Tôi năm nay 30 tuổi làm hành chính nhân sự cho một công ty tư nhân, còn chồng tôi 33 tuổi - nhân viên một công ty xây dựng. Chúng tôi đều sinh ra từ những miền quê nghèo khó ở tỉnh lẻ, gặp nhau nơi phố phường Hà Nội rồi lập gia đình. Sau 5 năm kết hôn, vợ chồng tôi có một cô con gái nhỏ. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng tôi khoảng 25 triệu đồng.

Suốt 4 năm đầu hôn nhân, chúng tôi ở cố định tại một khu trọ. Khi người chủ phá khu trọ để xây chung cư mini, chúng tôi buộc phải chuyển đi. Mọi rắc rối cũng bắt đầu từ đó. Một năm qua, vợ chồng tôi đã phải 3 lần đổi chỗ trọ đều vì những lý do rất oái ăm từ phía chủ nhà. Quá mệt mỏi, tôi bàn với chồng phải tính chuyện dài lâu, tức mua đất, mua nhà.

{keywords}
Ảnh minh họa

Hai vợ chồng tôi hiện có khoản tích lũy 800 triệu. Tôi muốn vay mượn thêm khoảng 300 - 400 triệu, mua một  mảnh đất có nhà cấp 4 ở quận Long Biên (hai vợ chồng tôi đều làm ở Hoàn Kiếm nên sẽ thuận tiện đi làm, đất ở Long Biên giá cũng không quá "chát") để sinh sống tạm, khi nào có thêm tiền thì sẽ xây nhà khang trang sau. Theo tính toán của tôi, mảnh đất đã có nhà cấp 4 sẵn tức là gia đình tôi có thể ở tạm, hàng tháng đỡ được khoản tiền thuê nhà. Số tiền cần vay thì một nửa vay họ hàng, bạn bè, phần còn lại vay ngân hàng, tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng đều nằm trong mức kiểm soát, phù hợp với mức thu nhập của hai vợ chồng.

Tuy nhiên, chồng tôi lại muốn chơi "quả lớn", tức là vay mượn thêm khoảng 800 triệu nữa để mua luôn nhà có sẵn. Chồng tôi bảo, qua khảo sát, đa số những mảnh đất có nhà cấp 4 với tầm giá mà tôi mong muốn đều thuộc dạng "bán đất tặng nhà", tức căn nhà cấp 4 đã vô cùng xuống cấp, vào ở ngay sẽ khổ sở hơn cả ở nhà thuê. Còn nếu sửa sang, gia cố lại để ở được thì ít nhất cũng phải chi gần 100 triệu. Chưa kể sau này nếu có tiền xây nhà to hơn thì lại phải bỏ tiền thuê đập, phá nhà cũ.

Anh cũng bảo bản thân làm nghề xây dựng nên rất ngán ngẩm cảnh xây nhà phố, vì đường ngõ chật hẹp, việc vận chuyển vật liệu thường bị đội chi phí nhiều lần. Hàng xóm khó tính thì càng vất vả vì nay họ tố cáo chuyện xây nhà gây tiếng ồn, mai họ làm ầm chuyện bụi bặm, rơi vãi vật liệu xây dựng. Trong quá trình xây nhà, để đảm bảo chất lượng, thợ không làm láo, nhất định phải có một người giám sát thi công, anh không thể bỏ việc để canh xây nhà.

Theo anh, mua một căn nhà có sẵn ở được luôn sẽ hợp lý hơn nhiều. Để chứng minh bản thân đúng, anh còn dẫn tôi đi tham khảo một số ngôi nhà có sẵn đang được rao bán.

Trước khi đi xem nhà, tôi băn khoăn vì khoản vay mượn lên tới 800 triệu là quá sức so với hai vợ chồng tôi. Hai bên gia đình đều làm nông, người thân họ hàng cũng chẳng giàu có nên không thể trông mong gì nhiều vào những khoản vay không phải trả lãi này. Đồng nghĩa với việc đa số khoản vay sẽ là vay ngân hàng, mà với thu nhập của vợ chồng tôi, sao có thể kham nổi?

Sau khi đi xem nhà về, tôi còn băn khoăn thêm một chuyện khác: Đa phần nhà xây sẵn là của một số người đầu tư, tức họ mua đất rồi xây nhà mới để bán lại kiếm lời. Chúng chỉ được "cái mã" còn chất lượng xây dựng rất kém, có căn mới xây xong vài tháng mà tường đã có vết nứt, thiết kế công năng cũng không phải tối ưu. Ai biết về lâu về dài chất lượng nhà sẽ như thế nào? Nó thấm, dột, nứt nặng thì lại phải mất công, mất tiền sửa chữa. Suy cho cùng, cũng đâu hài lòng bằng việc mình mua đất rồi tự thiết kế, xây nhà?

Bài toán an cư lạc nghiệp cho những người "sinh ra từ làng" nhưng "lập nghiệp tại phố" có lẽ không chỉ mỗi vợ chồng tôi gặp phải. Ai đã từng đứng trước những lựa chọn tương tự thế này, xin hãy cho vợ chồng tôi một lời khuyên: Nên mua đất rồi từ từ tích cóp xây nhà hay đánh liều vay mượn để mua nhà có sẵn?

Thùy An (Hưng Yên)

Dân bất động sản chỉ chiêu đặt cọc mua nhà đất tránh ôm hận mất tiền oan

Dân bất động sản chỉ chiêu đặt cọc mua nhà đất tránh ôm hận mất tiền oan

Không cẩn thận khi ký kết hợp đồng đặt cọc mua nhà đất, người mua có thể sẽ phải ngậm đắng nuốt cay, thậm chí mất trắng tiền cọc.