Các phương án xử lý dự án “treo”
Trước thực trạng dự án “treo” ôm đất bỏ hoang nhiều năm không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân gặp khó khăn, cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước nhằm giải quyết căn cơ tình trạng này.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ TN&MT cho biết, các dự án quy hoạch treo có rất nhiều nguyên nhân như: tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch; dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý; dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm…
Tại Mê Linh (Hà Nội) có những dự án "ôm" đất cả thập kỷ |
Để xử lý các quy hoạch treo, Bộ đã trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cho biết, trong Luật Đất đai năm 2013 cũng đã quy định để xử lý vấn đề quy hoạch treo cụ thể: Đối với trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền.
Dự án Sông Hồng City đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 1995 dự tính sẽ là một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn... nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy |
Bộ TN&MT cũng chỉ ra trách nhiệm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn.
“Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể tại các địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo từng chương trình, kế hoạch cụ thể hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật” – Bộ TN-MT thông tin
Loạt dự án treo ở Hà Nội liệu “đắp chiếu” cả thập kỷ
Theo báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố của UBND TP Hà Nội mới đây, qua rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.
Được biết, từ tháng 7/2018 đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố và UBND cấp huyện rà soát, đối chiếu và triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
Dự án 131 Thái Hà nằm ở vị trí đắc địa khởi công năm 2008 và dự kiến hoàn thành năm 2010 tuy nhiên dự án sau khi thi công phần thô vẫn nằm phơi sương, phơi nắng cả thập kỷ chưa hẹn ngày về đích |
Kết quả cho thấy, có 35 dự án với tổng diện tích 57ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn thu hồi đất mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền trên đất.
Đáng chú ý có 29 dự án với tổng diện tích hơn 1.840ha kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư.
Thực tế cho thấy, từ các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô đều xuất hiện các dự án “treo”. Thời gian qua, cử tri Hà Nội đã có kiến nghị đề nghị thành phố chỉ đạo Công ty CP Bất động sản AIC đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khu đô thị mới AIC (huyện Mê Linh) đã được phê duyệt cách đây 13 năm.
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri về dự án này, UBND TP Hà Nội cho biết dự án có quy mô hơn 94ha đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 633 ngày 29/2/2008, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào tháng 7/2008.
Cũng theo UBND TP Hà Nội tháng 9/2011, UBND TP đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị. Đến nay dự án đã giải phóng mặt bằng hơn 35ha, đã thực hiện hoàn thành thi công hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với diện tích khoảng 30ha.
“Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành đôn đốc, kiểm tra đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy định” – UBND TP Hà Nội thông tin.
Một dự án khác là dự án xây dựng khu nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê (Dự án Sông Hồng City) tại khu vực hồ Nghĩa Dũng với diện tích 51.300m2 được cấp Giấy phép đầu tư năm 1994 cho phép Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội và Công ty Antara Koh Development (V) Pte, Ltd (Singapore) thành lập Công ty liên doanh có tên là Công ty Phát triển đô thị để thực hiện dự án trong vòng 8 năm.
Theo đó, nhà đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất, và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1995, tuy nhiên, từ đó đến nay, sau 25 năm dự án Sông Hồng City vẫn chỉ nằm "trên giấy”.
Ngay trung tâm Thủ đô, công trình Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở kinh doanh số 131 Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư được cấp phép xây dựng vào năm 2005. Theo dự kiến, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2010, tuy nhiên đến nay, dự án vẫn “trơ trọi” phần thô, đang “đắp chiếu”, không hẹn ngày hoàn thành.
Dự án 131 Thái Hà nằm trong danh sách dự án có chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ pháp lý dự án và hồ sơ đề nghị cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà mà Sở TN&MT Hà Nội từng công bố năm 2014. Dự án cũng nằm trong danh sách các dự án Sở Xây dựng Hà Nội từng kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư vào năm 2015.
Hoài Nam
Đống tiền chôn trong hàng trăm dự án bỏ hoang ở Hà Nội
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung báo chí phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất.