Tuy nhiên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói rằng tổng tài sản được đưa vào hồ sơ phân chia chỉ là phần nổi, còn giá trị thật phải lên đến con số gần 8.400 tỷ đồng, bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản.

Trong khối bất động sản khổng lồ này là các dự án lớn nhỏ đang được Tập đoàn Trung Nguyên đầu tư và triển khai tại Đắk Lắk. Tổng số vốn đầu tư vào các dự án này trên 3.000 tỷ đồng. 

Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh

Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh có tên gọi chính thức là Thành phố cà phê (The Coffee City) do Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên làm chủ đầu tư. Đây là dự án được tỉnh ủy Đắk Lắk cấp phép gần đây nhất và cũng là dự án lớn nhất mà ông “vua cà phê” triển khai. Dự án này có tổng số vốn đầu tư lên đến 2.800 tỷ đồng, tọa lạc tại 3 phường Tân Lợi, Thành Công, Thắng Lợi và xã Cư Ebur – Buôn Ma Thuột.

{keywords}
Một góc Dự án Khu du lịch sinh thái-văn hóa cà phê Suối Xanh với tổng mức đầu tư 2.128 tỷ đồng vẫn hoang sơ.

Tổng dự án 45,45 ha nhưng chỉ có khoảng 10,96 ha là đất ở. Dự kiến vào năm 2020, khi dự án được lấp đầy sẽ có khoảng 5.000 người sinh sống, còn lại sẽ là cảnh quan hồ nước, công viên sinh thái… Ngoài ra, trong thành phố sẽ có trường học, trung tâm sức khỏe cộng đồng.

Trong năm 2018-2019, chủ đầu tư cho biết sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu vực 19,4ha, xây dựng 250 căn nhà ở liền kế, hoàn thành bảo tàng về cà phê, khu giáo dục. Đến năm 2020, về cơ bản, đơn vị này sẽ hoàn thành toàn bộ thành phố với công viên sinh thái Văn hoá cà phê, trung tâm thương mại, khu biệt thự và nhà ở xã hội tái định cư…

Khu du lịch sinh thái M’Drăk

Dự án này có tên là Trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp Du lịch sinh thái (xã Krông Á, huyện M’Đrắk). Năm 2004, tỉnh Đắk Lắk đã cấp phép chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Trung Nguyên tại Công văn 23/CV-UBND. Dự án có quy mô 595 ha, vốn đăng ký 68 tỷ đồng và đã được chính quyền địa phương cho thuê 3.779.471 m2 đất nông nghiệp để xây dựng các hạng mục đầu tư ban đầu.

{keywords}
Dự án đầu tư Trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp Du lịch sinh thái tại xã Krông Á.

Tuy nhiên, từ khi có chủ trương đến nay, Trung Nguyên chỉ mới tu bổ, nâng cấp một số đoạn đường đất nội bộ, xây dựng một số nhà sàn (theo kiến trúc dân tộc Êđê) và chăn thả ngựa, heo lai rừng, còn nhiều hạng mục đầu tư khác vẫn chưa hoàn tất.

Dự án cụm thác Dray Nur – Dray Sáp Thượng

Khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur (huyện Krông Na) được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Trung Nguyên từ tháng 10/2010 với diện tích rừng và đất nông – lâm nghiệp là 105 ha. Tổng vốn đầu tư vào 2 dự án này lần lượt là 82 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

{keywords}
Khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur.

Dù cấp phép đã lâu nhưng đến nay, cụm thác Dray mới chỉ hoạt đồng một phần vào tháng 9/2017, còn dự án tại Đồi Cư H’Lâm vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đáng chú ý, tuy chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư, nhưng Trung Nguyên (dưới tên gọi Công ty du lịch Đặng Lê) đã đưa vào khai thác 3 năm nay một số sản phẩm, dịch vụ du lịch như cưỡi ngựa, vui chơi, giải trí và cắm trại dã ngoại dưới chân thác…

Nhà khách Trung Nguyên

Ngoài các dự án du lịch, một dự án khác của Trung Nguyên được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu năm năm 2014 là dự án Nhà khách Trung Nguyên tại phường Tân Lợi - TP. Buôn Ma Thuột. Dự án có quy mô gần 6ha với số vốn khoảng 130 tỷ đồng nhằm thực hiện các hạng mục nhà khách, hội trường, biệt thự… 

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, chủ đầu tư chỉ mới thực hiện thủ tục trích lục bản đồ và đang thuê đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỷ lệ 1/500. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng ấn định thời gian thực hiện cụ thể, yêu cầu hoàn thành dự án, đưa vào khai thác trước ngày 30/9/2018.

Quốc Đại

Vợ chồng ông chủ Trung Nguyên vẫn chưa thể chia khối tài sản khủng

Vợ chồng ông chủ Trung Nguyên vẫn chưa thể chia khối tài sản khủng

Theo phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cung cấp, tổng tài sản chung của vợ chồng ông hiện nay gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản có tổng trị giá gần 8.400 tỉ đồng.