- Do chơi cờ bạc, chồng tôi đã nợ một người một số tiền lớn mà tôi không hề hay biết rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Hiện giờ chủ nợ ráo riết tìm đến nhà tôi đòi nợ, cho người đập phá đồ đạc, dọa nạt mẹ con tôi. Thậm chí họ còn bê tivi, dàn loa nhà tôi đi để “gán nợ”.
Xin hỏi luật sư tôi có trách nhiệm phải trả khoản nợ đó cho chồng không? Tiền lương tôi kiếm ra chỉ đủ để chi trả sinh hoạt cho mấy mẹ con. Nay người chủ nợ kia có những hành vi như vậy, tôi có thể báo công an được không? Về tội danh gì?
Chủ nợ liên tục đe dọa khiến con nợ sợ hãi (Ảnh minh họa) |
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định như sau:
- Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng: "1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này; 2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này” (Điều 27).
- Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng: "Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây: 1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; 2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; 3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; 4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; 5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; 6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan” (Điều 37).
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng: "Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây: 1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn; 2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này; 3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình; 4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng” (Điều 45).
Đối chiếu với các quy định của pháp luật, nếu chồng chị vay tiền với mục đích chi tiêu cá nhân, không sử dụng vào sinh hoạt thiết yếu của gia đình và chị cũng không biết việc vay tiền đó thì về nguyên tắc, chị không có nghĩa vụ liên đới trả khoản nợ cùng chồng khi ly hôn.
Về hành vi của chủ nợ, hành vi đập phá đồ đạc trong nhà bạn để trút giận là trái pháp luật. Do đó bạn có thể trình báo lên cơ quan công an để được can thiệp giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bạn và gia đình. Nếu những tài sản mà người kia đập phá làm hư hỏng gây thiệt hại từ hai triệu đồng trở lên thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại điều 143 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); trường hợp giá trị tài sản bị hư hỏng dưới hai triệu đồng thì người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo điểm a khoản 2 điều 15 nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc