Lần cuối cùng Th.S Ngô Võ Thiện Nhân (công tác tại Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức) được âu yếm con đã là chuyện của hơn 2 tháng trước, khi thành phố chưa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Hiện tại, anh đang tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, phụ trách điều phối xe cứu thương và công tác hậu cần. Công việc bận rộn, có khi làm tới 2-3 giờ sáng, anh không có nhiều thời gian để trò chuyện cùng người thân, thỉnh thoảng mới gọi điện về gặp con cho đỡ nhớ.
“Tôi nhớ cu cậu, rồi lại thương vợ, hơn 1 tháng nay không dám gọi về cho con, chỉ hỏi thăm qua ông bà nội và tôi. Thằng bé bám mẹ nhất nên vợ tôi sợ con sẽ nhớ mà không ngủ được”, anh Nhân chia sẻ.
Anh Nhân (phải) đã tham gia chống dịch hơn 2 tháng nay. |
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hảo là điều dưỡng tại Trung tâm tiêm chủng trẻ em và người lớn TP. Thủ Đức. Đầu tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát, chị phải gửi con cho ông bà nội (hiện đang ở Biên Hòa, Đồng Nai) chăm sóc để gia nhập đội ngũ tuyến đầu. Công việc của chị là xét nghiệm trong cộng đồng, và tiêm vắc-xin cho người dân.
Chị Hảo tâm sự, ở cùng thành phố nhưng vợ chồng chị mỗi người một nơi, chưa bao giờ xa nhau lâu đến thế. Từ khi phải xa cả ba và mẹ, con trai hay khóc vì nhớ, có nhiều hôm không chịu ngủ, lại có khi đang nửa đêm thì giật mình thức giấc rồi khóc.
“Con ở nhà không ngủ được, tôi ở đây cũng mất ngủ, nhưng cũng may ông bà hiểu cho vợ chồng tôi nên hay nhắn tin động viên. Cũng khổ cho ông bà tuổi đã cao mà bị thằng nhỏ bắt tội”, chị bùi ngùi.
Công việc của anh Nhân và chị Hảo đều có nguy cơ phơi nhiễm vì tiếp xúc với F0, nhưng họ đã quyết tâm khi nào thành phố khống chế được dịch mới về với con trai.
Chống dịch là sứ mệnh, luôn chuẩn bị tâm lý có thể trở thành F0
Anh Nhân cho biết, lúc mới nghe vợ thông báo sẽ đăng ký đi chống dịch, anh hơi lưỡng lự, nhưng rồi chỉ động viên, dặn dò cẩn thận. Anh nói: “Là một nhân viên y tế thì không được trốn tránh”.
Công việc điều phối xe cứu thương lẫn hậu cần, mỗi ngày anh nghe điện thoại lên cả vài trăm cuộc. Cũng có những bệnh nhân nhập viện nửa đêm hoặc rạng sáng, anh đều thức để chờ, đôi khi còn chuẩn bị thêm đồ ăn cho bệnh nhân lúc lỡ bữa, hoặc gặp những hoàn cảnh đáng thương, anh tìm cách hỗ trợ.
Hai mẹ con bị dương tính với Covid-19 được đưa vào bệnh viện dã chiến |
Anh kể: “Hôm ấy đã 12 giờ khuya, thấy một người bạn chia sẻ thông tin gia đình có 6 người thì có 4 người là F0 đã đi cách ly, chỉ còn 2 bà cháu được xét nghiệm dương tính sau. Thật không may người bà trở nặng nhanh, phải chuyển qua Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chỉ còn em bé 7 tuổi ngơ ngác. Tôi tìm hiểu, biết gia đình đang điều trị ở đây nên đã hỗ trợ liên hệ để đưa bé được vào với gia đình. Hôm ấy, dù phải thức trắng đêm nhưng vẫn cảm thấy phấn chấn”.
Còn có người mẹ ẵm theo con nhỏ 4 tháng tuổi đi cách ly. Nhà nghèo, chị chẳng có đồ đạc gì, đứa trẻ thì gầy gò, nhỏ thó. Anh Nhân cùng các đồng nghiệp hỗ trợ sữa, rồi anh gọi về cho vợ nhờ gửi ít quần áo của con trai cho cháu bé.
Ở trong môi trường có quá nhiều F0, khả năng bị phơi nhiễm là khó tránh khỏi nhưng anh Nhân cùng các đồng đội vẫn làm việc hết lòng. Thành phố dạo này hay có những cơn giông bất chợt khiến các anh không kịp chuẩn bị, có khi phải mặc bộ quần áo ướt đẫm nước mưa để tiếp tục công việc. Đến lúc nhìn lại, quần áo đã tự khô từ lúc nào.
Công việc của chị Hảo không tất bật như chồng, nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Mặc trên mình bộ đồ bảo hộ, ngày nắng thì cả người ước sũng mồ hôi, còn ngày mưa thì hơi ẩm khiến kính chắn giọt bắn lúc nào cũng mờ mịt. Mỗi khi kết thúc công việc, tháo găng tay y tế, đôi tay chị trắng bệch, nhăn nheo, có khi đầu ngón tay bị xước đến rướm máu.
Đôi tay trắng bạch, nhăn nheo và bong tróc da sau nhiều giờ đeo găng tay y tế. |
Suốt quá trình lấy mẫu xét nghiệm kéo dài 6-8 tiếng, dù đói, khát, chị Hảo cũng không dám cầm đồ ăn, nước uống, bởi có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Thời gian đầu, khi phát hiện có ca dương tính, chị cũng hốt hoảng, nhưng lâu dần thành quen. Mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm cho các em bé, chị lại bất giác nhớ đến con trai ở nhà. Chị thầm mong sao dịch bệnh chóng qua, để các bé không phải chịu những đau đớn, khó chịu, và gia đình chị cũng được đoàn tụ.
Chị Hảo tâm sự, dù cố gắng cẩn thận hết mức nhưng không thể đề phòng được tất cả, vì vậy, ở nhà chị luôn có sẵn va li đựng đồ cá nhân, chủ động nếu không may bị phơi nhiễm.
Chị trải lòng: “Chúng tôi mang trong mình sứ mệnh của đội ngũ y tế. Các đồng đội đều đang hết mình phục vụ cộng đồng. Ai cũng vất vả, mệt mỏi, vì vậy, tôi muốn hoàn thành trọng trách của mình, góp một phần sức lực cho xã hội”.
Khánh Hòa
Cảnh sát dẫn đường, phát xăng cho người dân về quê chống dịch
Hình ảnh về các chiến sỹ công an thuộc lực lượng CSGT tỉnh Gia Lai phát xăng miễn phí, nước lọc, bánh mì cùng các nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ người dân về quê chống dịch khiến nhiều người xúc động.