Do điều kiện công việc, tôi thường xuyên phải đặt phòng khách sạn gắn mác 4 sao, 5 sao theo đúng quy định công ty. Nhưng tôi thấy, tại Việt Nam, thực chất các khách sạn này chẳng hơn khách sạn bình dân.

TIN BÀI KHÁC
(ảnh minh họa)
Tôi tò mò muốn biết tiêu chuẩn xếp hạng "sao" khách sạn ở Việt Nam hiện nay được quy định đánh giá thông qua các chỉ tiêu như thế nào? Đối với những  trường hợp "mạo nhận hạng" khách sạn thì bị xử lý ra sao?

Văn phòng Luật Giải Phóng xin trả lời như sau:

Khách sạn là công trình kiến trúc được xây dựng độc lập, có quy mô từ 10 buồng ngủ trở lên, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch.

Đối với tiêu chuẩn khách sạn, bạn có thể tham khảo thêm tại Quyết định số 02/2001/QĐ- TCDL ngày 27/4/2001 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch. Cụ thể như sau:

Khách sạn đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 1 đến 5 sao: là khách sạn có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng phục vụ cao, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch về ăn, nghỉ, sinh hoạt, giải trí theo tiêu chuẩn của từng hạng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, được đánh giá thông qua các chỉ tiêu: 1. Vị trí, kiến trúc; 2. Trang thiết bị, tiện nghi phục vụ; 3. Dịch vụ và mức độ phục vụ; 4. Nhân viên phục vụ;  5. Vệ sinh.

Khách sạn hạng càng cao, yêu cầu chất lượng phục vụ, trang thiết bị tiện nghi, số lượng các dịch vụ càng phải đầy đủ, hoàn hảo, đáp ứng được yêu cầu đa dạng của khách. Ngoài việc đáp ứng đủ các yêu cầu chung về tiêu chuẩn khách sạn theo quy định, đối với từng hạng "sao" của khách sạn thì cần đáp ứng thêm các điều kiện tiêu chuẩn của từng hạng theo quy định riêng.

Ví dụ đối với khách sạn 4 “sao”: Các chỉ tiêu: 4 sao

1. Vị trí    
- Giao thông thuận tiện
- Môi truờng cảnh quan sạch, đẹp

2. Thiết kế kiến trúc  
- Kiến trúc, xây dựng kiểu dáng đẹp, vật liệu xây dựng chất lượng cao,  nội ngoại thất được thiết kế  hợp lý, đẹp

3. Qui mô khách sạn (số lượng buồng)   
- Có tối thiểu 80 buồng

4. Không gian xanh   
- Không bắt buộc đối với các khách sạn ở trung tâm thành phố)

5. Khu vực gửi xe   
- Nơi gửi xe trong khu vực khách sạn, đủ cho 30 % tổng số buồng (Không bắt buộc đối với các khách sạn xây dựng trước ngày 1/1/1995 )

6. Các loại phòng ăn, uống    
- Các phòng ăn Âu, Á
- Các phòng tiệc
- Phòng ăn đặc sản
- Bar
- Bar đêm (có sàn nhảy và dàn nhạc)

7. Khu phục vụ hành chính  
- Phòng làm việc của Giám đốc, Phó Giám đốc
- Phòng tiếp khách
- Các phòng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật
- Phòng trực tầng
- Phòng cho nhân viên phục vụ :
+ Phòng thay quần áo riêng cho nam và nữ
+ Phòng tắm, vệ sinh riêng cho nam và nữ
+ Phòng ăn cho nhân viên phục vụ
- Khu giặt là
- Kho để đồ
 - Khu bếp, kho bảo quản thực phẩm

Khu bếp :
+ Tường ốp gạch men sứ, cao tối thiểu 2 m, sàn lát vật liệu chống trơn
+ Khu vực chế biến thực ăn nóng, nguội, bếp bánh riêng biệt
+ Trang bị đủ kho lạnh, các kho đủ thông thoáng
+ Có cửa cách âm, cách nhiệt và cách mùi, phòng đệm giữa bếp và phòng ăn. Có hệ thống thông gió tốt

Ngoài ra còn nhiều tiêu chí khác, cụ thể hơn bạn có thể tham khảo tại quyết định này.

Đối với việc mạo nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có thể bị phạt từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Nghị định số 149/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch).

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh.  Tổng đài tư vấn luật: 19006665 hoặc 08.73050996

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).