- Tranimexco cho rằng một trong những lý do khiến dự án kéo dài xuyên thế kỷ, là do có một số người góp vốn dự án làm đơn gửi tới các cơ quan ban ngành, khiến Tranimexco phải làm việc và giải trình nhiều.

>> Dự án “rùa bò” chơi sang, vung trăm triệu để dọn cỏ

Tranimexco không có lỗi?

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình (Tranimexco) vừa tổ chức cuộc họp với người góp vốn tại dự án Khu nhà ở CBCNV (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức), sau nhiều lần gửi giấy mời rồi lại thông báo hoãn.

Tại cuộc họp, đại diện Tranimexco trình bày bản báo cáo tình hình thực hiện dự án và đưa ra nhiều lý do khiến dự án từ thế kỷ trước tới nay vẫn còn là bãi cỏ.

Cụ thể, theo Tranimexco, một trong những lý do khiến dự án kéo dài, là do có một số người góp vốn dự án không hiểu hết những khó khăn của dự án nên có những bức xúc và làm đơn gửi tới các cơ quan ban ngành, khiến Tranimexco phải làm việc và giải trình nhiều.

{keywords}
Toàn cảnh buổi họp giữa Tranimexco và những người góp vốn dự án

Cùng với đó, Tranimexco cũng cho rằng việc vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, khiến dự án kéo dài. Theo Tranimexco, công ty này đã ký hợp đồng với UBND quận Thủ Đức từ năm 2002 về việc thực hiện đền bù giải tỏa để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến năm 2012 công tác đền bù giải tỏa vẫn không thể hoàn tất, bởi một số hộ dân không chịu di dời bằng mọi giá.

Do đó, Tranimexco phải lập hồ sơ xin điều chỉnh dự án theo diện tích đã giải tỏa được. Đến tháng 8/2014 UBND quận Thủ Đức mới bàn giao ranh đất ngoài thực địa cho Tranimexco.

Một lý do nữa là, vì tuyến đường vành đai 2 chạy qua dự án ban đầu có lộ giới là 60m, sau đó điều chỉnh lên thành 63m, rồi cuối cùng là 67m. Theo Tranimexco, những thay đổi quy hoạch như trên, đã làm cho công tác thực hiện lập hồ sơ đầu tư dự án kéo dài và tốn nhiều chi phí.

Ngoài ra, Tranimexco còn đưa ra một số lý do khác như: Do chưa có đường vào thực hiện dự án; do có sự thay đổi về chính sách pháp luật; do ranh giới khu đất dự án hiện đang bị lấn chiếm.

Tranimexco không hề nhắc gì tới trách nhiệm của mình trong việc để dự án mọc cỏ gần 20 năm qua. Điều này khiến nhiều người góp vốn không khỏi bức xúc. Theo những người góp vốn, có những khoảng thời gian dài Tranimexco không hề triển khai bất cứ việc gì liên quan tới dự án.

{keywords}
Dự án từ thế kỷ trước nay vẫn còn là bãi cỏ.

Phải tiếp tục chờ đợi

Tranimexco cho biết họ đang chờ cơ quan Thẩm định độc lập kiểm tra, kiểm định thiết kế và dự toán; Đã đo đạc kiểm tra mốc, cắm lại ranh đất…; Đang tiến hành dọn dẹp, thực hiện phương án PCCC; Đang tiến hành san lấp bơm cát mặt bằng giai đoạn 2; Thỏa thuận mua đất để làm đường vào dự án và đấu nối giao thông.

Theo bản báo cáo, dự kiến sẽ mất khoảng 60 ngày để thẩm định thiết kế và dự toán của dự án. Các thủ tục khác cũng mất từ 45-60 ngày. Còn thời gian thi công, hoàn thiện hạng tầng dự án mất khoảng 15 tháng. Dự kiến phải đến tháng 3/2020 mới có thể bàn giao nền cho người góp vốn.

Tại cuộc họp, những người góp vốn không đồng tình với tiến độ thực hiện dự án. Những người góp vốn cho rằng, tiến độ thực hiện dự án như vậy là quá dài. Cần rút ngắn thời gian thi công xuống khoảng 1 năm là hợp lý. Việc dự án đến nay đã gần 20 năm mà hiện vẫn chưa có thiết kế và dự toán là không chấp nhận được.

Những người góp vốn cũng đưa ra nhiều yêu cầu như: Phải đấu thầu công khai để chọn đơn vị thi công; Trong ban quản lý dự án phải có đại diện của người góp vốn; Tranimexco phải thực hiện dự án đúng pháp luật, công khai việc thu chi tài chính của dự án; Phải báo cáo tiến độ thực hiện dự án thường xuyên với tất cả những người góp vốn…

Trước những ý kiến của người góp vốn, đại diện Tranimexco hứa sẽ lấy bản kiểm định thiết kế và dự toán của dự án về gửi cho người góp vốn trong vòng 10 ngày. Đồng thời khẳng định dự án sẽ được làm đúng theo quy định của pháp luật. Sẽ lập website để đưa toàn bộ thông tin dự án lên cho mọi người được biết.

Những người góp vốn cho rằng, Tranimexco đã hứa nhiều lần và mọi người đã phải chờ đợi nhiều rồi. Lần này mọi người lại đành phải tiếp tục chờ đợi, ít nhất là chờ để nhận bản thiết kế và dự toán của dự án.

Được biết, năm 2001, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 (Cienco 6) ra quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng khu nhà ở cho CBCNV, với quy mô 86.568m2. Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn đóng góp tự nguyện của CBCNV. Công ty Tranimexco làm đại diện chủ đầu tư, quản lý, điều hành dự án. Ngày 19/4/2002, dự án được UBND TP.HCM ra quyết định giao đất tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức.

Từ tháng 3/1999, khi dự án đang trong giai đoạn lập đề án, Tranimexco đã bắt đầu thu tiền góp vốn. Sau đó, Tranimexco ký thỏa thuận góp vốn với CBCNV để huy động vốn thực hiện dự án thông qua đại diện công đoàn công ty. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Nhiều CBCNV đã về hưu nhưng vẫn chưa nhận được nền để xây nhà.

Gần đây, rất đông người góp vốn dự án này đã tụ tập trước trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận Thủ Đức, TP.HCM, để kiến nghị các cơ quan này vào cuộc giải quyết.

Mạnh Đức

Mua đất từ thế kỷ trước, đến giờ chưa được nhận nền

Mua đất từ thế kỷ trước, đến giờ chưa được nhận nền

Hàng trăm người góp vốn mua nền dự án Khu nhà ở CBCNV của Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình từ năm 1999, nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao.

Đại gia top 3 Đài Loan bỗng dưng lọt danh sách đen

Đại gia top 3 Đài Loan bỗng dưng lọt danh sách đen

UBND TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt chủ đầu tư Dự án Vision do Công ty TNHH Dacin Việt Nam Tân Tạo làm chủ đầu tư