- Nghị quyết về kết quả giám sát thực hiện cải cách hành chính do Quốc hội thông qua sáng nay ghi rõ, Chính phủ cần sớm cải cách cơ bản chế độ tiền lương gắn với vị trí việc làm và tinh giản hợp lý biên chế, bộ máy.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận về kết quả đợt giám sát cải cách hành chính do Ủy ban Thường vụ tiến hành.

Sau khi chỉ ra những tồn tại trong cải cách hành chính hiện nay, QH đã thống nhất ra nghị quyết để giám sát việc khắc phục của Chính phủ.

Trao đổi ở hành lang QH. Ảnh: Lê Anh Dũng
QH cho rằng, cần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát sửa đổi, hủy bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ những quy định, thủ tục hành chính không phù hợp.

Tổng kết việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nghiên cứu toàn diện các mặt và sớm ban hành đồng bộ, cụ thể các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, hồ sơ, quy trình, thủ tục trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tiến độ thực hiện phải được báo cáo QH hàng năm.

Trước đó, khi thảo luận về tình hình cải cách thủ tục hành chính, các ĐBQH đã chỉ ra, vẫn còn nhiều thủ tục bất cập, chồng chéo, không hợp lý. Người dân phải tốn nhiều thời gian đi lại, làm chậm trễ và mất cơ hội đầu tư.

Còn phổ biến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực. Kỷ cương, kỷ luật hành chính và việc xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm.

Mức độ chuyên nghiệp, tính chuyên sâu, kỹ năng hành chính và đạo đức, phẩm chất chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Quốc hội cũng nêu rõ, các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước còn chồng chéo hoặc bỏ trống, chưa phân định rõ quyền và trách nhiệm. Thói quen quản lý theo cơ chế tập trung, bao cấp (cơ chế xin – cho), vì lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương chưa được xóa bỏ triệt để trong việc xây dựng và hoạch định chính sách.

Việc ban hành Nghị quyết được xem như giám sát tối cao của Quốc hội, với kỳ vọng tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính vốn đang bị xem là ì ạch lâu nay.

  • Lê Nhung