-Đầu tháng 12/ 2016 Báo VietNamNet tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của Bạn đọc và phúc đáp của các cơ quan.
TIN BÀI KHÁC
1. Bạn đọc Đoàn Thị Lợi, trú tại thôn 4, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, gửi “đơn kêu cứu” đề ngày 5/12/2016 về việc: Chồng là Vũ Hoài Thanh, nguyên quán: Đồng Cương, Yên Lạc, Vĩnh Phúc; trú quán: thôn 4, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; nhập ngũ ngày 5 tháng 2 năm 1962; đơn vị 683- Quân khu 5; cấp bậc Thiếu tá, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia bị “mất tin mất tích”; đã được Bộ Chi huy Quân sự Quảng Nam hướng dẫn xác lập hồ sơ và cấp Giấy bảo tử số 09 ngày 15 tháng 9 năm 2014. Hồ sơ đề nghị công nhận Liệt sĩ đối với ông Vũ Hoài Thanh đã được chuyển đến Cục Chính sách Bộ Quốc Phòng vào tháng 11/2014; “nhưng đến nay chồng tôi chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công và giải quyết chế độ Liệt sĩ cho tôi trong khi tôi đang lâm bệnh nặng”. Báo VietNamNet có Công văn số 481/CV-VNN ngày 13/12/2016 gửi Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Cục Chính sách- Tổng cục Chính trị đề nghị xem xét.
2. Bạn đọc Huỳnh Hữu Toàn là con Liệt sỹ, cháu nội Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thường trú tại 93 đường Mạc Đĩnh Chi, phường 4 TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng gửi đơn đề ngày 1/12/2016 và nhiều giấy tờ liên quan tiếp tục “kêu cứu khẩn cấp” vì Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 3/12/2010 của UBND tỉnh Bến Tre “không công nhận nội dung đơn khiếu nại…về việc đòi lại diện tích 16.578m2 đất, hiện do UBND xã Sơn Phú (huyện Giồng Trôm) quản lý với lý do: Phần đất trên nhà nước đã quản lý, sử dụng từ năm 1975 đến nay”. Tuy nhiên theo BĐ Toàn thì “Đất này có nguồn gốc của họ tộc. Trước năm 1975 vì là “gia đình Cộng sản” nên phải tản cư vào vùng Giải phóng, sau đó đến địa phương khác sinh sống. Sau Giải phóng tôi có về khai hoang, mong tạo dựng lại cơ ngơi để thờ cúng Liệt sỹ, nhưng chính quyền lấy đất, đuổi tôi đi, không bồi hoàn công khai hoang. Tôi có xin lại đất nhưng không ai giải quyết”. Về vấn đề này, Báo VietNamNet đã có Công văn số 369/CV-VNN ngày 29/9/2016 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh Bến Tre; UBND huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đề nghị xem xét, nhưng chưa nhận được phúc đáp.
3. Bạn đọc harrypham2016@gmail.com qua email đề ngày 12/12/2016 gửi “lời kêu cứu trên sông Hồng”: Thời gian này hiện tượng “cát tặc” lộng hành trên sông Hồng, ở khu vực xã Đông Quang - Ba Vì- Hà Nội. “Cát tặc” ngang nhiên khai thác hàng chục tấn cát mỗi ngày, làm thất thu thuế nhà nước, hủy hoại môi trường, phá hoại tài sản của nhà nước và của dân chúng tôi. Khai thác cát làm sạt lở 2 bờ sông, làm hệ thống đê kè bị phá hủy và nhà cửa bị cuốn trôi. Để bảo vệ tài sản của mình và của nhà nước, đề nghị chính quyền sở tại hãy kiên quyết xử lý; không dung túng cho “cát tặc”; chúng tôi là người dân tham gia bằng cách tập hợp thành nhóm nhỏ, bất chấp nguy hiểm, bơi thuyền ra giữa dòng sông phản đối. Mong Tòa soạn dùng sức mạnh của truyền thông để hỗ trợ chúng tôi chống lại nạn “cát tặc”.
Ảnh minh họa cắt từ clip do BĐ cung cấp) |
4. Bạn đọc Lê Đình Toàn, hộ khẩu tại 18 phố Thợ Nhuộm, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đến Tòa soạn trình bày và tiếp tục gửi đơn đề ngày 30/11/2016 kiến nghị về việc cấp “Sổ đỏ” cho “căn nhà cấp 4 do cha mẹ di chúc để lại tại địa chỉ 18 Thợ Nhuộm…không hề có tranh chấp từ xưa đến nay…Căn cứ Khoản 1, Điều 100, luật Đất đai 2013 và theo Điểm a, Khoản 1, Điều 20, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì gia đình nhà tôi được cấp Sổ đỏ và thực tế trong số nhà 18 Thợ Nhuộm đã có 3 hộ được cấp; nhưng UBND quận Hoàn Kiếm không cấp cho nhà tôi”. BĐ Toàn gửi đơn khởi kiện ra TAND quận Hoàn Kiếm và TAND TP. Hà Nội, đã quá thời hạn quy định vẫn chưa nhận được văn bản trả lời! Về vấn đề này Báo VietNamNet có Công văn số 359/CV-VNN ngày 23/9/2016 gửi Sở Xây dựng Hà Nội; TAND và UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị xem xét, hiện chưa nhận được phúc đáp.
5. Bạn đọc Ngô Thanh Bình, nguyên viên chức của trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, hiện trú tại 81 thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên gửi “đơn tố cáo” đề ngày 1/12/2016. Đơn này, BĐ Thanh Bình đồng gửi nhiều cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xem xét.
6. Bạn đọc Phạm Quang Long, TGĐ CTCP Du lịch Cao su Hàm Rồng (Harutour)- đơn vị đang triển khai dự án khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, gửi “đơn kêu cứu khẩn cấp” đề ngày 30/11/2016 về việc: UBND huyện Sa Pa cưỡng chế thu hồi đất đối với dự án của Harutour. Báo VietNamNet đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, nơi bạn đọc Quang Long đồng gửi đơn này, xem xét.
7. Bạn đọc tên Nghĩa, ngụ tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, gửi email đề ngày 6/12/2016 cảnh báo về sự lừa đảo “mua xe giấy ‘mẹ bồng con’ giá rẻ trên Facebook” diễn ra như sau: Bước 1: gọi vào số điện thoại 0981.927982 gặp anh Hùng bán xe giấy tờ “mẹ bồng con”. Bước 2: người xưng tên Hùng yêu cầu khách hàng chuyển đặt cọc 10% (trường hợp của mình là 1.000.000 đồng). Khoảng 3h sau, người tên Hùng lại gọi báo chuyển tiếp phí vận chuyển và tiền làm biển số xe là 2.000.000 đồng. Cuối buổi chiều, người tên Hùng yêu cầu chuyển khoản hết số tiền còn lại cho “công ty”. Người mua yêu cầu 2 bên cùng ra ngân hàng chuyển tiền và giao xe nhưng người tên Hùng bảo không cần, chuyển hết tiền 5 phút sau sẽ giao xe. Nhưng chuyển hết rồi người tên Hùng hẹn hết lần này đến lần khác, cuối cùng lặn mất tăm…
Ảnh minh họa do BĐ cung cấp |
8. Bạn đọc Kiều Thái Hưng là cổ đông của CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội gửi văn bản đề ngày 15/11/2016 phản ánh “theo Bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần vào tháng 9/2015 thì CT sở hữu 559.944m2 đất ở những vị trí đẹp của Hà Nội và nhiều địa phương khác…Tuy nhiên trong Bản công bố thông tin khi lên sàn upcom thì nhiều lô đất giá trị nhất trong số này bỗng nhiên biến mất không thấy nhắc đến”. BĐ Thái Hưng đề nghị các cơ quan hữu quan và CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội làm rõ nguyên nhân.
9. Bạn đọc Lê Thị Huệ là cán bộ CNVC tỉnh Thanh Hóa gửi “đơn kiến nghị” đề ngày 25/11/2016 về việc nhiều Sở, Ban, ngành trong tỉnh có nhiều cấp Phó hơn so với quy định của Chính phủ. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét.
10. Bạn đọc Võ Bá Ngọc ở thôn Đại Hanh, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam gửi “đơn tố cáo” đề ngày 29/11/2016 với 9 nội dung liên quan đến việc quản lý tài chính của ông Trưởng thôn Đại Hanh khi xây dựng các công trình trong thôn. Đề nghị UBND huyện Phú Ninh; UBND xã Tam Đại xem xét.
11. Các bạn đọc Lê Thị Thu, Phạm Thị Lan và “tập thể cán bộ, giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS huyện Đông Anh”, Hà Nội gửi đơn phản ánh: “Phòng GD và ĐT huyện Đông Anh có công văn số 559/PGD&ĐT, ngày 25/11/2016 về việc giáo viên theo học chương trình tiếng Anh A2 của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Cầu Giấy liên kết với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, học phí 3.100.000đ”, trong khi “Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Cầu Giấy không đủ chức năng để liên kết với trường Đại học Sư phạm Hà Nội để mở lớp” và “học phí chương trình tiếng Anh A2 của trường này chỉ 2.700.000đ”. Xin chuyển nội dung này đến Sở GD và ĐT Hà Nội; UBND huyện Đông Anh xem xét.
12. Bạn đọc Trần Kim Chung ở 208 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh gửi đơn đề ngày 7/12/2016 “khiếu nại kêu oan khẩn cấp” về việc người buộc phải thi hành án là bà Tôn Nữ Thị Trinh được “hoãn cưỡng chế thi hành án bàn giao tài sản (là quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại số 55/4A ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) đã bán đấu giá xong ngay trước giờ cưỡng chế, gây bức xúc cho công dân và gây ức chế cho các cơ quan chấp pháp”. Đơn này, BĐ Kim Chung đồng gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét.
13. Bạn đọc Việt Cường huythu0211@gmail.com gửi email đề ngày 13/12/2016 phản ánh: Đình Hoành Sơn và nhà thánh Hoành Sơn là 2 di tích nổi tiếng ở Nam Đàn, Nghệ An. Đình Hoành Sơn (xóm 4) xây dựng năm 1763 được đánh giá là ngôi đình đồ sộ và có kiến trúc đẹp bậc nhất miền Trung. Tuy mới được tu bổ hồi đầu năm 2016, không còn cảnh “kêu cứu” như mấy năm trước, nhưng Di tích Quốc gia này vẫn nằm giữa bộn bề cỏ, rác dơ bẩn! Cách đình không xa là nhà thánh Hoành Sơn đồ sộ (xóm 5), xây dựng từ xa xưa, là một trong số ít những Văn chỉ còn tồn tại khá nguyên vẹn, gồm 2 nhà thượng, hạ nối với nhau bằng các lối đi tả, hữu khép kín. Ở giữa là 1 sân lộ thiên nhỏ hình chữ nhật, có 4 tấm bia đá, khắc chữ Hán ghi danh gần 20 người con của làng đậu Đại khoa và Trung khoa. Điều đáng buồn là nơi tôn vinh sự học này, có bia đã nghiêng ngả, có bia gãy chỏng chơ, tứ bề cỏ mọc. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước về tham quan 2 di tích này ai cũng chạnh lòng. Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An, của huyện Nam Đàn quan tâm.
Ảnh minh họa do BĐ cung cấp |
14. Bạn đọc Lê Đình Trung cùng vợ là Tiêu Mỹ Ngọc ngụ tại 49 Điện Biên Phủ, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang gửi “đơn trình báo” đề ngày 2/12/2016 “Chúng tôi là người bị hại, là nạn nhân về việc lừa đảo và chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm của chúng tôi đang gửi ở Ngân hàng Việt Á cho nhánh An Giang và chi nhánh Cần Thơ với tổng số tiền là 43 tỷ 504 triệu đồng”. Đơn này, BĐ Đình Trung đồng gửi nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị xem xét.
15. Các bạn đọc Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Thị Lễ, Nguyễn Văn Hiếu đại diện cho 9 anh chị em ruột, đồng chủ sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại số nhà 47 Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi đơn đề ngày 6/12/2016 tiếp tục tố cáo việc vi phạm luật pháp của công trình xây dựng tại 31 Hàng Khoai, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của các chủ sở hữu liền kề là gia đình các Bạn đọc nói trên; đề nghị các cơ quan chức năng xử lý những phần xây dựng trái phép của nhà 31 Hàng Khoai. Báo VietNamNet đã từng phản ánh vấn đề này, đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Mã xem xét, giải quyết dứt điểm.
