyết một cách triệt để, khiến không ít các game thủ vẫn còn bức xúc, khó chịu sau khi giải đấu kết thúc. Một số giải đấu vẫn sử dụng các trọng tài nghiệp dư, chưa qua đào tạo nhiều và chỉ có kinh nghiệm chơi game, thi đấu game, dễ bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ thân quen trong cộng đồng.
Với nhiệm vụ được ghi trong "tuyên ngôn hoạt động" là tuyển chọn các game thủ đi thi đấu hoặc tham dự các giải lớn, VIRESA vẫn để cho việc tuyển chọn game thủ CrossFire tham dự WCA 2014 (một giải đấu quốc tế lớn ngang tầm WCG trước đây) bằng phương pháp biểu quyết. Trong khi đây là sản phẩm con cưng của thành viên chủ chốt trong hội ,VTC. Còn với Garena, thành viên lớn thứ 2 của tổ chức này, cũng không hề thấy bóng dáng của VIRESA trong vai trò "quản lý các bộ môn Thể thao điện tử" khi để hàng loạt vụ Scandal nóng bỏng diễn ra, liên quan trực tiếp tới các "vận động viên thể thao điện tử chuyên nghiệp" cũng như uy tín của đơn vị tổ chức các "giải đấu thể thao điện tử chuyên nghiệp".
Nếu so sánh với KeSPA, Hiệp hội thể thao điện tử Hàn Quốc thì có thể xem như "một trời một vực".
Các hoạt động có phần khiến cộng đồng game thủ khó hiểu, đã vấp phải sự phản đối của dư luận từ VIRESA: - Muốn đưa FIFA Online 2 vào giảng dạy ở bậc THPT. - Hỗ trợ và tổ chức các giải đấu... nhảy hiphop (Được coi là bộ môn Vũ đạo giải trí), thể thao mô hình điều khiển. - Chọn Bida Online, một gMO mới được phát hành (game do một thành viên trong hội phát triển) làm môn thi đấu eSports trên di động |
Và, theo nội dung bản "Phương hướng công tác nhiệm kỳ II 2015-2020", Hội Thể thao Điện tử Giải trí sẽ tiếp tụctập trung thực hiện một số mục tiêu chính trong vòng 5 năm tới là:
- Duy trì hoạt động.
- Tổ chức tập luyện và thi đấu ở trong và ngoài nước cũng như tăng cường tổ chức các dịch vụ có liên quan.
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ của hướng dẫn viên, trọng tài.
- Phát triển thể thao điện tử trên di động.
- Cố gắng phát triển loại hình CLB (hoặc trung tâm) thể thao điện tử có quyền sở hữu cơ sở tập luyện và thi đấu.
- Tiến hành phong cấp VĐV.
- Tăng cường phát triển bộ môn Vũ đạo thể thao giải trí. Thậm chí thí điểm bổ sung thêm Aerobic Rock-N-Roll nếu được Liên bang Nga giúp đỡ.
- Cố gắng tìm nguồn kinh phí thực hiện một số đề tài, tác nghiệp về công nghệ thông tin - điện tử ứng dụng vào ngành TDTT.
Nhận xét về bản "phương hướng công tác" này, nhiều người cho rằng dường như VIRESA vẫn chưa thực sự có một định hướng và mục tiêu cụ thể nhằm vào cộng đồng game thủ. Trong khi đó, hội lại đang muốn mở rộng và ôm đồm quá nhiều môn thi đấu khác như Vũ đạo thể thao hay định hướng tới việc tổ chức dịch vụ.
Tất nhiên, một phần nào đó cũng khó có thể trách được VIRESA khi đây chỉ là một đơn vị phải dựa vào kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước để hoạt động. Do đó, việc hợp tác cũng như có phần phụ thuộc hay ưu ái các đơn vị tài trợ, cụ thể hơn là các NPH game là khó tránh khỏi.
Cộng đồng game thủ từ lâu đã mong muốn có một tổ chức, hiệp hội sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình, giúp đỡ các trường hợp khó khăn, định hướng cộng đồng trong các vụ việc có liên quan, cũng như là cầu nối cho NPH và game thủ hiễu rõ nhau hơn. Tất nhiên, không chỉ đối với các người chơi của những bộ môn eSports có liên quan tới các đơn vị nhất định mà là cả cộng đồng game thủ Việt.
Theo GameThu