-Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi bài DN xăng dầu quyết sòng phẳng với Bộ Tài chính. Nhiều bạn đã gửi ý kiến phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}
Ảnh minh họa

Bạn Hoàng Linh: Bộ Tài chính cứ thế mà làm, tôi cho là đúng. Bởi lẽ doanh nghiệp đăng ký tạm nhập tái xuất xăng dầu, nhưng lại tiêu thụ nội địa, thì phải đóng thuế là đương nhiên, bất luận doanh nghiệp có nêu lý do gì đi chăng nữa. Theo cách lý giải của doanh nghiệp "... do không lường hết các khó khăn..." đây chỉ là một hình thức lách luật, để trốn thuế mà thôi.

Ý kiến trên được bạn Lê Thanh tán thành khi lập luận: Tôi không hiểu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tạm nhập về rồi tái xuất đi đâu, trong khi các nước trong khu vực giá bán của họ còn thấp hơn nước ta? Liệu đây có phải lách luật để buôn lậu một cách hợp pháp không?

Email xekanguyen@yahoo.com phụ họa: Rất hiển nhiên đây là những hành vi buôn lậu trắng trợn! Bộ Tài chính cần truy thu thuế đầy đủ, nếu không truy thu đủ sẽ tạo bất lợi cho ngành nghề khác, đồng thời các doanh nghiệp xăng dầu sẽ “nhờn luật”. Một tàu buôn lậu nhỏ còn bị truy tố trước pháp luật, chủ tàu còn ngồi tù, trong khi các công ty Petec, NamvietOil ... lại ngang nghiên đòi lại tiền thuế, mà ban lãnh đạo vẫn bình an thì lấy làm lạ?

Bạn đọc tatthanh@gmail.com dứt khoát: Thu là đúng! Pháp luật phải nghiêm! Việc khai tạm nhập không tái xuất không báo cáo doanh nghiệp phải chịu, ngoài ra nên phạt thêm để răn đe doanh nghiệp trốn thuế làm ăn bất chính

Bạn Nguyễn Phước đề nghị: Bộ Tài chính hãy kiên quyết thu thuế của mấy “ông” xăng dầu. Để khỏi bị "oan", mấy ông xăng dầu hãy công khai minh bạch tài chính cho toàn dân biết.

Giữa đông đúc các bạn đọc đòi truy thu thuế xăng dầu, có một giọng “kêu than”, cầu cứu của Thu Lam: Chỉ cần một công văn hay quyết đinh của Nhà nước hay bộ phận của Sở, Bộ, ngành thuộc Trung ương có thể đưa nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh mất vốn, nếu doanh nghiệp nhỏ thì khuynh gia bại sản, có thể gọi là "chết sặc tiết" luôn, vì nhiều khi công văn đến Hải Quan quá bất ngờ, không thông báo trước cho các doanh nghiệp, hay thông tin đại chúng, dẫn đến doanh nghiệp rơi vào bước đường cùng! Cụ thể như chỉ thị số 17/CT-TTG ngày 09/08/2013 ban hành đến Cục Hải quan thì doanh nghiệp đã thanh toán hết tiền cho khách nước ngoài, thuế cũng đã nộp, nhưng hàng của doanh nghiệp bị ách tắc không rút được ra, phí lưu công cực lớn. Doanh nghiệp xin cầu cứu nếu không giải quyết chúng tôi sẽ bị phá sản, nợ nần chồng chất!

Nguyễn Tiến “nói mát”: Các doanh nghiệp tăng giá xăng lên bù vào đó là xong!

Khó thông cảm, Hoàng Mạnh Cường hoài nghi: Luôn miệng kêu lỗ để được tăng giá xăng dầu, nhưng báo cáo tài chính thì… lãi khủng. Bộ Tài chính truy thu thuế là đúng rồi!

“Tôi thấy các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu... nhập nhằng thế nào ấy? Lãi thì cứ kêu là lỗ, tăng giá thì nhiều, nhanh nhưng  giảm giá bao giờ cũng chậm và có đáng bao nhiêu đâu”! Đó là ý kiến của Hoàng Thanh.

Bạn Nguyễn Gianh: “Cách gì thì người dân cũng đã phải trút "hầu bao" ra rồi, bây giờ tiền ấy vào túi nào để ích nước lợi dân, là được”! Bạn đọc này cũng mong  “sắp tới Bộ Tài chính đừng ‘thỏa hiệp’ với các doanh nghiệp nâng giá xăng để bắt người dân bù vào cái khoảng ‘vơi đi’ này của các doanh nghiệp xăng dầu!

Ban Bạn đọc