16. Bạn đọc Nguyễn Thị Hải ở Đông Anh, Hà Nội gửi email cảnh báo người tiêu dùng trong việc mua sắm Tết: Mứt “nhà làm”, ai kiểm định? Gia đình tôi nhiều năm nay thường đặt mua bánh mứt kẹo, nhất là các loại mứt trái cây tại nhà người quen, có uy tín, chế biến thủ công đó, dẫu hình thức, bao gói không bắt mắt, giá có cao, nhưng chất lượng rất ngon, sạch sẽ, và đặc biệt là không sợ hóa chất bảo quản độc hại. Tôi được biết nhiều gia đình cũng chọn cách mua bánh, mứt, kẹo như vậy. Chính vì người tiêu dùng ngày càng ưu ái với các loại bánh kẹo, mứt theo kiểu “tự làm” ấy mà phát sinh một mánh lới làm ăn, kiếm tiền mới của một số người: Họ mua sản phẩm bánh kẹo, mứt trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ ngoài thị trường, rồi phù phép và quảng cáo là mứt “nhà làm” để bán lấy giá cao! Không ít người đã mắc lừa! Tết này, xin các cơ quan chức năng quan tâm vấn đề: Mứt “nhà làm” ai kiểm định?
17. Bạn đọc Phạm Đình Thế trú tại tầng 7, tòa nhà VietTower, số 1 đường Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội (được bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ủy quyền) gửi thư đề ngày 9/12/2016 cảm ơn Báo VietNamNet trong Hồi âm đơn thư Bạn đọc cuối tháng 11/2016 đã “đề nghị UBND huyện Quế Võ; Chủ tịch UBND xã Phương Liễu xem xét, giải quyết đơn “kêu cứu khẩn cấp” về việc một số cán bộ UBND xã Phương Liễu có hành vi cản trở; chậm xem xét, giải quyết thủ tục cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho diện tích 250,35 m2 đất thuộc thửa số 121 tờ bản đồ số 34 tại xã Phương Liễu mà bà Lan được quyền sử dụng theo các văn bản của cơ quan Thi hành án huyện Quế Võ”.
18. Bạn đọc Nguyễn Thị Loan (Hà Nội ) gửi email đề ngày 2/12/2016 phản ánh: Dọc đường Trần Quang Khải từ dốc Bác Cổ, đến chợ đầu mối Long Biên theo con đường gốm sứ, có tới gần chục điểm "vệ sinh lộ thiên", những người thiếu ý thức thường đi tiểu tiện, thậm chí là cả đại tiện. Ô nhiễm môi trường quanh những tụ điểm ấy là đáng báo động. Mới đây, Nghị định 155/2016/NĐ-CP được ban hàn về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Theo đó các trường hợp cá nhân đi đại, tiểu tiện không đúng nơi quy định bị phạt tiền đến 3.000.000 đồng. Tôi và đại đa số công dân ở các đô thị đều ủng hộ quy định này để bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa do BĐ cung cấp |
19. Bạn đọc Đặng Vĩ, thường trú tại 36 Liên Trì, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đến Tòa soạn trình bày và gửi đơn đề ngày 13/12/2016 “kêu cứu khẩn cấp” về việc: “Suốt 3 năm qua gia đình tôi thường xuyên bị côn đồ hành hung và cố ý hủy hoại tài sản. Chúng tôi đã cấp báo với Công an phường Trần Hưng Đạo, nhưng những kẻ hãm hại gia đình tôi không bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường Trần Hưng Đạo xem xét.
20. Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ có Công văn số 838/ANĐT ngày 2/12/2016 phúc đáp Công văn số 431/CV-VNN ngày 9/11/2016 đề nghị xem xét đơn kêu cứu của BĐ Nguyễn Văn Kịch. Công văn cho biết đã chuyển đơn này đến Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ để được giải quyết theo đúng thẩm quyền. Xin nhắc lại là Công văn số 431/CV-VNN ngày 9/11/2016 của Báo VietNamNet cũng được gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ; hiện cơ quan này chưa phúc đáp. Trước đó BĐ Nguyễn Văn Kịch gửi đơn “kêu oan khẩn cấp” cho con trai là Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - GĐ CT TNHH MTV Nông Thủy sản Tây Nam, địa chỉ số 68, quốc lộ 61, ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang bị Công an TP. Cần Thơ bắt tạm giam 4 tháng vào ngày 16/6/2016 (nay gia hạn tạm giam 4 tháng nữa, đến 12/2/2017) với lý do là có hành vi ‘làm khống hồ sơ để lừa đảo chiếm đoạt tiền ưu đãi lãi suất của Nhà nước’. Bạn đọc cho rằng “CA Cần Thơ đã hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; bắt giam oan ức người không phạm tội trong lúc Tòa án dân sự quận Ninh Kiều đang tiến hành thụ lý xét xử vụ án kinh tế dân sự giữa Agribank Cần Thơ và công ty Tây Nam là không phù hợp với pháp luật và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp”.
Ban Bạn đọc