-Liệt sỹ Phạm Văn Du hoạt động cách mạng trước 1/1/1945, nhưng đến nay vẫn chưa được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc công nhận?  

TIN BÀI KHÁC:

Bạn đọc Phạm Thị Lịch là con gái duy nhất của Liệt sỹ Phạm Văn Du, quê quán xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, hiện ở số 7, ngõ 55, đường Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Bạn đọc đến Báo VietNamNet  trình bày và gửi đơn đề ngày 27/5/2013 cùng nhiều giấy tờ liên quan khiếu nại về việc: Liệt sỹ Phạm Văn Du hoạt động cách mạng trước 1/1/1945, nhưng đến nay vẫn chưa được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc công nhận?

{keywords}
Ảnh minh họa

Tóm tắt nội dung đơn khiếu nại  của bạn đọc Phạm Thị Lịch như sau:

Cha tôi tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 8/1944, vào Đảng năm 1945, đến ngày 8/11/1951 chiến đấu hy sinh khi đang giữ chức vụ Bí thư Chi bộ kiêm chính trị viên xã đội xã Tân Cương. Năm 1957, Liệt sỹ Phạm Văn Du được Thủ tướng Chính phủ đã cấp Bằng Tổ quốc ghi công, năm 1961, được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến.

Tuy nhiên, cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Cương 1933- 1999 do Ban Chấp hành Đảng ủy xã Tân Cương xuất bản năm 1999 chỉ viết có 2 năm (1950- 1951) công tác, chiến đấu cuối đời của Liệt sỹ Phạm Văn Du, là không chính xác.

Trước thực tế ấy, năm 2001 và năm 2003, các cụ Nguyễn Tráng, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Quang Hùng và một số cụ cùng hoạt động đã viết Giấy xác nhận thời gian hoạt động cách mạng của Liệt sỹ Phạm Văn Du. Theo các Giấy xác nhận này thì các cụ đã cùng công tác với cụ Phạm Văn Du từ năm 1944 đến năm 1950; năm 1951 thì bị thực dân Pháp và bọn phản động bắn chết tại xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Theo hướng dẫn số 30-HD/BTCTW ngày 12/8/2009 của Ban Tổ chức TW xét công nhận người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 đã hy sinh, ngày 1/2/2010 gia đình tôi đã làm hồ sơ; ngày 26/2/2010 Đảng ủy xã Tân Cương đã xét duyệt và lập Biên bản đề nghị lên Huyện ủy Vĩnh Tường. Ngày 22/6/2012 Huyện ủy Vĩnh Tường  có Biên bản đề nghị Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xét công nhận Liệt sỹ Phạm Văn Du là người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 đã hy sinh, nhưng đến nay Tỉnh ủy Vĩnh Phúc  vẫn…im lặng,  không công nhận?

Cha tôi vì nước, vì dân chiến đấu hy sinh bị thực dân Pháp và tay sai chặt đầu bêu khắp làng rồi cắm cọc nơi đông người qua lại để uy hiếp phong trào cách mạng. Mẹ tôi bị địch bắt tù đày, đánh đập, nhà cửa ruộng vườn bị cướp phá, cả một đời mẹ góa con côi  sống trong đau thương, đói nghèo và lo sợ. 60 năm sau Đảng có chính sách đền ơn đáp nghĩa, nhưng mẹ tôi chờ mãi không được công nhận, đã qua đời ngày 29/12/2012.

Trên đây là tóm tắt nội dung đơn khiếu nại của bạn đọc Phạm Thị Lịch gửi Báo VietNamNet. Báo đã có công văn số 190/CV-VNN ngày 31/5/2013 gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị xem xét, và cũng đang chờ đợi hồi âm.

Ban Bạn đọc