Dự án tổ hợp công trình khách sạn và dịch vụ tại 22-32 Lê Thái Tổ được chủ đầu tư đệ trình mang tên Oriental Luxury với quy mô các công trình phía trong cao 6 tầng và tầng áp mái (tương đương 24m); công trình phía ngoài cao khoảng 16m và có 5 tầng hầm.

{keywords}

Khu đất số 22-32 Lê Thái Tổ nằm ngay gần Hồ Gươm sẽ trở thành tổ hợp khách sạn và dịch vụ.

Hội đồng Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến của các thành viên và chuyên gia và gửi kiến nghị lên thành phố Hà Nội về dự án khách sạn nằm sát Hồ Gươm, trong đó nhấn mạnh “Tổ hợp kiến trúc mặt đứng về phân vị, tỷ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực. Đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và màu sắc, cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ”.

Khu đất “vàng” hơn 2.870 m2 tại số 22-32 phố Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nằm ngay sát di sản quốc gia đặc biệt Hồ Gươm dự kiến sẽ được khởi công xây dựng tổ hợp công trình khách sạn và dịch vụ sang trọng vào tháng 9 tới đây.

Tạo điểm nhấn về kiến trúc

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng về việc triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm).

Theo đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội về quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ với phương án kiến trúc xây dựng công trình phải đảm bảo phù hợp các quy định về quy hoạch và bảo tồn, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc có liên quan; cố gắng kiến trúc mặt ngoài đảm bảo hình thái kiến trúc của công trình hiện có; thiết kế hài hòa, phù hợp với kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Gươm và phụ cận; bố trí cây xanh và chiếu sáng mặt tiền nhằm tạo điểm nhấn về kiến trúc tại khu vực Hồ Gươm.

Thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng giao các sở, ngành và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kết luận của Thường trực Thành ủy; hướng dẫn, tạo điều kiện giúp nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và kế hoạch khởi công xây dựng công trình trong tháng 9/2016. Thành phố cũng đề nghị Cty CP Intimex Việt Nam (chủ đầu tư dự án-PV) chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố để tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ và quy định của pháp luật.

Xây cạnh di sản quốc gia đặc biệt có hợp lý?

Được biết, vị trí dự kiến xây dựng tổ hợp khách sạn và dịch vụ hiện có diện tích khoảng 2.871,2m2, với hiện trạng các công trình cao 1 đến 2 tầng. Công trình hiện đang là chỗ kinh doanh siêu thị Intimex bờ hồ của Cty CP Intimex Việt Nam do bà Nguyễn Thị Nga làm Chủ tịch HĐQT, đồng thời là Chủ tịch của Tập đoàn BRG.

Cuối năm 2015, thị trường tài chính xôn xao với thông tin Tập đoàn BRG sẽ thâu tóm Intimex Việt Nam trong đợt IPO đơn vị này, với việc SCIC bán 34,3% tại Intimex Việt Nam cho Cty Thung lũng Vua - một thành viên của Tập đoàn BRG. Đơn vị này cũng là chủ đầu tư được Hà Nội giao làm quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài với điểm nhấn là tòa tháp tài chính cao 108 tầng vừa công bố.

Trước đó, ngày 8/3/2016, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, KTS Nguyễn Tấn Vạn có văn bản gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, góp ý về kiến trúc của dự án này. Theo Hội KTS Việt Nam, để chuẩn bị triển khai xây dựng tổ hợp công trình khách sạn và dịch vụ tại số 22-32 Lê Thái Tổ, Cty CP Intimex Việt Nam đang căng panô mặt đứng công trình mới theo kiểu kiến trúc Pháp để thông báo với cộng đồng xã hội.

Theo đó, nhận thấy hình thức kiến trúc của công trình mới không phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm, một di sản cấp quốc gia đặc biệt, Hội đồng Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến của các thành viên và chuyên gia. Hội đồng Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam cho rằng, công trình có chức năng dịch vụ, thương mại và khách sạn là phù hợp.

Tuy nhiên, nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực. Mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của 3 khối kiến trúc Pháp vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc Hồ Gươm.

“Tổ hợp kiến trúc mặt đứng về phân vị, tỷ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực. Đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và màu sắc, cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ”, văn bản của Hội KTS Việt Nam nêu.

Ngoài ra, Hội KTS Việt Nam đề nghị thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các ý kiến nêu trên để bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả nhất những giá trị của không gian kiến trúc và cảnh quan khu vực Hồ Gươm. Với 2 phương án kiến trúc do chủ đầu tư đề xuất, đa số đề nghị giữ kiến trúc công trình hiện có bằng giải pháp chỉnh trang, nâng cấp tinh tế; khối công trình phía sau không nên lặp lại hoàn toàn kiến trúc Pháp hoặc không nên làm toàn bộ bằng kính...

Theo Tiền Phong