- Ngày 8/1, bị cáo Trầm Bê và Phạm Công Danh cùng 44 đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
16h28:
Phiên tòa tạm nghỉ, 8h sáng mai sẽ tiếp tục với phần xét hỏi.
16h14:
Chủ tọa hỏi ý kiến của đại diện VKS, luật sư về thủ tục phiên tòa.
Luật sư Phạm Minh Hải - bảo vệ cho Phạm Công Danh đề nghị HĐXX sử dụng các kiến nghị của mình làm tài liệu chứng cứ của vụ án; cho các luật sư công khai các tài liệu xảy ra tại VNCB, cụ thể là những thiệt hại thực tế vì những thiệt hại này không như các con số tài trong tài liệu.
Chủ tọa cũng công bố thêm, trong phiên tòa có 6 luật sư bào chữa cho các bị cáo trùng với việc bào chữa cho các bị cáo trong vụ Đinh La Thăng đang diễn ra cùng thời điểm tại Hà Nội nên TAND TP.HCM đã liên hệ với TAND TP.Hà Nội để tạo điều kiện tốt nhất cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Hiện nhiều luật sư đã có đơn xin vắng mặt.
Do phiên tòa kéo dài nên đề nghị các luật sư gửi trước bài bào chữa cho thư ký. Các bị cáo được tại ngoại phải có mặt đầy đủ trong suốt quá trình xét xử.
Phiên tòa sẽ làm việc từ ngày thứ 2 đến thứ 7, tùy vào diễn biến có thể sẽ làm việc cả vào chủ nhật. Thời gian làm việc từ 8h sáng đến 11h30 và chiều từ 14h tới 16h45.
Với lý do hiện còn nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, trong đó có người giữ vai trò quan trọng trong vụ án như ông Trần Bắc Hà nên đại diện VKS đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập những người này tới tòa để đảm bảo cho việc xét xử diễn ra được khách quan.
HĐXX đã đồng ý với đề nghị này của đại diện VKS.
16h6:
Chủ tọa giải thích quyền và nghĩa vụ của các bị cáo. Theo đó, các bị cáo nhận được tống đạt cáo trạng trước ít nhất là 10 ngày. Các bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ bào chữa cho mình tại phiên tòa.
Các bị cáo có quyền thay đổi người tham gia xét xử, có quyền không khai báo những gì ảnh hưởng tới lợi ích hợp pháp của mình, có quyền không nhận tội, quyền nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án
Bị cáo cũng có quyền kháng cáo sau khi phiên tòa kết thúc không quá 15 ngày.
“Trong phiên tòa hôm nay, có rất nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, song xét thấy sự vắng mặt của những người này không ảnh hưởng tới việc xét xử vụ án, do những người này đã có lời khai đầy đủ trong quá trình điều tra nên phiên tòa vẫn tiếp tục xét xử”, vị chủ tọa nhấn mạnh.
14h56:
Thêm bị cáo Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt), phải đưa ra ngoài chăm sóc sức khỏe.
Rất nhiều bị cáo xin được chăm sóc y tế, tuy nhiên chủ tọa thông báo chỉ trừ những trường hợp thật đặc biệt HĐXX mới xem xét cho các bị cáo ra chăm sóc y tế.
14h48
XEM VIDEO:
Đến lượt bị cáo Trầm Bê được đưa ra ngoài để chăm sóc y tế.
Tiếp đó, HĐXX cũng kiểm tra danh sách các cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, Ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng Ngân hàng BIDV) không có mặt theo giấy triệu tập.
Ông Trần Bắc Hà là người ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng cho 12 công ty do Danh đề xuất.
Ông Trầm Bê sau khi được chăm sóc y tế |
Cơ quan điều tra xác định ông này đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay, và không biết các công ty này do Danh thành lập. BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay.
14h40
Sức khỏe Phạm Công Danh tiếp tục xấu đi, chủ tọa một lần nữa yêu cầu cảnh sát đưa ra ngoài để bác sỹ kiểm tra sức khỏe.
14h8
HĐXX tiếp tục kiểm tra danh sách các doanh nghiệp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
11h:
Chủ toạ Phạm Lương Toản cho biết, phiên xét xử buổi sáng chỉ tập trung làm rõ phần lý lịch của các bị cáo, kiểm tra danh sách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Phiên tòa tạm dừng tới 14h sẽ tiếp tục làm việc.
10h47:
HĐXX mời các cá nhân đại diện Ngân hàng Xây dựng (VNCB nay là CBBank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Tân Phú và Láng Hạ, Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng Đại Dương và Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước trình diện tại phiên tòa.
9h43:
Sức khỏe của bị cáo Phạm Công Danh bất ngờ yếu đi.
Chủ tọa đã yêu cầu cảnh sát đưa ông Danh ra ngoài để các bác sỹ kiểm tra.
Trước đó, khi được dẫn giải tới tòa, Phạm Công Danh khá khỏe mạnh, trong khi ông Trầm Bê tỏ ra mệt mỏi, trên tay cầm theo một bịch thuốc.
XEM VIDEO:
8h32
Chủ tọa Phạm Lương Toàn tuyên bố khai mạc phiên tòa.
Thẩm phán Phạm Lương Toản cho biết có 46 bị cáo có mặt tại phiên toà. Hơn 200 người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bị cáo Trầm Bê, Phạm Công Danh và đồng phạm bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Phiên toà sẽ kéo dài từ ngày 8/1 đến ngày 7/2.
Tiếp đó là phần đọc tên các cá nhân, công ty được triệu tập tới tòa.
Bị cáo Phạm Công Danh được yêu cầu đứng lên kiểm tra đầu tiên.
Phạm Công Danh sinh năm 1965, trú tại quận 11 (TP.HCM), nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng.
Tháng 6/1990, bị Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN", bị TAND Tối cáo tuyên phạt 6 năm tù về tội "Lạm dụng chiếm đoạt tài sản".
Các luật sư tham dự phiên tòa |
Tiếp đó, năm 2016 bị TAND TP.HCM tuyên phạt 30 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng"
Tháng 3/2017, bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng"
Bị cáo Trầm Bê tại phiên xử sáng nay. |
Bị cáo Trầm Bê (59 tuổi), tính đến thời điểm bị bắt và bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án Phạm Công Danh, bị cáo chưa có tiền án, tiền sự.
Được yêu cầu lên trả lời HĐXX về nhân thân, bị cáo Nguyễn Văn Cường (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDVXD Cường Tín - một công ty sân sau của Phạm Công Danh) khai, nghề nghiệp chính là bảo vệ.
Phạm Công Danh dựng lên hàng chục công ty sân sau làm tư cách pháp nhân sử dụng để vay vốn các ngân hàng.
7h5
An ninh được thắt chặt trong phiên xử |
Khoảng 6h50, các bị cáo đã được cảnh sát dẫn giải tới tòa.
An ninh được thắt chặt trong phiên xử. Những người người có quyền và nghĩa vụ liên quan, luật sư và phóng viên đều phải qua cửa kiểm tra an ninh, xuất trình giấy tờ tuỳ thân
Do lượng người quá đông, phòng xử A của Toà án nhân dân TP.HCM chỉ đủ chỗ cho một số bị cáo và luật sư bào chữa, nên cán bộ tòa đã yêu cầu phóng viên ra ngoài, theo dõi qua màn hình camera. Nhiều phóng viên phải tác nghiệp đứng...
6h15
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa sáng nay |
TAND TP.HCM sẽ tiến hành phiên xét xử đối với Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) cùng 44 đồng phạm cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hiện có tới 70 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Hơn 200 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng được triệu tập, trong đó có những nhân vật quen thuộc như Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV), ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch ngân hàng Đại Tín)...
Ngoài ra có 7 ngân hàng cũng được tòa triệu tập, gồm: VNCB (nay đổi tên là CBBank), Sacombank, TPBank, BIDV, Agribank (chi nhánh Tân Phú và Láng Hạ), Viet Capital Bank và OceanBank.
Phiên xét xử do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa cùng thẩm phán Huỳnh Thị Việt Tiên và 3 hội thẩm, 2 thư ký và 2 thẩm phán dự khuyết.
Đại diện VKS tham gia phiên tòa là ông Trần Quỳnh Lan và bà Nguyễn Việt Liên. Phiên xét xử dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 7/2.
Nhóm P.V